Bộ trưởng Bộ KHĐT cảnh báo nguy cơ DN tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ

N.M |

Về cơ hội, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Sáng 09/05, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu: "Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã được đẩy lùi và kiểm soát thành công, nhưng trên thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam".

Những thách thức với Việt Nam

Theo Bộ trưởng, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Trong đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN.  

Đáng lưu ý, hiện tượng mua bán, sáp nhập DN trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các DN tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ.

Bên cạnh đó, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các DN FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.

Và cơ hội của chúng ta

Từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược", là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. 

Theo Bộ trưởng, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Đây thực sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.

Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của DN Việt Nam.   

Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.

"Cần phải làm gì? Hành động gì?"

Bộ KH&ĐT đề xuất gợi mở một số định hướng:

Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; tập trung phát triển sản xuất các loại vật liệu cơ bản, vật liệu mới để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.

Đồng thời, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi liên kết thuần Việt, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa: Tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…: xem xét hỗ trợ cho các DN tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân; có chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp DN giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, cần thúc đẩy đầu tư công; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội cũng là một đòn bẩy để kích cầu nội địa.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất, là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch; xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch để kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khai thác lợi thế về quy tắc xuất xứ.

Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Nghiên cứu có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, sử dụng nhiều lao động như: du lịch, dệt may, da giầy, hàng không… và các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để giúp DN ổn định lực lượng lao động sẵn sàng cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; e-logistics, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các DN công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.

Thứ sáu, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển. Các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn của DN thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý; xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hành động; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại