Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười

IMACHO |

Ông Daisuke Inoue là cha đẻ của chiếc máy karaoke đã không quan tâm đến số tiền bản quyền 2,3 nghìn tỷ đồng và từng nghĩ chẳng ai quan tâm đến thiết bị này cho đến khi nó trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Người đàn ông đã giúp cho mọi người có thể hát hò, dù đôi khi họ không hát đúng nhịp cho lắm, đã có thể thu về 100 triệu USD (2,3 nghìn tỷ đồng) tiền bản quyền chỉ tính riêng trong năm ngoái. 

Thế nhưng, ông không hề buồn rầu khi khối tài sản khổng lồ này vuột khỏi tầm tay.

Tuổi thơ gặp tai nạn "thập tử nhất sinh"

Daisuke Inoue, cha đẻ của chiếc máy karaoke, chỉ nhún vai khi được hỏi rằng liệu ông có cảm thấy hối hận khi không lấy bằng sáng chế cho sáng tạo của mình nay đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới hay không.

"Thời điểm đó, tôi nghĩ rằng bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh vĩ đại, khó tin, những sáng chế tạo ra thứ chưa từng có trước đây. 

Việc kết hợp các linh kiện điện tử có sẵn để tạo thành một chiếc máy karaoke theo tôi không phải là một phát minh" - ông Daisuke nói.

Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười - Ảnh 1.

Trong quá khứ, ông từng nghi ngờ về sự phổ biến của máy karaoke, ông thậm chí còn chưa từng tưởng tượng được rằng nó sẽ trở thành một hiện tượng thế giới.

"Tôi tin là hầu hết mọi người đều khao khát được hát và chiếc máy karaoke đã trao cho họ cơ hội để được trở thành ngôi sao của đám đông. Đó là những gì tôi nghĩ khi tôi nhìn người khác hát" - ông Daisuke nói.

Giờ đây, ông Daisuke đã 80 tuổi và sống ở thành phố phía Tây Nhật Bản, Nishinomiya, cùng với vợ, con gái cùng 3 đứa cháu và 7 con chó cưng. 

Gần đây, ông đã trò chuyện với tờ SCMP như một dịp để nhìn lại ý tưởng tưởng chừng như đơn giản của ông trong quá khứ đã tạo ra một cuộc cách mạng đối với văn hóa đại chúng.

Ông Daisuke chào đời vào mùa hè năm 1940 ở Juso, Osaka. Bố của ông sở hữu một bể bơi nhỏ và năm lên 3, ông đã ngã xuống từ tòa nhà 2 tầng đến nỗi rơi vào hôn mê trong suốt 2 tuần. 

Khi đó, bác sĩ đã nói với bố mẹ ông Daisuke rằng nếu ông có may mắn sống sót thì cũng sẽ không tránh khỏi những tổn thương não bộ.

Một nhà sư đã được mời đến để ban phước lành cho ông Daisuke và từ đây, ông được đổi họ từ Yusuke sang Daisuke và trong tên có chứa các ý nghĩa như "giúp đỡ", "to lớn". 

Bất chấp dự đoán của đội ngũ y tế, ông Daisuke vẫn tiếp tục sống và cũng không phải gánh chịu hậu tổn thương.

Khi Osaka trở thành mục tiêu đánh bom của quân đội Mỹ trong thời Thế chiến II, gia đình ông Daisuke đã chuyển đến sống ở thị trấn quê Ikoma. 

Bể bơi của gia đình ông Daisuke đã bị phá hủy và khi cả nhà dọn trở về Osaka vào năm 1946, bố của ông Daisuke phải đi kiếm sống bằng nghề bán kẹo trên đường. 

Thế nhưng, chỉ trong vài năm, ông đã có thể dành dụm được số tiền đủ để mở một nhà hàng bán bánh xèo okonomiyaki.

Trong khi đó, ông Daisuke thì không hề có ý định làm kinh doanh và thay vào đó, ông lại có nhiều hứng thú hơn với âm nhạc. 

Vài tuần sau khi vào cấp 3, ông đã xin ban nhạc của trường cho phép mình chơi trống dù chưa từng học qua thanh nhạc. 

Ông Daisuke thừa nhận rằng đến hiện tại, ông vẫn không biết đọc bản phổ nhạc và chỉ nhớ được các giai điệu vì nhờ vào việc chơi nhiều lần.

Trong suốt những năm cấp 3, một cô gái đã nhìn thấy ông Daisuke chơi trống và cho biết anh trai cô cũng dang tìm một người đánh trống cho ban nhạc của mình. 

Họ thường chơi ở các hội trường âm nhạc địa phương. Ông Daisuke nhanh chóng học thêm một vài điệu nhảy, chủ yếu là waltz và mambo để biểu diễn.

Vì trường cấm học sinh làm việc bán thời gian nên ông Daisuke chỉ có thể việc cho công ty chứng khoán vào ban đêm một cách âm thầm. 

Ông thường ngủ gật trong lớp nhưng chưa từng nghỉ một ngày nào cho đến khi tốt nghiệp. Ông Daisuke chỉ gắn bó với công việc ấy trong 8 tháng trước khi ông nói với bố mẹ rằng ông muốn rời khỏi nhà để đi biểu diễn trên đường phố với ban nhạc. 

Chính ông Daisuke cũng khá bất ngờ khi bố ông không hề phản đối và ngược lại còn chúc ông may mắn với sự lựa chọn của mình.

Thế là ông Daisuke bắt đầu hành trình 9 năm rong ruổi cùng ban nhạc nhưng việc họ vừa làm vừa chơi bời đã khiến ông dường như không có đồng nào trong người. 

Mặc dù trình độ đánh trống đã được cải thiện rất nhiều nhưng ông Daisuke vẫn nghĩ rằng ông sẽ khó có thể phát triển hơn nữa.

Vào năm 28 tuổi, ông Daisuke trở về nhà và biểu diễn tại các quán bar ở Kobe và xung quanh khu vực này. Âm nhạc sôi động mà ông mang đến khiến khán giả vô cùng hào hứng, có người còn đứng dậy nhún nhảy và hát theo.

Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười - Ảnh 2.

Hành trình sáng chế ra máy karaoke tình cờ và thuyết phục cả nước Nhật hưởng ứng

Nói với tạp chí Topic năm 2005, ông Daisuke cho biết một ngày nọ, chủ tịch của một công ty nhỏ đã đến nói với ông rằng người này chuẩn bị tham gia một bữa tiệc vào tuần tới và ở đó, ông phải làm trò giải trí với khách hàng. 

Người này sợ rằng ông sẽ bị bắt hát cho mọi người nghe.

Thế là vị doanh nhân này nhờ ông Daisuke giúp đánh đàn và thu âm nhạc nền của những bài hát ông yêu thích để luyện tập. Sau đó, người này đã có màn trình diễn hát hò ấn tượng tại bữa tiệc. 

Vị doanh nhân này không hề biết chính ông là người đã gieo vào đầu ông Daisuke ý tưởng đầy mới lạ và cũng khá đơn giản: Cho đồng xu vào một chiếc máy được kết nối với loa và bộ khuyếch đại rồi nó sẽ phát nhạc của những bài hát mà mọi người muốn hát. 

Một người bạn của ông Daisuke sở hữu một cửa hàng bán đồ điện tử đã giúp ông kết hợp các linh kiện này lại với nhau. 

2 tháng sau, chiếc máy karaoke đầu tiên Juke 8 có giá 425 USD (khoảng 9,8 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) đã ra đời.

Ban nhạc của ông Daisuke bắt đầu thu âm các bài nhạc để cho vài chiếc máy kia và số lượng ban đầu rơi vào khoảng 300 bài.

"Tôi hát bài hát trên karaoke đầu tiên vào năm 1969. Thời điểm đó, tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ chẳng ai thích nó ngoài bản thân tôi nhưng chiếc máy karaoke vẫn được đưa ra thị trường vào năm 1971.

Nếu tôi không ở Kobe lúc đó, có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Ở Tokyo và Osaka, mọi người thường nghe nhạc sống hoặc những chiếc máy phát nhạc tự động đến từ Mỹ. 

Nhưng ở Kobe, mọi người uống bia và hát hò cùng nhau theo những ca khúc mà ban nhạc chơi" - ông Daisuke nói.

Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười - Ảnh 3.
Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười - Ảnh 4.

Tự tin với sáng chế của mình, ông Daisuke đã thuyết phục chủ sở hữu của 10 quán bar đồng ý đặt Juke 8 tại quầy thu ngân.Thế nhưng, khi ông quay lại vào 1 tuần sau, những người này nói rằng họ hầu như chẳng dùng đến chiếc máy karaoke của ông. 

Không nản lòng, ông Daisuke đã chọn ra một nữ nhân viên cuốn hút nhất của mình để đến các quán bar và hát một vài ca khúc với chiếc máy Juke 8.

Kế hoạch của ông Daisuke thành công ngoài mong đợi, nhiều người đã rất nóng lòng để chạm được vào cái micro. "Từ ngày hôm sau, khách hàng thậm chí còn không chịu buông micro ra" - ông Daisuke nới với SCMP.

Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười - Ảnh 5.
Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười - Ảnh 6.

Cuối năm đó, hơn 200 cơ sơ bán đồ uống ở khắp Kobe đã trang bị chiếc máy karaoke thế hệ đầu tiên.

Mọi chuyện trở nên bùng nổ hơn khi 2 chủ sở hữu quán bar ở Kobe quyết định mở thêm chi nhánh ở Osaka. 

Chỉ trong vòng 1 năm, cả nước Nhật "phát cuồng" vì Juke 8. Công ty của ông Daisuke đã bán được 25 nghìn máy karaoke chỉ trong vòng 1 năm và tạo nên cơn sốt khắp xứ sở Mặt trời mọc.

Ông Daisuke đã thuyết phục các hãng đĩa lớn ở Nhật Bản tham gia vào "cuộc cách mạng" này. 

Thế rồi sau đó, rất nhiều người tham gia vì họ nhận ra họ sẽ kiếm được khoản tiền bản quyền khổng lồ mỗi khi bài hát được phát. Giờ đây, bất kỳ hãng đĩa nào cũng muốn bài hát của công ty mình có mặt trong máy karaoke.

Từ bỏ cuộc sống xa hoa vì căn bệnh tâm lý

Chỉ trong vài năm, công ty của ông Daisuke đã thu về khoản lợi nhuận 100 triệu USD. Ông kể rằng lúc đó, ông chẳng phải làm gì ngoài việc ngồi đó và nhìn số tiền trong tài khoản ngân hàng ngày càng nhiều hơn. 

Thế nhưng, thay vì tận hưởng cuộc sống xa hoa, ông Daisuke lại cảm thấy chán chường khi không được ra ngoài và gặp gỡ mọ người. 

Thế là ông giao lại quyền điều hành công ty cho em trai trước khi bỏ lại tất cả ở phía sau rồi rời đi.

Ông Daisuke rất biết ơn chú chó Donbei bởi vì nó đã giúp ông thoát ra khỏi vũng bùn tâm lý mà ông đã vẫy vùng trong đó nhiều năm. 

Ông hy vọng rằng sáng chế của mình sẽ mang đến nhiều niềm vui cho mọi người, nhất là những người đang vật lộn với căn bệnh tâm lý. 

Cầm chiếc micro lên và hát, bất kể hát hay hay dở thì cũng phần nào giúp mọi người thoát khỏi cuộc sống áp lực hàng ngày trong giây phút.

Ông Daisuke đã mua lại một sân golf cũ ở tỉnh Hyogo để xây dựng một viện dưỡng lão dành cho chó đầu tiên cùng trung tâm huấn luyện chó.

"Tôi muốn thành phố Nishinomiya hoặc tỉnh Hyogo sẽ trở thành nơi đầu tiên ở Nhật Bản vắng bóng những chú chó hoang. 

Đây là cách để tôi đền đáp cho Donbei sau khi con vật giúp tôi vượt qua căn bệnh trầm cảm" - ông Daisuke nói.

Năm 1999, tạp chí Time đã ghi tên ông Daisuke vào danh sách top 20 người châu Á của thế kỷ 20, cùng với người anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi. Ông Daisuke thừa nhận ông đã vỡ òa trong cảm xúc. 

5 năm sau, ông Daisuke được mời đến Đại học Harvard để nhận giải Ig Nobel, giải thưởng nhại lại giải Nobel cho 10 thành tựu mà "đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ" được tổ chức vào mùa thu hàng năm.

Trên sân khấu phát biểu, ông Daisuke đột nhiên bị ngây người khi ông định trích dẫn một bài hát. Thế là ông đã rút chiếc máy ghi âm từ trong túi ra để nghe đoạn đầu của một ca khúc và nhớ lại những gì muốn nói.

"Tôi muốn giúp mọi người được hát trên nền nhạc được tạo ra bởi những giai điệu hoàn hảo"

Sau đó, khán giả đã hát cùng nhau và ông Daisuke trở thành một trong những người nhận giải Ig Nobel được hoan nghênh nhất trong lịch sử trao giải của giải thưởng này.

Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười - Ảnh 7.
Cha đẻ của máy karaoke: Tuổi thơ suýt sống đời thực vật, giúp thế giới thỏa mãn đam mê ca hát và mất hơn 2 nghìn tỷ vẫn tươi cười - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại