Vùng hạ lưu Tây Hán, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn duy trì truyền thống lên núi tìm, hái thảo dược quý.
Khu vực này phần lớn là núi cao trùng điệp và đây cũng là nơi sinh trưởng của những loài thảo mộc quý dùng để điều chế thuốc nam, ví dụ như cây kim thạch hộc, thiết bì thạch hộc, thanh long bàn…
Vì mục đích chữa bệnh và cũng là để gia tăng thu nhập, người dân khắp vùng này xưa nay vẫn coi hái thảo mộc quý trên núi là một nghề.
Vài năm gần đây, cùng với sự gia tăng về giá của các loại thực phẩm chức năng chiết xuất từ thảo dược tự nhiên nên người đi tìm hái cây cỏ quý trên núi ngày càng nhiều.
Mùa xuân hằng năm chính là thời kỳ thích hợp nhất cho việc tìm kiếm những loài này bởi cây cối trên núi lúc này chưa mọc nhiều lá, việc tìm kiếm sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
Vách núi cao là nơi những người đàn ông này phải tiếp cận để hái cây thuốc quý.
Hằng ngày, từ 6h sáng, mỗi nhóm từ 3-4 người đã tập trung, đi xe máy đến vị trí tập kết rồi tiếp tục chèo thuyền tự chế qua sông và lên núi.
Tất cả những người đi tìm kiếm và hái thảo dược tại đây đều là nông dân, tranh thủ tiết nông nhàn để gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, đây không phải là một công làm đơn giản và dễ dàng.
Những người nông dân phải liều mạng leo lên những vách núi cao cả nghìn mét để tìm kiếm được thứ họ cần, tận dụng sự dũng cảm và những kỹ năng hơn người mới có thể đem về những "cây thuốc tiên" vừa có thể dùng, vừa có thể đem bán.
Khó khăn hơn nữa là, những loài thảo dược quý có thời gian sinh trưởng dài, người đi săn tìm lại đông nên để tìm được "mục tiêu" cũng phụ thuộc nhiều vào may mắn.
Theo trang báo điện tử Sina, những lúc được giá, mỗi kg cây thuốc quý này có giá lên đến 20.000 NDT (gần 70 triệu đồng).
Một số bức ảnh phản ánh hoạt động săn tìm, hái cây thuốc quý trên núi của người dân ở Cam Túc:
Số thảo dược này là công sức của rất nhiều người.