CEO của Gojek: Tôi vẫn đi làm bằng xe ôm công nghệ

Châu Châu |

Phùng Tuấn Đức sinh năm 1987, vừa được bổ nhiệm vị trí CEO của Gojek Vietnam. Không chỉ gây chú ý khi giữ chức vụ quan trọng ở tuổi 33, cựu học sinh Chuyên Amsterdam còn khiến nhiều người trầm trồ khi từng nhận học bổng danh giá của Wesleyan University.

- Chào Phùng Tuấn Đức. Anh có thể chia sẻ một chút về hành trình từ một học sinh chuyên Amsterdam, đến một du học sinh nhận học bổng danh giá của Wesleyan University?

Năm lớp 12, khi nhiều bạn bè đi du học thì tôi bắt đầu lên kế hoạch cho mình. Tuy nhiên, vì tôi đặt mục tiêu quá cao trong khi bản thân chuẩn bị gấp gáp nên không xin được trường nào. Do vậy, tôi học ở Việt Nam một năm và đặt quyết tâm "phục thù" nên dành thời gian trau dồi tiếng Anh. 

Thời điểm đó, việc đào tạo đi du học không phổ biến như bây giờ nên chủ yếu là tôi tự học, lên diễn đàn để nói chuyện với các anh chị đi trước, lắng nghe kinh nghiệm. Sau một năm nỗ lực, tôi nhận được học bổng của Wesleyan University.

CEO của Gojek: Tôi vẫn đi làm bằng xe ôm công nghệ - Ảnh 1.

Phùng Tuấn Đức sinh năm 1987, vừa được bổ nhiệm vị trí CEO của Gojek Vietnam.

- Bản thân anh đã trải qua những khó khăn gì khi học tập và sinh sống tại nước ngoài?

Có một may mắn là trước đây, tôi học lớp chuyên Anh tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Việc theo dõi, làm quen với các sản phẩm mang tính văn hóa phương Tây khá phổ biến, do vậy về văn hóa tôi không sốc lắm.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đầu khi mới sang Mỹ, tôi vẫn gặp rào cản về tiếng Anh. Tức là tôi nói không ai hiểu và người ta nói tôi cũng chỉ hiểu được một nửa. 

Cách để tôi thích nghi chính là chấp nhận mình "mặt dày" (cười). Tôi cứ nói chuyện, cứ nghe mặc dù nhiều lúc không hiểu và bị người ta cười, nhưng cũng may trường cũng có học sinh quốc tế nên nói chuyện thoải mái.

Sau khoảng hai tháng, tôi quen với nhịp độ tiếng Anh của họ. Các giáo sư cũng nói chậm lại, dễ hiểu hơn để sinh viên quốc tế theo. Nhờ vậy mà tôi mới dần bắt kịp các bạn.

- Môi trường học tập ở nước ngoài mang lại cho anh điều gì mà các sinh viên Việt Nam không có?

Tôi nghĩ cá nhân mới là yếu tố mang tính chất quyết định. Có nhiều người học ở Việt Nam cực kỳ thành công trong khi nhiều người học tại nước ngoài trở về chưa chắc đã được như vậy. Cho nên việc học ở đâu không quan trọng bằng việc học như thế nào. Tất nhiên, khi du học sẽ có may mắn nhất định như được rèn luyện thêm tiếng Anh.

Thứ hai, đi du học giúp tôi tiếp xúc được nhiều văn hóa khác nhau. Tôi chấp nhận có những quan điểm, văn hóa khác mình. Đồng thời, ở Mỹ, tôi được sống trong môi trường mà các sản phẩm mới, công ty khởi nghiệp ra mắt mỗi ngày. 

Tôi nhìn thấy mô hình đó có thể phát triển ở thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Tôi tận dụng ý tưởng ở một quốc gia phát triển mang về Việt Nam xây dựng nên cũng thuận lợi hơn.

CEO của Gojek: Tôi vẫn đi làm bằng xe ôm công nghệ - Ảnh 2.

- Ngược lại, anh thấy mình thiệt thòi gì so với sinh viên trong nước sau khi du học trở về?

Một yếu tố khó khăn đối với tôi trong khoảng thời gian mới về nước là mối quan hệ. Các bạn khác trong quá trình học sẽ có thầy cô, bạn bè, khi ra ngoài còn có những người quen. Khi tôi về nước để xây dựng được đội ngũ ban đầu cũng gặp một số trở ngại, khó khăn hơn những bạn có sẵn những yếu tố đó ở Việt Nam.

- Thực tế, những bạn du học sinh thường chọn ở lại nước ngoài sinh sống và làm việc. Tại sao anh lại quyết định về nước khởi nghiệp dù rất nhiều thách thức và rủi ro?

Ở những quốc gia đã quá phát triển thì sẽ có nhiều đối thủ lớn, việc cạnh tranh và mang lại những sản phẩm có giá trị thực sự sẽ gặp khó khăn hơn. Thời điểm đó, thương mại điện tử ở Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai, sẽ có nhiều tiềm năng phát triển hơn, mang lại nhiều giá trị cho người dùng. Tất nhiên sẽ có rủi ro nhưng tiềm năng của nó rất lớn, đủ để mình đặt cược.

- Khoảng thời gian đầu về nước và thực hiện các dự án khởi nghiệp mang đến cho anh kinh nghiệm gì để điều hành Gojek ở thời điểm hiện tại?

Bài học lớn nhất tôi có được liên quan đến việc xây dựng đội ngũ. Quan điểm của người lãnh đạo là đội ngũ bên dưới phải giỏi hơn người ở trên về mặt chuyên môn. Gojek bây giờ cũng vậy - có những cá nhân giỏi về chuyên môn. Đó là bài học tôi áp dụng cho đến tận bây giờ.

Thứ hai, tôi học được sự nhanh nhạy, luôn nhìn vào thị trường xem có những mảng dịch vụ nào có thể triển khai được để mang lại giá trị cho khách hàng. Tôi nhớ thời điểm làm ở Adayroi, mảng thực phẩm chưa có ai làm được, vì đa phần các công ty khác chú trọng thời trang, đồ điện tử, nội thất…

Rất tiếc bây giờ Adayroi đóng cửa nhưng phải nói rằng, thời điểm đấy, dịch vụ về thực phẩm tăng trưởng đáng kể. Mọi người không cần đi chợ nữa, chỉ cần lên mạng bấm nút là có người mang thịt, mang rau đến nhà rất tiện. Đó là ngành tăng trưởng nhanh nhất trong Adayroi thời điểm đấy và tạo nên sự khác biệt trong nền tảng thương mại điện tử.

Vì vậy, trong thị trường còn rất nhiều nhu cầu của khách hàng, bản thân mình phải làm như thế nào để đưa ra được dịch vụ đáp ứng nhu cầu đó thì sẽ tăng trưởng và thành công.

CEO của Gojek: Tôi vẫn đi làm bằng xe ôm công nghệ - Ảnh 3.

- Đang giữ chức vụ CEO của Gojek, khi đi làm anh có ngồi 'xe ôm' không?

Có chứ, tôi sẵn sàng mặc áo đồng phục luôn. Trong phòng của tôi có hai áo màu đỏ, và bây giờ có thêm hai áo màu xanh. Trước đây và ngay cả hiện tại tôi vẫn đi làm hầu hết bằng xe ôm.

- Thời gian gần đây, ngoại hình của anh được cộng đồng mạng chú ý. Anh có nghĩ mình sẽ tận dụng điều đó để quảng bá cho Gojek trong thời gian tới không?

Đối với Gojek, điều quan trọng cuối cùng khiến khách hàng sử dụng dịch vụ là trải nghiệm của họ về dịch vụ đấy. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như thế này, rất nhiều công ty công nghệ lao đao và áp lực về tài chính, các công ty sẽ không chạy đua đốt tiền nữa.

Để có thị phần vững chắc, để có sự trung thành của người tiêu dùng, sản phẩm phải tạo ra giá trị. Còn việc màu áo, logo, người đại diện là gì… thì cũng sẽ là yếu tố góp phần nhưng không phải là điều quyết định.

Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao để ứng dụng nền tảng công nghệ, đưa ra chiến lược thích ứng với thị trường Việt Nam. Còn về việc tôi nhận được sự quan tâm, thông qua đó mọi người biết được Gojek và sử dụng các dịch vụ của chúng tôi thì cũng là điều đáng mừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại