Ông Hòa cho biết, như chúng ta đã biết, Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến, đề xuất của đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, cử tri, nhân dân về các nội dung xung quanh dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu).
Từ đó, kỳ họp này, Quốc hội chưa thông qua Luật Đặc khu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng trình Quốc hội điều chỉnh dự thảo luật rút số năm cho thuê đất xuống theo Luật Đất đai hiện hành, không còn giữ mức 99 năm như dự thảo ban đầu.
“Tính đến thời điểm này, công nhân, viên chức, lao động ở Khánh Hòa giữ vững được tư tưởng, không tham gia vào bất cứ cuộc tụ tập đông người, tuần hành nào, dẫn đến vi phạm pháp luật không đáng có” - ông Hòa cho hay.
Theo ông Hòa, công nhân, viên chức, lao động bày tỏ ý kiến thì đó là quyền cá nhân của họ, nhưng phải tìm hiểu kỹ các thông tin. Việc tham gia ý kiến phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để kẻ xấu lợi dụng.
“Nắm vững thông tin và cập nhật liên tục mới dẫn đến hành động đúng và phù hợp quy định của pháp luật.
Chủ trương của Công đoàn tỉnh là công nhân, lao động hết sức bình tĩnh, không được manh động, bị kẻ xấu kích động, lợi dụng, nhất là không được tham gia, tuần hành trên đường phố làm ảnh hưởng giao thông, gây mất an ninh trật tự…” - ông Hòa nói.
Ông Hòa cho biết, hệ thống công đoàn cấp trên là một kênh tiếp nhận nguyện vọng, ý kiến của công nhân, lao động trên toàn tỉnh.
Vì vậy, nếu có ý kiến, công nhân, viên chức, lao động mạnh dạn đề xuất, để công đoàn cấp trên tổng hợp, đề bạt đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết bằng văn bản.
Theo ông Hòa, vì Khánh Hòa là một trong 3 địa phương dự kiến thành lập đặc khu nên Liên đoàn Lao động tỉnh đặc biệt định hướng thông tin về đặc khu đến công nhân KCN Suối Dầu, LĐLĐ huyện Vạn Ninh (địa phương dự kiến thành lập đặc khu Bắc Vân Phong).