CEO Asanzo: “Chúng tôi không trả lương cho 2.000 công nhân để bóc tem và dán nhãn”

Hoàng Hà |

“Khách hàng có thể mua tivi của các hãng lớn đặt ở phòng khách. Tôi chỉ cần họ mua tivi của tôi đặt ở phòng bếp. Đó là triết lý kinh doanh của tôi”, CEO Asanzo Phạm Văn Tam nói.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo ” của Câu lạc bộ Cafe Số tổ chức sáng 15/8, ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo đã có những chia sẻ về hành trình gây dựng công ty và những khó khăn mà doanh nghiệp này trải qua trong hai tháng qua.

CEO Asanzo cho biết, từ những năm 20 tuổi, ông đã vào miền Nam, đi qua nhiều vùng quê ở miền Tây và nhận thấy cuộc sống của người dân chủ yếu trên xuồng ghe, bán trái cây, không có nước sạch, không tiếp cận được nhiều thông tin.

Khi đó, ông chỉ mong tạo ra được những chiếc ti vi có thể sử dụng điện ắc quy để phục vụ cho họ.

"Việc tạo ra những chiếc ti vi này không nhằm mục đích cạnh tranh với bất cứ hãng lớn nào, mà để phục vụ đối tượng khách hàng đã bị "bỏ quên"", ông Tam nói.

"Những công ty tập đoàn nước ngoài họ tạo ra sản phẩm có thể để phục vụ những người giàu hơn, còn ti vi của tôi tạo ra để phục vụ những người chưa giàu", ông nói thêm.

Theo ông Tam, vào thời điểm đó, ông nhận thấy dù cuộc sống của người dân miền Tây thiếu thốn, rất muốn xem các thông tin thời sự cũng như các chương trình ti vi nhưng hầu hết các ti vi của các hãng lớn đều cần phải có điện lưới 220V.

Do đó, ông quyết định tạo ra những chiếc ti vi có bo mạch nhỏ hơn, sử dụng ít điện năng hơn và có thể dùng bằng ắc quy 12V trong 4-5 tiếng để tiện di chuyển trên sông nước.

Cách làm này không hề giống với bất kỳ hãng nào trên thế giới.

Ngoài thu nhỏ bo mạch, thiết kế, màu sắc của mỗi chiếc tivi cũng được thiết kế sao cho phù hợp nhu cầu khách hàng của từng vùng miền.

Khi những chiếc tivi thông minh (smart tivi) ra đời, Asanzo tiếp tục thiết kế lại toàn bộ giao diện, lược bớt các chi tiết không cần thiết để hạ bớt giá thành sản phẩm nhằm phục vụ đối tượng khách hàng không có nhiều tiền.

“Khách hàng có thể mua ti vi của các hãng lớn đặt ở phòng khách, tôi chỉ cần họ mua ti vi của tôi đặt ở phòng bếp. Đó là triết lý kinh doanh của tôi”, ông Tam nêu quan điểm chọn hướng đi.

CEO Asanzo cũng cho biết, ông không chủ trương cạnh tranh với các hãng lớn và đã tìm ngõ hẹp để đi, tìm những khách hàng riêng để bán sản phẩm cho họ. Do đó, Asanzo cũng tìm cách bon chen ở thành phố.

Nhờ chiến lược này mà chỉ trong vòng 5 năm, Asanzo đã có tới 15.000 điểm bán hàng. “Đây là điều đáng mơ ước của nhiều hãng khác”, ông Tam nói.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy của Asanzo, ông Tam khẳng định: "Nói chúng tôi nhập linh kiện Trung Quốc rồi về xé mác, dán nhãn Việt Nam quả thật rất oan uổng. Asanzo có 2.000 công nhân, trong đó có 600 nhân lực lắp ráp.

Chúng tôi không trả lương cho từng đầu người chỉ để bóc tem và dán nhãn. Mấy năm trời Nhà nước quản lý tôi chưa cơ quan nào phát hiện ra tôi sai".

“Cái gì tôi sai tôi sẵn sàng chịu, tôi rất buồn vì những khủng hoảng suốt hai tháng qua. Tôi khát khao muốn làm ra sản phẩm điện tử Việt Nam, ti vi của tôi là hàng của Việt Nam. Tôi phải đấu tranh để cùng mọi người duy trì Asanzo.

Sau sự việc này tôi vẫn sẽ phát triển Asanzo. Tôi sẽ không ngừng đấu tranh để phát triển Asanzo”, người sáng lập Asanzo khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại