Cây 'tỷ đô' ở vùng đất Tây Nguyên

Thanh Hải - Dung Hà |

Được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô”, cây mắc ca đã từng bước khẳng định vị thế của mình khi đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân.

“Nữ hoàng quả khô” cho hiệu quả kinh tế cao

Những năm trở lại đây, cây mắc ca được trồng trên nhiều diện tích tại các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Đây là loài cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt có thể tận dụng diện tích bằng cách trồng xen trong các vườn cà phê, tiêu. Nhất là khi hiện nay giá các loại nông sản ở Tây Nguyên đang giảm mạnh thì loại cây này giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ.

Cây tỷ đô ở vùng đất Tây Nguyên - Ảnh 1.

Loại quả được mệnh danh là "nữ hoàng quả khô"

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng trong rẫy cà phê có trồng xen cây mắc ca của mình, ông Y Brak Knul ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho hay ông đang trồng xen 200 cây mắc ca trong diện tích 1 hecta cà phê. Hiện tại những cây mắc ca của gia đình ông đã cho thu hoạch trái.

Ông Y Brak Knul chia sẻ: “Cũng may nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên sau 4 năm trồng, tôi đã thu hoạch được trái. Với giá bán từ 90.000 đến 120.000 nghìn đồng/kg quả tươi, vườn cây mang lại thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm”.

Cây tỷ đô ở vùng đất Tây Nguyên - Ảnh 2.

Vườn cà phê trồng xen mắc ca của Ông Y Brak Knul ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Cũng theo ông Y Brak Knul, ngoài thị trường, cây giống mắc ca dao động từ 40-50 nghìn đồng/cây. Như vậy việc đầu tư để trồng cây mắc ca không tốn quá nhiều chi phí.

Với 1 ha diện tích, người nông dân có thể trồng xen được từ 200-300 cây, tương đương chi phí đầu tư cây giống từ 12-15 triệu đồng, tính thêm cả tiền công đào hố và công trồng thì chi phí dao động khoảng 25 triệu đồng/ha. Sau 4-5 năm cây bắt đầu cho thu hoạch trái, tới năm thứ 7-8 cây cho thu hoạch chính thức với năng suất 3-4 tấn/ha.

Ngoài việc tốn ít công chăm sóc thì quá trình thu hoạch loại quả này khá đơn giản vì thương lái thường mua quả tươi nên người nông dân không phải mất công bảo quản hạt.

Lo lắng đầu ra

Với mục đích thu mua nguyên liệu tươi cũng như chế biến tại chỗ nhằm giữ giá trị dinh dưỡng và tạo đầu ra ổn định cho người trồng mắc ca. Hiện tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk cũng đã có hợp tác xã thu mua chế biến hạt mắc ca. Đây là 1 trong 3 cơ sở chế biến mắc ca đang có của tỉnh Đắk Lắk.

Ông Trần Ngọc Dương - Chủ tịch hợp tác xã Việt Farm, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk cho biết: “Trong quá trình chế biến thì hợp tác xã không dùng hóa chất tẩm nhằm giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng của hạt mắc ca.

Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày hợp tác xã chúng tôi có thể thu vào 1 tấn nguyên liệu và đầu ra cũng khoảng 1 tấn trong 1 ngày. Thị trường đang đi vào ổn định”.

Cây tỷ đô ở vùng đất Tây Nguyên - Ảnh 3.

Hạt mắc ca tươi được cơ sở thu mua về sẽ được tách bỏ vỏ ngoài và sấy khô.

Tuy nhiên, có rất ít những cơ sở thu mua hạt mắc ca quy mô lớn cho người nông dân, trong khi nhu cầu của thị trường thực tế rất lớn.

Ông Đoàn Doãn Toản – Phó phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho hay: “ Cần phải quy hoạch cụ thể chuỗi sản xuất từ khâu trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người trồng.

Đặc biệt là sự song hành của các hợp tác xã, các doanh nghiệp thu mua với người nông dân để tìm đầu ra ổn định cho hạt mắc ca”.

Tiến sĩ Trần Vinh - Phó Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng thẳng thắn bày tỏ: “ Mắc ca là loài cây khó tính, không phải vùng đất nào của Tây Nguyên cũng thích hợp để trồng.

Vì vậy, để cây mắc ca thực sự mang lại hiệu quả thì người nông dân cần đầu tư đúng cách, chăm bón đúng kỹ thuật và tìm được đầu ra. Vì đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế không hề nhỏ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại