Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tìm ra các biện pháp vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trải qua bước ngoặt do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo ông, hiếm có sự kiện y tế nào gây ảnh hưởng toàn cầu, vượt xa khủng hoảng do dịch SARS, hay H1N1, có thể sánh ngang với Đại dịch hạch, dịch Cúm Tây Ban Nha... trong quá khứ.
"Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ một cộng đồng mà ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên hành tinh này", ông nhấn mạnh.
Khủng hoảng y tế đã kéo thành khủng hoảng kinh tế, lan rộng trên nhiều mặt mà không một nền kinh tế nào, với quy mô nào có thể tránh khỏi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh: Như bao biến cố khác, loài người sẽ vượt qua. Ông nhắc đến thuyết tiến hoá khi nói rằng không phải loài mạnh, thông minh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, là loài thích nghi tốt nhất. Những doanh nghiệp, ở quy mô nào, dù là nhỏ nhất tham dự ngày hôm nay, là những doanh nghiệp thích nghi tốt nhất. Dù vậy, ông cũng lấy làm tiếc khi có một bộ phận doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường.
Nói về kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, Thủ tướng cho biết mức 3,82% đạt được trong quý I dù thấp nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng vẫn khả quan nếu so với tình trạng suy thoái chung của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Các dự báo của World Bank, IMF cũng có những đánh giá khả quan cho nền kinh tế 96 triệu dân.
"Việt Nam theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, một mặt phòng chống dịch, mặt khác duy trì kinh tế để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt", ông nói.
Thành công của Việt Nam trên 2 mặt trận kinh tế, y tế đến thời điểm này theo Thủ tướng là nhờ tính đoàn kết, tuân thủ của người dân. "Nếu mỗi người chấp nhận hi sinh một phần lợi ích thì tất cả có thể được lợi", ông nói. Ông cũng nhấn mạnh tuy Việt Nam không được chủ quan nhưng cũng đừng lo lắng vì đã kiểm soát tốt, cơ bản đẩy lùi dịch.
Ông cũng khẳng định Việt Nam có tích luỹ nguồn lực trong những năm gần đây. Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường thế giới, năng lực nội sinh của kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2020 tăng trưởng Việt Nam phải đạt trên 5%, lạm phát kiểm soát dưới 4%, chứ không như dự báo của IMF với GDP chỉ hơn 2%.
5 mũi giáp công được ông đưa ra gồm: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là tư nhân, tiếp đó là FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; tăng giải ngân đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa.
"Việt Nam cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải U, càng không phải W", Thủ tướng nhấn mạnh.
6 đề nghị cho doanh nghiệp
Thủ tướng trong bài phát biểu cũng đề cập đến 6 đề nghị cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ nhất là phải yêu tổ quốc. Nếu không nghĩ đến tổ quốc thì không thành doanh nghiệp lớn được. Tình yêu này thể hiện ở tinh thần thượng tôn pháp luật, sự chia sẻ với cộng đồng...
Thứ hai là đoàn kết vì mất đoàn kết thì tự mình làm yếu mình. Thứ ba là không nản chí. Môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều thách thức, doanh nghệp đừng mong chuyện dễ vì dễ sẽ không đến lượt mình.
Thứ tư là năng động quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự là đánh mất cơ hội. Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là sẽ tụt lại phía sau. Thứ sáu là cần có niềm tin, vì nếu không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.
Thủ tướng cho biết Văn kiện Đại hội Đảng 13 đang được trình đặt ra tầm nhìn rằng Việt Nam đã trở thành quốc gia thịnh vượng năm 2045 sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới. Dịch bệnh không làm Việt Nam thay đổi mục tiêu, tầm nhìn, Thủ tướng nhấn mạnh. Theo đó, ông đặt câu hỏi: Tầm nhìn doanh nghiệp 2045 như thế nào, doanh nghiệp Việt Nam ở đâu vào 2045.
"Hiện Việt Nam đã có những tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế như Viettel, TH, FPT, Vingroup... Kinh tế nhà nước trong thời gian dịch cũng phát huy vai trò tốt như giảm giá điện, nước, viễn thông... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới", ông nói.
Tuy nhiên, ông nói rằng Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Liệu đến năm 2045, 100 năm lập quốc, Việt Nam có thể có những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới không? Thiết nghĩ 25 năm là đủ để xuất hiện những đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam, Made in Vietnam – ông nói và dẫn ra những cái tên mà nhiều năm trước không ai biết đến nay đã thành khổng lồ như Facebook, Alibaba, Google...
"Mong các doanh nghiệp Việt Nam nghĩ đến khả năng đó. Không điều gì là không thể. Hãy nghĩ lớn, làm lớn, đừng sợ thất bại, vì thất bại là mẹ thành công. Hãy ước mơ và hành động để biến ước mơ thành hiện thực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.