Cha giàu cha nghèo: Người giàu bắt đồng tiền làm việc cho mình, người nghèo cả đời vẫn nghèo nếu không đầu tư vào những thứ này

Vũ Anh |

Xuất phát điểm và con đường đi khác nhau, dĩ nhiên 2 người cha sẽ có quan điểm trái biệt về tiền bạc.

Cha giàu cha nghèo: Người giàu bắt đồng tiền làm việc cho mình, người nghèo cả đời vẫn nghèo nếu không đầu tư vào những thứ này - Ảnh 1.

Cha đẻ của tác giả cuốn sách ‘Cha giàu cha nghèo’ Robert Kiyosaki là người học hành giỏi giang. Ông hoàn thành chương trình đại học chỉ trong 2 năm, sau đó học tiếp lên bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học danh giá. Trong khi đó, cha nuôi của Robert lại chưa hoàn thành lớp 8, song vẫn trở thành người giàu có nhất tiểu bang.

Xuất phát điểm và con đường đi khác nhau, dĩ nhiên 2 người cha sẽ có quan điểm trái biệt về tiền bạc.

Người cha ruột thường nói: “Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”.

Người cha nuôi lại bảo: “Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”.

Điều này khiến Robert không khỏi suy nghĩ, sau đó tổng kết lại trong cuốn ‘Rich Dad, Poor Dad’ (Cha giàu, cha nghèo) - một trong những tác phẩm về tài chính cá nhân bán chạy nhất trên toàn thế giới. Cuốn sách không dạy bạn cách làm giàu, song sẽ đưa ra cái nhìn khách quan về sức mạnh của đồng tiền cũng như tác động của tư duy, suy nghĩ mỗi cá nhân.

Bài học số 1: Những người giàu không làm việc vì tiền

Ngay từ đầu cuốn sách, Robert đã khẳng định người nghèo và trung lưu làm việc để kiếm tiền, trong khi người giàu bắt đồng tiền làm việc cho họ. Đây cũng là điều mà doanh nhân kiêm tác giả Rafael Badziag đúc kết được sau khi phỏng vấn 21 tỷ phú tự thân về động lực mỗi ngày.

“Những vấn đề tôi gặp phải trong cuộc sống hàng ngày đã truyền cảm hứng để tôi tìm giải pháp. Trở thành tỷ phú chưa bao giờ là yếu tố thúc đẩy của tôi”, Micheal Solowow, người thành lập công ty xây dựng Mitex cho biết. “Tôi được thúc đẩy bởi mong muốn làm mọi thứ tốt lên, tuy chưa hoàn hảo nhưng đủ tốt với khách hàng. Tôi cảm thấy hài lòng khi sản phẩm và dịch vụ của mình ngày càng được cải thiện”.

Trong khi đó, N. R. Narayana Murthy, đồng sáng lập công ty công nghệ khổng lồ Infosys của Ấn Độ thừa nhận động lực đến văn phòng từ 6 giờ sáng mỗi ngày là vì tin rằng đó là cách duy nhất giúp đất nước có thêm nhiều việc làm.

Bài học số 2: Hiểu về tài chính

Cần phân biệt và hiểu rõ tài sản và tiêu sản. Tài sản là những thứ đem lại tiền cho bạn còn tiêu sản thì ngược lại, khiến bạn phải chi nhiều tiền hơn.

Nhiều người không phân biệt được điều này, và do đó, cột tài sản ngày càng giảm, trong khi tiêu sản lại tăng lên. Chính điều này đã dẫn đến bi kịch của tầng lớp trung lưu, khi nguồn thu nhập duy nhất chỉ đến từ tiền lương.

Theo Norio Norio, chuyên gia tài chính Nhật Bản kiêm tác giả cuốn “Nghệ thuật kiếm 300 triệu yên tuổi 33’’, luôn có sự khác biệt giữa cách tiêu tiền của người giàu và người nghèo. Ông cho rằng người giàu dù dư dả về tài chính nhưng hiếm khi phung phí vào những thứ không xứng đáng, trong khi người nghèo với điều kiện kinh tế chưa dư dả lại thường rất hay tiêu hoang. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc “người giàu càng giàu thêm” còn “người nghèo mãi vẫn hoàn nghèo”.

Ngoài ra, Robert cũng cho rằng: “Hai câu nói ưa thích của người mang tư duy nghèo là ‘Tôi sẽ không bao giờ giàu’ và ‘Người giàu rất tham lam’. Theo tôi, người nghèo mới là kẻ tham lam. Nếu muốn trở nên giàu có, trước tiên bạn phải cho đi đã. Tôi viết sách để truyền tải thông tin, đầu tư bất động sản và cho thuê, tạo công ăn việc làm cho người khác… Nhờ đó tôi mới giàu có. Còn người nghèo không tạo ra hay cho đi cái gì cả”.

Cũng theo ông, người giàu kiếm tiền từ các khoản đầu tư thông minh chứ không phải các khoản nợ. Bên cạnh việc am hiểu tài chính, họ còn tích cực đầu tư vào kiến thức và kỹ năng để nâng cao khả năng kiếm tiền. Ông cho rằng nghiên cứu và đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ sẽ tốt hơn là để tiền “chết” trong tài khoản tiết kiệm.

Triệu phú Kevin O’Leary cũng có quan điểm tương tự. “Điều quan trọng nhất mà người Mỹ có thể làm trong thời kỳ lạm phát cao như hiện nay là tránh giữ phần lớn tiền trong tài khoản tiết kiệm lãi suất thấp. Lúc này, nếu gửi tiền ở ngân hàng, tiền lãi mà bạn nhận được sẽ chẳng là bao”.

Bài học số 3: Đầu tư vào tri thức

Theo cuốn ‘Cha giàu cha nghèo’, tiền không phải là tài sản lớn nhất của bạn. Nếu được chuẩn bị sẵn sàng về kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính linh hoạt, đồng thời không ngừng cởi mở và học hỏi, bạn chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội làm giàu hơn.

“Trí thông minh giải quyết vấn đề và tạo ra tiền. Nếu thiếu trí thông minh, tiền sẽ nhanh chóng bị mất đi”, Robert nói và khuyên mọi người nên có kiến thức về đầu tư, thị trường, lãnh đạo, viết lách, nói trước đám đông và giao tiếp…

“Hãy tìm một công việc mà bạn có thể học được những kỹ năng cần thiết”, ông nhận định và nhấn mạnh rằng tri thức có thể giúp bạn hiểu biết hơn, phát triển sự nghiệp hơn và thành công hơn.

“Hãy xây dựng một nguồn thu để có thể tồn tại được trong cơn khủng hoảng. Bạn trẻ không nên chỉ đến trường và trở thành nhân viên làm công ăn lương. Hãy khởi nghiệp và đầu tư, sau đó tự xây dựng công ty và tạo việc làm cho mọi người”, Robert nói. “Họ dạy bạn cách đi học, kiếm việc làm và chăm chỉ làm việc với đồng lương ít ỏi. Tôi gọi đó là ‘rác rưởi’ khi so sánh thu nhập này với những gì bạn có thể kiếm được từ đầu tư”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại