CEO Uber cho rằng nếu còn trẻ và muốn tập kinh doanh thì nên bỏ việc trong ngành ngân hàng càng sớm càng tốt

Thế Anh |

Khi được hỏi rằng nếu có thể cho chính mình thời trẻ một lời khuyên, Dara Khosrowshahi, CEO của Uber sẽ nói gì? Ông trả lời rằng sẽ khuyên chính mình bỏ ngay công việc lương cao tại ngân hàng càng sớm càng tốt. Rất nhiều nhân vật thành đạt khác cũng cho rằng môi trường làm việc trong ngành ngân hàng ngày nay không còn tốt cho những ai muốn học tập và tích lũy kinh nghiệm kinh doanh nữa.

Khi vị CEO mới của Uber - Dara Khosrowshahi ghé thăm Ấn Độ vào đầu năm nay, chủ tịch của Uber Ấn Độ đã hỏi vị CEO này một câu hỏi riêng rằng nếu được quay ngược lại thời gian và trò chuyện với chính mình ở năm 22 tuổi (khi vừa học đại học xong), ông sẽ cho mình lời khuyên như thế nào? Khosrowshahi đã trả lời rằng "Bỏ ngay công việc tại ngân hàng đầu tư càng sớm càng tốt cho tôi."

Câu nói này của CEO Uber - Khosrowshahi thực sự đi ngược lại định hướng của khá nhiều người trẻ ngày nay khi mà sở hữu một công việc có thu nhập cao trong ngành ngân hàng là mơ ước của rất nhiều người.

Về mặt xã hội, một công việc trong ngành ngân hàng được đánh giá là có địa vị cao trong xã hội, có cơ hội giúp cho người trẻ tích lũy kinh nghiệm, tạo được các mối quan hệ tốt để phát triển công việc kinh doanh sau này. Thế nhưng, Khosrowshahi đã quyết định rời bỏ công việc tại ngân hàng và theo đuổi ước mơ kinh doanh trong một lĩnh vực hoàn toàn khác.

Khosrowshahi 48 tuổi là người vừa được lựa chọn cho vị trí CEO của Uber với hi vọng sẽ lèo lái công ty công nghệ chuyên về chia sẻ phương tiện đi lại này trở lại quỹ đạo sau một năm 2017 đầy sóng gió. CEO Khosrowshahi mới của Uber xuất thân trong ngành tài chính, từng tốt nghiệp tại trường Đại học Brown năm 1991. Sau đó, ông đã làm việc tại ngân hàng đầu tư Allen & Co.

Công việc của Khosrowshahi thời đó được đánh giá khá cao trong mắt xã hội, và trong năm đầu tiên, ông đã được nhận một khoản thưởng lên tới 25.000 USD kèm một chuyến du lịch đến Châu Phi. Thời gian sau đó, Khosrowshahi gặp được người hướng dẫn của mình, Barry Diller, người đã giúp ông được thăng chức lên trưởng nhóm cũng như truyền đạt kinh nghiệm quản lý cho Khosrowshahi.

Khosrowshahi đã ở lại, làm việc cho Allen & Co trong vòng 7 năm trước khi chuyển sang USA Networks/IAC vào năm 1998. Đến năm 2005, ông đã trở thành CEO của Expedia.

Sau khi trở thành CEO của Expedia, 10 năm sau đó, công ty này đã thưởng cho Khosrowshahi quyền mua cổ phiếu của công ty trị giá lên tới 90 triệu USD nhằm kéo con người tài năng này gắn bó lâu dài với Expedia đến tận năm 2020. Trong năm 2016, Khosrowshahi là CEO được trả lương cao nhất trên toàn nước Mỹ.

Dưới thời của vị CEO này, giá trị của hệ thống khách sạn mà Expedia sở hữu cùng các dịch vụ book chỗ khi du lịch đã tăng lên gấp 4 lần, lợi nhuận trước thuế của công ty cũng được tăng lên gấp đôi. Việc Expedia mở rộng hoạt động ra hơn 60 quốc gia, mua lại rất nhiều tên tuổi lớn như Travelocity , Orbitz , và HomeAway cũng được đánh giá là có phần lớn công lao của Khosrowshahi.

Đến tháng 08 năm 2017 vừa qua, Khosrowshahi đã trở thành CEO của Uber sau khi bán hết cổ phiếu của Expedia và thu về 184 triệu USD. Theo một báo cáo riêng thì Uber cũng đã trả tới 200 triệu USD để mời vị CEO này về làm việc.

Khosrowshahi không phải là tấm gương điển hình của những tỷ phú từng rời bỏ công việc ngân hàng lương cao tại phố Wall để theo đuổi và thành công trong lĩnh vực khác. Tác giả sách bán chạy nhất Michael Lewis cũng từng bỏ công việc tại Salomon Brothers để theo đuổi sự nghiệp viết lách của mình.

Hay đơn cử như sáng lập của Amazon, tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos cũng từng rời bỏ công việc có thu nhập cao của mình tại phố Wall để mở một "cửa hàng sách online", thứ đã phát triển thành Amazon sau này.

Khi được hỏi về các trường hợp rời bỏ công việc lương cao tại phố Wall để theo đuổi sự nghiệp riêng, Ken Langon, đồng sáng lập của Home Depot, người từng kiếm hàng tỷ USD kể từ sau khi khởi sự doanh nghiệp của mình vào năm 1974 đã cho biết rằng ngày nay, công việc lương cao trong ngành tài chính, ngân hàng tại phố Wall không còn thu hút được những người trẻ có nhiều khát vọng, hoài bão nữa.

Lý do là bởi sự tự động hóa, quy chuẩn tài chính ngày càng gia tăng khiến cho các nhân viên trong ngành này khó có thể được va chạm, tiếp xúc thực tế cũng như học hỏi về kinh doanh nhiều như trước. Trả lời phỏng vấn của CNBC, Ken Langon nói: "Cái thời mà phố Wall là nơi dành cho những người muốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để kinh doanh giờ đã qua rồi. Mọi thứ ngày càng được điện tử hóa, càng ít sự tham gia của con người hơn."

Theo ý kiến của doanh nhân này, nếu muốn thành đạt thì người trẻ ngày nay thay vì tìm một vị trí lương cao trong ngành ngân hàng, hãy sắn tay và chấp nhận những công việc vất vả hơn:

"Hãy ra ngoài, làm việc cho các công ty thực sự để học về cách kinh doanh. Học lấy cách để dẫn dắt khách hàng, học các bài học về chi phí, về hàng tồn kho... những bài học cơ bản nhất về kinh doanh."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại