Tham luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay, Tổng giám đốc Vietravel (UPCoM: VTR ) ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Trước khi bỏ giãn cách xã hội thì ngành du lịch gần như đóng cửa.
Sau khi giãn cách ly xã hội, Việt Nam có những cơ hội và rủi ro. Cơ hội chính là điểm sáng trong công tác phòng chống Covid-19. Rủi ro là ngoài cố gắng của doanh nghiệp thì cần sự chung tay của xã hội, cũng như cần thời gian chuyển đổi trạng thái vì có độ trễ thị trường hành khách.
CEO Vietravel muốn gỡ khó về công nợ giữa các hãng hàng không và hãng lữ hành.
Lãnh đạo hãng lữ hành này cũng đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo tính toán thời gian học để học sinh có thể nghỉ hè 4-5 tuần trong khoảng giữa tháng 8-9 để thúc đẩy du lịch phát triển. Du lịch kỳ nghỉ hè có thể giúp công ty vượt qua con khó trong quý III.“Công nợ giữa các doanh nghiệp trong hệ thống dịch vụ với nhau, nhất là công nợ giữa hàng không với các hãng lữ hành hiện nay là rất lớn. Các hãng hàng không cũng rất khó khăn, không có tiền trả lại đặt cọc cho các công ty lữ hành nên tôi đề nghị ngân hàng vào cuộc làm trung gian để kết nối, kết chuyển các khoản nợ này giúp các công ty lữ hành nhận lại được nguồn tiền đã chuyển trước để mang về phục vụ cho hoạt động hiện tại”, đề xuất của ông Kỳ.
CEO Vietravel còn đề nghị triển ngay chiến dịch “Việt Nam điểm đến an toàn” để quảng bá du lịch. Với những thị trường đã dần hồi phục như Đông Bắc Á, Đông Nam Á nếu triển khai sớm thì sẽ có khách vào quý IV. Còn trước mắt, tập trung phát động thị trường trong nước để có khách hàng và giữ được nhân sự trong ngành du lịch.
“Với thị trường trong nước, chúng tôi đề xuất tạo ra các tam giác để tạo động lực phát triển du lịch với sự kết nối với các cơ quan ở địa phương. Ví dụ như ở miền Bắc gồm Hà Nội, Nình Bình và Quảng Ninh; ở miền Trung gồm Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam và Nha Trang - Đắk Lắk - Phú Yên; miền Nam có TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu với Đông Nam Bộ hoặc Đồng bằng Sông Cửu Long”, ông Kỳ phát biểu.
Với các địa phương này, CEO Vietravel đề nghị các cơ quan Nhà nước nghiên cứu áp dụng ngay giảm 50% chi phí tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh nhà nước đang quản lý. Việc này có thể tạo ra một “cú hích” để đưa khách đến các khu vực này.
Một đề xuất khác là nghiên cứu có chọn lọc mở lại toàn bộ các đường bay trong nước bằng cách bỏ các hạn ngạch để các hãng hàng không có thể triển khai hoạt động, cùng với việc mở cửa có chọn lọc các thị trường quốc tế đang hồi phục tốt. Du lịch chỉ phát triển khi ngành hàng không trở lại bởi 85% du lịch trên thế giới là bằng đường hàng không.
Về cơ chế chính sách, ông Kỳ đề nghị giúp ngành du lịch tiếp cận ngay các gói tài trợ của Chính phủ, trong đó như gói bảo hiểm xã hội có thể đưa ngay về các đầu mối doanh nghiệp để triển khai, tránh đưa về các địa phương sẽ mất nhiều thời gian.
CEO Vietravel cũng đề nghị Chính phủ xem xét với ngành du lịch có thể áp dụng cơ chế giai đoạn 2002-2003 như giảm thuế VAT về 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% trong vòng 1 năm giúp cho ngành có thể phục hồi.
Theo báo cáo quý I, Vietravel ghi nhận doanh thu lữ hành giảm phân nửa còn 608 tỷ đồng bởi việc hạn chế các hoạt động du lịch. Dù đã cắt giảm mạnh các chi phí (như giảm 50% chi phí nhân viên), công ty vẫn báo lỗ hơn 41 tỷ đồng, "thổi bay" lợi nhuận của cả năm 2019.