Đầu năm 2024, chị Phùng, một doanh nhân ở Thượng Hải, vừa về đến nhà thì bất ngờ nhận được giấy triệu tập của tòa án địa phương. Khi nhìn thấy tên người khởi kiện, người phụ nữ này run lên vì tức giận. Theo đó, người khởi kiện là cô Kiều, người giúp việc mà chị Phùng từng thuê về để chăm sóc người cha bị bệnh nặng. Người phụ nữ này kiện chị Phùng ra tòa vì không chịu bàn giao căn nhà đang ở lại cho mình.
Trước đó vào năm 2019, chị Phùng vì bận rộn với công việc kinh doanh nên không thể chăm sóc chu đáo cho người cha đang bị bệnh nặng. Mẹ mất sớm, chị Phùng là đứa con duy nhất trong nhà nên không còn ai phụ giúp. Thông qua trung tâm môi giới việc làm, Chị thuê cô Kiều, một người phụ nữ đã đứng tuổi, làm giúp việc cho gia đình. Công việc của cô Kiều là nấu ăn, quét dọn và chăm sóc cha của chị Phùng.
Trong thời gian được cô Kiều chăm sóc, chị Phùng thấy sức khỏe của cha có tiến triển nên rất hài lòng. Để cảm ơn người giúp việc, chị Phùng đã tăng lương và thường xuyên tặng quà cho người phụ nữ này.
2 năm sau đó, ông Phùng vì tuổi cao, sức yếu, không thể tiếp tục chống chọi với bệnh tật nên đã qua đời. Sau khi lo xong hậu sự cho cha, chị Phùng cũng kết thúc hợp đồng với cô giúp việc. Tuy nhiên khi người phụ nữ này mang thẻ ngân hàng của người cha quá cố đến ngân hàng để kiểm tra tài khoản thì được nhân viên thông báo rằng toàn bộ số tiền tiết kiệm 1,24 triệu NDT (hơn 4,3 tỷ đồng) của cha cô đã “biến mất”. Theo lịch sử giao dịch, chị Phùng biết được số tiền trên đã được chuyển sang tài khoản của cô Kiều.
Để làm rõ chuyện này, chị Phùng đã hẹn cô giúp việc cũ ra để nói chuyện. Trước ánh mắt nghi hoặc của chủ cũ, cô Kiều cho biết mình là người thừa kế khối tài sản của ông Phùng. Để chứng minh điều đó, cô đưa ra một tờ giấy, trong đó có chữ ký và dấu vân tay của ông cụ. Nội dung tờ giấy đề cập đến việc cha của chị Phùng đã đồng ý tặng cô Kiều khoản tiền tiết kiệm trị giá 1,24 triệu NDT của mình.
Nhìn thấy tờ giấy trên, chị Phùng vô cùng hoang mang. Tuy nhiên khi chưa kịp định thần, người giúp việc cũ tiếp tục lấy ra một tập tài liệu khác và đưa cho chị xem.
“Chú Phùng cũng cho tôi căn nhà cháu đang ở, đây là di chúc của cha cháu. Cháu nên dọn ra khỏi nhà sớm đi nếu không chúng ta sẽ phải gặp nhau tại tòa án ”, cô Kiều nói.
Cầm trên tay tập tài liệu mà cô Kiều đưa, sắc mặt của chị Phùng bỗng tái mét đi. Đến tận giây phút đó, chị mới hiểu rõ tâm địa của người phụ nữ này. Tuy nhiên, sau khi xem kỹ nội dung bản di chúc nói trên, chị Phùng lại thở phào nhẹ nhõm.
Không lâu sau đó, cô Kiều nhiều lần đến nhà và yêu cầu chị Phùng bàn giao căn nhà đang ở cho mình nhưng đều bị từ chối. Hết cách, người phụ nữ này đã khởi kiện chị Phùng ra tòa để đòi lại quyền lợi cho mình.
Trước tòa, cô Kiều tố chị Phùng là đứa con gái bất hiếu, không quan tâm đến cha mình. Người này cũng cho biết trong quá trình chăm sóc ông Phùng, ông cụ thấy cô làm việc tốt nên rất quý mến và quyết định tặng cô toàn bộ tài sản gồm căn nhà đang ở và sổ tiết kiệm. Toàn bộ sự việc đều có luật sư Ngô làm chứng. Không chịu lép vế, chị Phùng phản bác lại những điều trên và cho biết ngay từ đầu, cô Kiều đã có ý đồ xấu, muốn chiếm đoạt tài sản của gia đình chị.
Về vấn đề trên, căn cứ theo Điều 1123 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, tòa án địa phương cho rằng trong trường hợp ông Phùng có để lại di chúc thì quyết định phân chia tài sản sẽ được thực hiện dựa theo di chúc đó. Do đó, nếu ông Phùng quyết định cô Kiều là người thừa kế duy nhất cho khối tài sản của mình thì theo quy định của pháp luật, chị Phùng phải làm thủ tục chuyển nhượng và bàn giao tài sản cho người thừa kế là cô Kiều.
Nghe vậy, cô Kiều tỏ ra vô cùng đắc ý, cho rằng bản thân đã nắm chắc phần thắng. Tuy nhiên lúc này, chị Phùng chỉ vào di chúc mà cô Kiều đang cầm trên tay, lạnh lùng nói:
“Tôi không cần phải bàn giao gì hết thưa tòa, bởi di chúc mà người phụ nữ kia cầm là giả."
Chị Phùng chỉ ra di chúc trong tay cô Kiều là di chúc bằng văn bản nhưng lại không có chữ ký của cha cô. Do đó, dù có luật sư làm chứng thì di chúc trên cũng không hợp lệ. Điều 1135 Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định: Di chúc bằng văn bản phải có từ hai người làm chứng trở lên. Bên cạnh đó, di chúc phải có chữ ký của người lập di chúc và những người làm chứng khác thì mới có hiệu lực.
Đáp trả việc di chúc không có chữ ký của ông Phùng, cô Kiều cho biết thời điểm viết di chúc, tay của ông Phùng không thể cử động nên không thể ký tên được. Chị Phùng nghe vậy bèn đưa ra một tờ giấy và gửi lên tòa:
“Thưa tòa, cô Kiều nói rằng bố tôi bị bệnh nên không thể ký tên vào di chúc. Vậy tại sao sau khi lập di chúc được vài này, bố tôi vẫn có thể ký tên vào tờ giấy nhận tiền trợ cấp cho người già này.”
Mặt khác, chị Phùng cũng cho rằng luật sư Ngô mà cô Kiều nhắc đến cũng là giả mạo. Nguyên nhân là vì nếu người đó đúng là luật sư thì anh ta phải biết việc rõ di chúc không có chữ ký của người lập di chúc là không hợp lệ. Trước những bằng chứng mà chị Phùng đưa ra, cô Kiều chỉ biết im lặng.
Cuối cùng, sau khi xem xét kỹ vụ việc, tòa án địa phương đã ra phán quyết di chúc trong tay của cô Kiều là giả và bác bỏ mọi yêu cầu của người phụ nữ này.
Theo 163, dù giữ được căn nhà nhưng chị Phùng vẫn phải cay đắng nhìn khoản tiền tiết kiệm của cha mình bị người giúp việc cũ nuốt trọn. Chị Phùng cho biết cha con chị rất gắn bó và không có lý do gì để ông giao toàn bộ tài sản của mình cho người ngoài là cô Kiều. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ này muốn lấy lại số tiền 1,24 triệu NDT của cha mình, chị phải đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng cha cô đã bị cô giúp việc “lừa” ký giấy cho tiền.
(Theo 163.com)