Khách tham quan khi đến trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến đều bị thu hút bởi một bức ảnh xuất hiện ở khắp nơi, được treo trên tường của quầy lễ tân, ở các quán cafe và trên các tấm bìa cứng được CEO, chủ tịch Nhậm Chính Phi phân phát. Đây là một bức ảnh màu đen trắng, trong đó là một chiếc máy bay của Liên Xô trong Thế chiến II đã bị hư hại nặng nề do bị kẻ thù bắn hạ, trên cánh và thân thậm chí còn có những lổ hổng do bị tấn công.
Ông Nhậm Chính Phi nói: "Tôi cảm thấy hình ảnh đó khá giống chúng tôi. Chúng tôi đang hứng chịu những viên đạn từ Mỹ." Nhưng vị cựu quân nhân của quân đội Trung Quốc không có ý so sánh việc trở thành nạn nhân. Mối liên hệ của ông đối với bức hình xuất phát từ một lý do khác. Dù bị bắn, nhưng chiếc máy bay vẫn không bị phá huỷ và sau đó lại tiếp tục cất cánh để trở về nhà.
Doanh nhân 74 tuổi lập luận rằng Huawei giống như chiếc máy bay ấy, họ cũng sẽ nỗ lực để "trở về nhà", bất chấp những đòn tấn công mạnh mẽ từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trụ sở Huawei ở Thâm Quyến nhìn từ trên cao.
Cuối tuần trước, ông Trump đã tuyên bố động thái ngừng bắn một phần đối với lệnh trừng phạt, tại cuộc họp ở Osaka. Ông cho hay, các công ty công nghệ Mỹ - hồi tháng 5 bị cấm cung cấp sản phẩm cho Huawei, tiếp tục được kinh doanh với Huawei "nếu không có gì nghiêm trọng về vấn đề khẩn cấp quốc gia." Điều này có nghĩa là những công ty trên có thể cung cấp một số sản phẩm chip, phần mềm và các thành phần quan trọng nhất cho Huawei.
Dẫu vậy, cuộc đối đầu căng thẳng giữa Huawei và Washington có thể sẽ làm giảm sự phụ thuộc của công ty này vào những nhà cung ứng của Mỹ, điều mà các nhà phân tích cho biết đã trở thành xu hướng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Những bình luận của ông Trump hồi cuối tuần trước cũng không thể đảo ngược điều đó.
Sự lạc quan của CEO Nhậm Chính Phi
Ông Nhậm Chính Phi phát biểu tại một cuộc phỏng vấn từ trước khi hội nghị G20 diễn ra: "Mỹ đang giúp chúng tôi bằng cách mang đến những trắc trở này. Dưới áp lực từ bên ngoài, chúng tôi trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết. Nếu chúng tôi không được sử dụng các linh kiện từ Mỹ, chúng tôi rất tự tin vào việc sử dụng những sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc và các quốc gia khác."
Cuộc phỏng vấn 80 phút diễn ra trong một hội trường lớn được trang trí bằng những chiếc cột lớn và tượng của Aphrodite - nữ thần tình yêu của Hy Lạp. Tại đó, ông Nhậm đã nói về rất nhiều chủ đề. Ông nói về mối liên hệ của Huawei với quân đội Trung Quốc, những cáo buộc rằng công ty của ông sử dụng mạng lưới của mình để tham gia hoạt động gián điệp và họ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi giao dịch với Iran.
Khi nói về cuộc gọi của Tổng thống Trump, ông chắc rằng ông Trump "rất bận" và "tôi không hiểu tiếng Anh." Ông có thể tìm một thông dịch viên nhưng họ "không hiểu nhiều về chính trị, trong khi chuyên môn của tôi là về kỹ thuật." Một vấn đề khác đó là ông Trump "là một người quan trọng còn thực sự tôi chẳng là ai cả." Ông Nhậm nhấn mạnh rằng ở bất kỳ trường hợp nào, "tôi đang rất bận rộn trong việc lấp đầy những lỗ hổng trong quá trình kinh doanh của Huawei và cũng không có thời gian để nói chuyện."
Sự thận trọng ấy cho thấy rõ ràng rằng ông Trump đang nắm tương lai của Huawei trong tay. Điều này được thể hiện khi Tổng thống Mỹ phát tín hiệu nới lỏng lệnh trừng phạt với Huawei.
Phỏng vấn với Financial Times, ông Nhậm nói về quyết định của Tổng thống Trump lại Hội nghị G20: "Tuyên bố của Tổng thống Trump là điều rất tốt đối với các công ty Mỹ. Huawei cũng rất sẵn lòng tiếp tục mua các sản phẩm từ họ. Nhưng chúng tôi không thấy điều đó có ảnh hưởng gì nhiều tới những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi vẫn tập trung làm công việc của mình một cách đúng đắn."
Các nhà phân tích nhận định, cụm từ "làm công việc của mình một cách đúng đắn" - là một yếu tố chủ chốt. Họ cho rằng Huawei sẽ cắt giảm sự phụ thuộc của mình vào các sản phẩm của Mỹ càng sớm càng tốt.
Dan Wang, một nhà phân tích công nghệ tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận định: "Lệnh nới lỏng của Tổng thống Trump đối với Huawei là một quyết định cực kỳ quan trọng với họ. Tuy nhiên, Huawei sẽ nỗ lực giảm bớt việc sử dụng các linh kiện từ Mỹ và tiếp tục xây dựng sản phẩm của riêng mình. Họ không thể để sự sống còn của mình phụ thuộc vào những hành động liên quan đến chính trị của Mỹ."
Giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ là một chủ đề mà ông Nhậm Chính Phi nhiều lần nhắc đến trong cuộc phỏng vấn. Ông nói về vấn đề gặp phải khi Huawei chịu lệnh trừng phạt, đó là ông có thể mất công ty chỉ vài tháng sau khi những lô hàng dự trữ đã cạn kiệt. Ông chia sẻ: "Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn cung thay thế. Chúng tôi đang phát triển những thành phần của mình và sở hữu trình độ chuyên môn để làm điều đó - điều giúp chúng tôi sống sót."
Ông viết ra một danh sách gồm những lĩnh vực trở nên yếu thế nhất do sự gián đoạn từ chuỗi cung ứng Mỹ, sau đó nói chi tiết về việc ông nghĩ Huawei có thể thay thế hoặc tự phát triển các thành phần, dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ để rút ngắn khoảng cách. Ông nói: "Chúng tôi không có quá nhiều vấn đề về chip, bởi chúng tôi có thể tạo ra hầu hết những gì chúng tôi cần."
Chiến đấu từng ngày để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ
Dẫu vậy, các nhà phân tích độc lập lại có cái ít nhìn lạc quan hơn. Theo Credit Suisse, "gót chân Achilles" của Huawei chính là chip, bao gồm các loại tần số vô tuyến được sử dụng để phát tín hiệu di động cho điện thoại và mảng cổng lập trình được dạng trường (FPGA) - rất quan trọng đối với các thiết bị viễn thông như trạm gốc 5G. Cả 2 lĩnh vực này đều phụ thuộc nhiều vào Mỹ và chưa nơi nào có được ở quy mô tương tự.
Phần mềm là một điểm yếu quan trọng khác. 2/3 các công cụ phần mềm bảo mật mạng được sử dụng trong sản phẩm của Huawei đều đến từ Mỹ. Tuy nhiên, ông Nhậm dường như khá tự tin rằng lựa chọn thay thế có thể dễ dàng tìm được. Ông nói: "Ngay cả khi Mỹ tiếp tục cắt nguồn cung ứng của những sản phẩm này, chúng tôi vẫn có thể lấp đầy những "lỗ hổng" và bắt kịp họ."
Chưa dừng ở đó, smartphone của Huawei còn phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google. Nhằm thay thế, Huawei đã phải xây dựng một hệ điều hành riêng được gọi là Hongmeng.
Cho đến nay, Huawei đã có được 50 hợp đồng phát triển mạng lưới 5G ở bên ngoài Trung Quốc và vận chuyển 150.000 trạm gốc 5G. Khi được hỏi rằng ông hy vọng có bao nhiêu quốc gia sẽ vận hành thiết bị 5G, ông Nhậm cho hay: "Khoảng 135 đến 136 quốc gia. Mỹ và Úc sẽ không lựa chọn chúng tôi. Hầu hết là những khách hàng đến từ châu Âu."
Dẫu vậy, Huawei cũng gặp khó khăn ở một số quốc gia. Ví dụ như ở Anh, việc có được sự chấp thuận là một cuộc đấu tranh không dễ dàng. Những nghi ngờ về việc Huawei có thể đã cài đặt những "cửa hậu" trong hệ thống của họ, nhằm nghe lén các thông tin nhạy cảm, đã khiến công ty bị đưa vào danh sách xem xét của giới chức.
Ở châu Âu, con đường đến với sự chấp thuận cũng quanh co không kém. Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung đã buộc Huawei phải cải tổ hệ thống. Ông Nhậm nói: "Việc này sẽ yêu cầu chúng tôi phải tái phát triển hệ thống. Sẽ mất khoảng 5 năm để tái thiết kế tất cả sản phẩm, có nghĩa là rất nhiều nỗ lực."
Trong khi đó, công ty vẫn tiếp tục đấu tranh với những nghi ngờ rằng họ có mối liên kết với chính phủ Trung Quốc. Ông Nhậm cho biết việc trước đây ông từng phục vụ trong quân ngũ không chứng minh được điều gì: "Đúng là tôi từng là một người lính, nhưng không có nghĩa Huawei có mối liên hệ với quân đội."
Dù đối mặt với áp lực từ tứ phía, ông Nhậm có thể đã đón nhận những nỗ lực từ các công ty bán dẫn lớn của Mỹ, được cho là họ đang kêu gọi Washington tiếp tục cho phép họ kinh doanh với Huawei. Tuy nhiên, phản hồi từ phía ông về việc này lại khá thờ ơ.
Ông nói: "Chúng tôi không hiểu họ đang làm gì. Chúng tôi phải chuyển từ việc đẩy mạnh tìm kiếm hướng phát triển sang đấu tranh để tồn tại. Chúng tôi đang cố gắng tập trung các nhà khoa học để tạo ra những công nghệ tương lai tiên tiến nhất, nhờ vậy mà chúng tôi có thể phản kháng."