Cha đẻ của chương trình không gian quân sự Mỹ

Văn Chương |

Ông Bernard Adolph Schriever (14/9/1910 – 20/6/2005) còn có tên thường gọi là Bennie Schriever. Ông tốt nghiệp Trường Texas A&M vào năm 1931 và được phong hàm thiếu úy trong quân đội Mỹ. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Schriever tham chiến ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương ở vị trí phi công oanh tạc cơ trong Nhóm tác chiến 19 cho đến khi quay về Mỹ vào năm 1943.

Trường đào tạo tình báo quân sự Mỹ ở Minnesota Hai máy bay quân sự Mỹ rơi sau khi đâm nhau trên bầu trời Syria Xe quân sự Mỹ "ép đầu" thiết giáp chở quân Nga

Sau chiến tranh, Schriever gia nhập Không lực quân sự Mỹ (USAAF) đặt trụ sở ở Lầu Năm Góc trong cương vị người đứng đầu của Nhánh liên lạc khoa học thuộc văn phòng của Phó tham mưu vật tư. Năm 1954, Schriever trở thành người đứng đầu Bộ phận phát triển phương Tây (WDD), đó là một cơ quan đặc biệt chuyên quản lý nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), và ông chỉ đạo cho việc phát triển các loại tên lửa như Atlas, Thor, Titan và Minuteman.

Thời niên thiếu và thuở đi lính

Bernard Adolph Schriever là con trai cả của ông Adolf Schriever vốn làm nghề hàng hải và mẹ là bà Elizabeth (nhũ danh Milch), em trai Gerhard. Người cha là sĩ quan kỹ thuật làm việc trên tàu SS George Washington, một chiếc tàu biển của Đức bị giam giữ ở cảng New York ngay khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ vào tháng 8- 1914. Vì Đức chưa phát động chiến tranh với Mỹ nên bà Elizabeth sang New York cùng với 2 người con trai trên boong chiếc tàu viễn dương Hà Lan tên là SS Noordam để đoàn tụ với chồng.

Cha đẻ của chương trình không gian quân sự Mỹ - Ảnh 1.

Schriever lúc còn là phi công trẻ vào thập niên 1930.

Người mẹ nói tiếng Anh rất tốt vì thuở con gái bà đã từng sống ở Hạ Manhattan, nhưng 2 người con trai thì chỉ biết tiếng Đức. Ba mẹ con họ đến Mỹ vào ngày 1-2-1917, tức chỉ 2 tháng trước khi Mỹ tuyên chiến với Đức. Khi làn sóng bài Đức dâng cao khắp đất Mỹ, cả nhà Schriever lại lục tục dọn tới New Braunfels (Texas), một cộng đồng nơi có số đông người nói tiếng Đức sinh sống. Người cha làm việc trong một hãng nấu bia.

Sau đó cả nhà lại chuyển tới San Antonio (Texas), nơi người cha làm việc trong một xưởng chuyên sản xuất động cơ xăng và ông qua đời vào ngày 17-9-1918 vì một tai nạn lao động, bỏ lại 2 người con trai trong sự chăm sóc của người bác ruột tên là Magnus Klattenhoff, vốn là một chủ trang trại ở Slaton (Texas).

Sau một năm ở nhà ông bác, hai anh em lại trở về New Braunfels và người mẹ gửi 2 con vào trại trẻ mồ côi và bản thân vào làm quản gia cho ông Edward Chandler, một chủ ngân hàng giàu có, có tòa dinh thự với hàng chục gia nhân, người mẹ kiếm tiền để chuộc các con khỏi trại trẻ mồ côi. Schriever nhập tịch Mỹ năm 1923. Năm 1931, Schriever tốt nghiệp bằng cử nhân khoa học về kỹ thuật cấu trúc tại Texas A&M.

Tại Texas A&M vào những năm tháng đó, tất cả thành viên đều là sinh viên nam và họ nằm trong Quân đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị (ROTC). Thực sự Texas A&M là một đơn vị pháo binh vì thế mà khi tốt nghiệp trường này, Schriever đã trở thành thiếu úy trong Chi đoàn pháo binh dã chiến. Năm 1932, Schriever ghi danh học lái máy bay tại sân bay dã chiến Randolph ở San Antonio. Năm 1933, ông được phong quân hàm Thượng úy.

Sau khi xảy ra vụ bê bối Air Mail, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã kêu gọi Không quân tham gia vận chuyển thư và Schriever đã đảm nhận công việc chuyển thư bằng máy bay suốt 8 tháng. Năm 1938, Schriever kết hôn với Dora Devol Brett, con gái của Thiếu tướng George H.Brett ở Khu kênh đào Panama. Họ có với nhau 3 con.

Tháng 7 năm 1942, Schriever được chỉ định làm phi công oanh tạc cơ cho Nhóm tác chiến 19 ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương. Ông đã thực hiện 10 nhiệm vụ chiến đấu với nhóm tác chiến này trước khi quay về Mỹ vào năm 1943. Tháng 8-1943, ông trở thành Tham mưu trưởng của Bộ tư lệnh lực lượng không quân thứ 5 (FAFSC). Tháng 12-1943, Schriever được thăng quân hàm đại tá. Vì sự cống hiến trong quân ngũ, Schriever đã được trao Huân chương dịch vụ xuất sắc.

Tháng 7-1949, Schriever theo học tại Đại học chiến tranh quốc gia (NWC). Năm 1950, Schriever tốt nghiệp và quay trở lại Lầu Năm Góc giữ chức Phó trợ lý đánh giá dưới quyền của Phó tham mưu trưởng phát triển. Ông đã thiết lập một hệ thống gọi là Các mục tiêu đang lên kế hoạch phát triển (DPOs) hứa hẹn các kỹ thuật mới sẽ bắt kịp với các sứ mạng lớn của Không lực Mỹ nhằm cải thiện những khả năng hiện có.

Đã nhiều lần Schriever đụng độ với Tướng Curtis LeMay của Bộ tư lệnh không quân chiến lược (SAC) xoay quanh một bất đồng liên quan đến dự án Động cơ đẩy hạt nhân máy bay. LeMay muốn có một oanh tạc cơ siêu thanh, nhưng các nhà khoa học và kỹ sư lại nói với ông Schriever chỉ có thể tạo ra một chiếc cận âm. Sau cùng dự án bị hủy bỏ dưới thời của Tổng thống J.F.Kennedy vào năm 1961. Schriever dự đoán rằng Liên Xô sẽ phát triển ra loại tên lửa đất đối không có thể bắn hạ oanh tạc cơ bay cao và các loại oanh tạc cơ tương lai có thể phải tấn công ở tầm thấp để tránh radar.

Liên quan đến oanh tạc cơ B-52, Tướng LeMay muốn một loại máy bay lớn hơn để có thể chở theo bom nặng hơn khi bay cao tầm xa đạt tốc độ siêu thanh, nhưng Schriever lại cho rằng dù nó có bay cao hơn thì vẫn khó tránh khỏi tên lửa đất đối không. Cuối cùng cả hai thỏa thuận phát triển Convair B-58 Hustler, một loại oanh tạc cơ hạng trung siêu thanh tầm cao. Schriever được thăng quân hàm Lữ đoàn trưởng vào ngày 23-6-1953.

“Cha đẻ” 4 dự án tên lửa

Tháng 3-1953, Schriever tham dự cuộc họp tại Ủy ban cố vấn khoa học (SAC) tại Căn cứ không quân Maxwell ở tiểu bang Alabama, khi đó Mỹ mới chỉ tiến hành vụ thử nghiệm bom hydro đầu tiên mang tên Ivy Mike vào ngày 1-11-1952.

Cha đẻ của chương trình không gian quân sự Mỹ - Ảnh 2.

Ông Bernard Schriever (phải) đang thị sát một đầu đạn tên lửa thử nghiệm vào tháng 5 năm 1959 với khả năng bay xa đến 8.000 km.

Thiết bị Ivy Mike nặng tới gần 82 tấn, nhưng tại cuộc họp đó có 2 thành viên John von Neumann và Edward Teller đưa ra dự đoán rằng quả bom hydro trong năm 1960 có thể chỉ nặng chừng gần 1 tấn nhưng cường độ sức nổ lên tới 10 megaton TNT. Schriever hiểu ra ý nghĩa chiến lược: một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể được chế tạo để chở theo bom hydro. Buổi ban đầu Không lực Hoa Kỳ (USAF) có một dự án ICBM mang tên là Dự án MX-1593 khởi động từ tháng Giêng năm 1951, đến tháng 8 cùng năm thì nó đổi tên mới là Dự án Atlas. Tên lửa Atlas dự kiến sẽ nặng 200.000kg và mang theo đầu đạn hạt nhân nặng 1.400kg trong phạm vi cách mục tiêu 460m.

Nếu trọng lượng đầu đạn của tên lửa Atlas có thể giảm xuống còn 680kg thì trọng lượng của phương tiện phóng giảm xuống chỉ còn một nửa. Theo sáng kiến của riêng mình, Schriever đã đến gặp gỡ John von Neumann tại Viện nghiên cứu tiến bộ vào ngày 8-5-1953. Von Neumann giải thích rằng các loại bom hydro với thân nhỏ và trọng lượng nhẹ sẽ được phát triển trong tương lai, và Schriever đã nghe theo. Schriever tìm thấy một đồng minh trong chính quyền Eisenhower tên là Trevor Gardner (trợ lý đặc biệt về nghiên cứu và phát triển của Bộ trưởng Không quân Mỹ).

Tháng 10-1953, Trevor Gardner thành lập một Ủy ban nhằm đánh giá các dự án tên lửa chiến lược của USAF. Trong báo cáo vào ngày 10-2-1954, ủy ban này khuyến nghị cần phải có một chương trình va chạm để tạo ra ICBM trong vòng 6-8 năm. Năm 1954, Trung tướng Thomas D. Power thúc giục đẩy nhanh Dự án Atlas “đến mức tối đa mà công nghệ có thể cho phép”.

Tháng 7-1954, Trung tướng Power thành lập một cơ quan đặc biệt mang tên Bộ phận phát triển phương Tây (WDD) nhằm quản lý nỗ lực phát triển ICBM. Buổi ban đầu dự án đặt tại Trường Thánh Joan Kim Khẩu ở Inglewood (California). Các sĩ quan bận đồ dân sự để che giấu bản chất thực sự của dự án mà họ đang làm việc.

Khi Thiếu tướng James McCormack mắc bệnh, Schriever đã đảm nhận vai trò chỉ huy WDD vào ngày 2-8-1954. Đánh giá dự án Atlas có bản chất kỹ thuật và khoa học cao cấp nên SAC cho rằng dự án này phải có quy mô như Dự án Manhattan, bắt buộc phải có ngành công nghiệp máy bay và đội ngũ nhân sự phải làm việc linh hoạt, hiệu quả. Schriever khi quay lại SAC đã đưa ra một đề xuất táo bạo: WDD sẽ trực tiếp quản lý dự án Atlas, trong đó Ramo-Woodridge sẽ chịu trách nhiệm tích hợp các hệ thống; vai trò của Convair sẽ chỉ tập trung cho việc sản xuất bồn nhiên liệu và thân tên lửa.

Ngày 13-9-1955, Tổng thống Dwight Eisenhower đã trao ưu tiên quốc gia cao nhất cho chương trình ICBM, còn Schriever được thăng quân hàm Thiếu tướng trong tháng 12 năm đó. Số lượng các nhà khoa học và kỹ sư làm việc cho dự án Atlas đã tăng từ 50 người (năm 1955) lên 800 người (năm 1956) và 2.000 người (năm 1957).

Ngân sách dành cho chương trình Atlas vào năm 1956 đã lên tới 326 triệu USD. Ngoài dự án Atlas, Bộ trưởng Không quân Mỹ, Harold E. Talbott, đã ủy quyền cho một dự án ICBM thứ 2 mang tên là Titan. Để tránh xung đột với dự án Atlas, tất cả các nhà thầu cho dự án Titan đều là người khác. Và còn có yêu cầu về loại tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) mang tên là Thor. Vào ngày 8-11-1955, Bộ trưởng Quốc phòng Charles Erwin Wilson đã hạ lệnh cho cả quân đội và USAF cùng phối hợp phát triển nên IRBM, với mức độ tương đương như ICBM nhưng không làm ảnh hưởng tới nó. Và Schriever đứng mũi chịu sào cho cả 3 dự án tên lửa.

Năm 1957, thêm dự án tên lửa thứ 4 mang tên Minuteman, một loại tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu rắn hứa hẹn sẽ làm cho 2 tên lửa chạy nhiên liệu lỏng là Atlas và Titan trở nên lỗi thời. Ngày 25-9- 1957, Thiếu tướng John Medaris, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất nồi hơi Mỹ (ABMA) thúc giục hủy tên lửa Thor với lý do nó không thể đạt tầm xa 3.200km.

Tên lửa Thor lần đầu tiên bay đến Anh vào ngày 29-8-1958. Việc triển khai Thor đến Anh được đặt mã danh Dự án Emily. Tháng 4-1959, Schriever được thăng quân hàm Trung tướng. Tướng LeMay cho rằng tên lửa chủ yếu có giá trị chính trị và chức năng chủ chốt của nó là dọn đường cho oanh tạc cơ. Phi đội tên lửa Atlas đầu tiên hoạt động chính thức vào ngày 2-9-1960 và nâng lên thành 132 tên lửa vào tháng 12-1962.

Tên lửa Titan được triển khai vào tháng 4 -1962, với 54 tên lửa Titan đi vào hoạt động, chúng được tổ chức thành 6 phi đội, mỗi phi đội có 9 tên lửa. Tới năm 1963, Không lực Mỹ đã sử dụng 27.000 quân nhân và 37.000 nhân viên dân sự, còn Schriever chịu trách nhiệm cho 40% ngân sách của Không quân. Schriever còn lên kế hoạch chế tạo loại không vận tải công suất cao mang tên là Lockheed C-5 Galaxy.

Schriever hy vọng sẽ kế nhiệm Tướng LeMay để trở thành Tham mưu trưởng, nhưng khi LeMay nghỉ hưu vào năm 1965 thì cuộc chiến tranh Việt Nam đã leo thang, và Tướng John P. McConnell đã thay thế cái ghế của LeMay. Schriever nghỉ hưu vào ngày 31- 9-1966, tức chỉ 2 tuần trước sinh nhật lần thứ 56 của mình. Vì những cống hiến của mình, Schriever đã được trao Huân chương dịch vụ xuất sắc Không lực Mỹ. Năm 1966, Schriever nhận được giải thưởng tưởng niệm Tướng William E. Mitchell vì “sự cống hiến xuất sắc cho khoa học hàng không vũ trụ và vị thế quân sự Hoa Kỳ”.

Trong thời gian nghỉ hưu, Schriever trở thành cố vấn cho nhiều khách hàng chính phủ và các nghiệp đoàn. Ông còn là thành viên Ban tình báo Tổng thống dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Năm 1982, Schriever được trao Huân chương Delmer S. Fahrney, và đến tháng 6-1998, Căn cứ không quân Schriever được mang tên ông. Năm 1997, Schriever được điền tên vào Đại sảnh danh vọng không gian quốc tế.

Năm 2004, Quỹ không gian đã trao cho Tướng Schriever danh hiệu cao quý nhất: Giải thưởng thành tựu không gian trọn đời Tướng James E. Hill, vốn là giải trao hàng năm cho những cá nhân xuất sắc nhất với những cống hiến trọn đời cho phúc lợi hoặc cải thiện nhân loại thông qua việc khám phá, phát triển và sử dụng không gian, hoặc công nghệ không gian. Tháng 5-2005, Tướng Lance W. Lord (chỉ huy của Bộ Tư lệnh không gian) đã trao cho Schriever huy hiệu hoạt động không gian đầu tiên. Ông Schriever qua đời do biến chứng viêm phổi tại Washington D.C vào ngày 20-6-2005, thọ 94 tuổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại