Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Theo ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần đây, trên báo chí và mạng xã hội có đưa tin và bàn luận về “Tác phẩm Chữ VN song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm.
"Hiện nay Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt"- Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.
Trước đó, Bộ chữ Việt Nam song song 4.0 kết hợp từ 2 công trình Chữ Việt nhanh và Ký hiệu dấu của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa chính thức nhận được giấy chứng nhận bản quyền từ cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Giấy chứng nhận bản quyền tác giả của công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0".
"Chữ Việt Nam song song 4.0" sử dụng 26 chữ cái La-tinh , trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ.
Hiện tại, "Chữ Việt Nam song song 4.0" tạm được gọi là "Chữ VN song song 4.0". Anh Kiều Trường Lâm cho biết, "Việt Nam" được viết tắt thành "VN" vì còn cần xin ý kiến Quốc hội về tên.
"Chữ VN song song 4.0" chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ. CVNSS 4.0 có 3 thành phần cấu tạo bao gồm: Các chữ và vần Chữ Quốc Ngữ (CQN); các chữ và vần Chữ Việt Nhanh (CVN) và Ký hiệu dấu (KHD).
Khi bộ chữ ra đời, nhiều ý kiến tỏ ra phản đối gay gắt, không công nhận chữ cải tiến và cho rằng nó quá phức tạp, rắc rối. Có độc giả thẳng thắn khuyên tác giả bỏ ngay ý đồ "cải tiến"hay "ứng dụng phổ cập", kể cả là ứng dụng trên máy tính.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, tác giả cho hay, những ngày qua bị dân mạng ném đá, giễu cợt, trêu chọc rất nhiều; có người còn gọi điện video liên tục trên messenger, gửi tin nhắn xúc phạm.
Cũng theo tác giả Kiều Trường Lâm, tất nhiên việc mình nhận được bản quyền tác giả là một niềm vui và hạnh phúc sau rất nhiều năm nghiên cứu thì cuối cùng nhận được kết quả ban đầu. Có rất nhiều độc giả, bạn bè,... đã nhắn tin chúc mừng về bản quyền.
Bộ GD&ĐT có thể cũng đã hiểu sai
Tác giả Trường Lâm chia sẻ, "Chữ VN song song 4.0" là một ứng dụng giống như bao nhiêu ứng dụng khác mà các bạn đang sử dụng trên điện thoại không phải là chữ cải tiến để thay thế Chữ Quốc Ngữ.
"Trong tất cả các bài báo đã đăng lên các trang web, tất cả tôi đều đề cập về ứng dụng. Một ứng dụng mới ra đời, các bạn có thể sử dụng hoặc không sử dụng đó chính là sự lựa chọn của các bạn.
Tại sao tất cả các bạn a dua lăng mạ, xúc phạm tôi khi công trình của tôi chỉ là một ứng dụng chứ không phải là công trình cải tiến để thay thế chữ quốc ngữ"- tác giả đưa quan điểm.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, tác giả cho rằng, sáng tạo một ứng dụng là quyền của mỗi người. Việc nó có ứng dụng trong cuộc sống hay không là một câu chuyện khác.
Anh và đồng tác giả Trần Tư Bình mong muốn sẽ thí điểm cho một nhóm nhỏ học sinh học và sử dụng bộ chữ mới này, rồi lấy ý kiến đánh giá của học sinh tham gia thử nghiệm.
Theo anh Lâm, nếu đạt tỉ lệ ủng hộ trên 90% thì anh sẽ nghĩ tới việc xin ý kiến của Bộ Giáo dục - đào tạo cấp phép cho thử nghiệm phổ biến rộng rãi cho học sinh.
Trước quan điểm của Bộ GD&ĐT ngày 8/4 có nêu: "Hiện nay Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt".
Về vấn đề này, tác giả cho hay: 'Bộ Giáo dục có thể cũng đã hiểu sai'.
"Chữ Việt Nam song song 4.0" là chữ viết không dấu chỉ sử dụng 26 chữ cái La tinh và trong đó dùng 18 chữ cái La tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ.
Nó cho phép người sử dụng đọc được lưu loát trọn vẹn vì trong "Chữ Việt Nam song song 4.0" có sự biến đổi linh hoạt giữa các vần Chữ Việt nhanh của thầy Trần Tư Bình; sự luân chuyển giữa các ký hiệu dấu, tạo ra chữ viết có độ chính xác cao giúp người sử dụng nhận biết được mặt chữ và đọc được.
Cụ thể, bỏ bớt dấu sắc ở mọi từ có chữ cái cuối là: C, P, T, CH, chữ I thay cho Y, Y thay cho UY. Ở phụ âm đầu, chữ F thay PH, Q thay QU, C thay K, K thay KH, Z thay D, D thay Đ, J thay GI, G thay GH, W thay NG, NGH.
Ở phụ âm cuối, chữ thì G thay NG, H thay NH, K thay CH. Nguyên âm ghép được rút gọn thành một nguyên âm như UYE còn là Y, UÔ còn U, ƯƠ còn Ư, OE còn E, OA còn O... Và cùng lúc thay chữ cái cuối bằng chữ cái khác như T bằng D, P bằng F, C bằng S, N bằng L...
Như vậy, ráp 10 nguyên âm rút gọn vào 8 chữ cái cuối khác, ghi gọn được 52 vần trên mỗi vần chỉ còn 2 chữ cái, như UYÊT, UYÊN = YD, YL. Ví dụ thuyết chuyện = thyd chỵl. Tuy cách viết khác với vần quốc ngữ nhưng cách đọc vẫn như nhau.