CEO Asanzo: "Tôi mặc vest lên nhận, tôi trân trọng nhưng tôi không dùng danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao"

Khôi Nguyên |

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo khẳng định: “Danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao tôi chưa bao giờ bỏ tiền ra mua. Tôi rất trân trọng danh hiệu này, 3 năm liền từ 2016 -2018, năm nào tôi cũng mặc vest lên nhận nhưng tôi không sử dụng để dán lên sản phẩm của Asanzo”.

Asanzo chỉ bị tạm thời tước quyền sử dụng danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao

Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo” mới đây, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (VNCLC) đã chia sẻ về sự thật Asanzo có bị tước danh hiệu hàng VNCLC hay không?

Theo bà Kim Hạnh, hàng VNCLC là danh hiệu do người tiêu dùng bình chọn và gửi đến cho Hội, Hội chỉ thay mặt người tiêu dùng công bố kết quả bình chọn. Danh hiệu được cấp chỉ có thời hạn 1 năm và Asanzo chỉ được bình chọn cho sản phẩm tivi.

Hội còn giữ phiếu bình chọn gửi đến cả phiếu cứng và bình chọn online cho sản phẩm tivi của Asanzo. Khi có loạt bài điều tra về Asanzo đăng trên báo Tuổi Trẻ, Hội đã ra thông báo “tạm thời tước quyền sử dụng danh hiệu” cho đến khi Hội đi kiểm tra và ra một thông báo khác.

“Hội không tước danh hiệu, do đó nếu báo chí đăng Asanzo bị “tước danh hiệu” là sai. Danh hiệu là do người dùng bình chọn, Hội không có quyền tước.Tôi cũng đã làm việc với báo Tuổi trẻ về vấn đề này.

Asanzo chỉ được bình chọn hàng VNCLC cho sản phẩm tivi, nên nếu bài báo gom hết cả các sản phẩm gia dụng khác như nồi cơm điện vào là sai ”, bà Kim Hạnh nói.

Bà Kim Hạnh cũng khẳng định: “Chúng tôi cấp danh hiệu cho Asanzo là hoàn toàn đúng quy trình, đúng thủ tục, không hiểu sao trên mạng xã hội lại tràn ngập thông tin về việc mua bán danh hiệu hàng VNCLC.

Chúng tôi là hội tư nhân, chi phí hoạt động hàng năm từ 2-3 tỷ đồng cũng phải rất chắt bóp, nguồn kinh phí này là do các doanh nghiệp đứng đầu đóng góp để tổ chức hoạt động phục vụ xã hội.

Khi tổ chức bình chọn, Hội không thu của ai đồng nào hết, do đó Hội không xứng đáng phải nhận một loạt tấn công khủng khiếp như thời gian vừa qua.

Việc Hội cấp danh hiệu cho Asanzo là đúng và Hội chỉ tước quyền sử dụng danh hiệu, việc tước quyền này cũng chỉ tạm thời để Hội tổ chức đi điều tra xem Asanzo đã sử dụng thế nào.

Nếu kết quả xác minh việc sử dụng danh hiệu không có gì sai thì sẽ cấp lại quyền sử dụng. Hiện nay, Hội cũng đang chờ kết luận của cơ quan chức năng về Asanzo”.

CEO Asanzo: Tôi mặc vest lên nhận, tôi trân trọng nhưng tôi không dùng danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo. Ảnh: FBNV

Asanzo không dùng danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao

Cũng theo bà Kim Hạnh, Hội đã tổ chức một đội điều tra thị trường tại các siêu thị, cửa hàng thì thấy rằng Asanzo hiện không dùng logo hàng VNCLC trên bất cứ sản phẩm nào của Asanzo trên thị trường, thực tế Asanzo không dùng 1 lần nào danh hiệu này, thì không thể nói danh hiệu hàng VNCLC tiếp tay cho hàng Tàu trà trộn vào hàng Việt được.

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo cũng khẳng định: “Danh hiệu hàng VNCLC tôi chưa bao giờ bỏ tiền ra mua. Tôi rất trân trọng danh hiệu này, 3 năm liền từ 2016 -2018, năm nào tôi cũng mặc vest lên nhận nhưng tôi không sử dụng, tôi rất trân trọng nhưng tôi không sử dụng để dán lên sản phẩm của Asanzo”.

Trả lời câu hỏi của ICTnews về việc, Asanzo hiện có rất nhiều sản phẩm điện tử, điện máy, vậy những loại hàng nào được sản xuất trong nước, hàng nào là nhập khẩu về bán?

Ông Phạm Văn Tam cho hay, trước đây Asanzo có nhập linh kiện về lắp ráp hầu hết các sản phẩm gia dụng, nhưng từ 3 năm trở lại đây do thuế nhập khẩu hạ xuống bằng 0 nên các sản phẩm gia dụng Asanzo chuyển sang đặt hàng nước ngoài sản xuất rồi nhập khẩu về bán.

Do đó, hiện tại một số cửa hàng, siêu thị cùng một mặt hàng nhưng có cái ghi nhãn Made in Vietnam, có cái Made in China, những cái ghi Made in Vietnam là hàng được lắp ráp trong nước từ thời điểm trước, đó là hai sản phẩm ra đời ở hai thời điểm khác nhau.

Hiện nay, nhà máy Asanzo chỉ còn lắp ráp 4 loại sản phẩm là máy lạnh và tivi, bình siêu tốc và bếp hồng ngoại. Với sản phẩm máy lạnh, Asanzo cũng có ước mơ mọi người dân Việt Nam có thể dùng máy lạnh nên có những thiết kế riêng cho phù hợp với người Việt Nam, giống như các dòng tivi giá rẻ vậy.

Riêng sản phẩm bình siêu tốc và bếp hồng ngoại thì trên thị trường có cả hai loại nhập khẩu và sản xuất trong nước. Ông Tam cũng cho hay, gần đây các đoàn kiểm tra đã đến Asanzo đều không có một kết luận nào về hành vi lập lờ nhãn mác.

Trước ý kiến về việc một số sản phẩm của Asanzo có gán logo hàng VNCLC trên sản phẩm, ông Tam cho biết: “Đó là các sản phẩm ở giai đoạn từ trước năm 2015, có dán logo hàng VNCLC vẫn còn trên thị trường.

Còn với những sản phẩm ra thị trường từ năm 2016 trở lại đây thì Asanzo không còn gán logo hàng VNCLC nữa”.

Bà Kim Hạnh cũng chia sẻ thêm, với vai trò là thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bà đã làm việc với hai nhóm chuyên gia về việc ghi xuất xứ và dán nhãn hàng hóa, theo bà đây là hai quy tắc hoàn toàn khác nhau.

Các chuyên gia ở VCCI cũng kết luận, hàng hóa của Asanzo không xuất khẩu, sản phẩm cuối cùng được xuất xưởng ở nhà máy của Asanzo nên khi ghi Made in Vietnam là không sai, vì luật không cấm điều đó, luật không cấm thì Asanzo có quyền ghi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại