Câu nói cuối đời của con trai Khổng Minh phơi bày sự thật về Lưu Thiện

Trần Quỳnh |

Từng bị người đời chê trách là nhu nhược, vô năng, thế nhưng không ít ý kiến cho rằng Lưu Thiện quả thực không bất tài như nhiều người vẫn nghĩ.

Lưu Thiện (207 – 271), tự Công Tự, tiểu tự A Đẩu, là vị Hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà Thục Hán vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Sinh thời, vị Hậu chủ này bị không ít người đánh giá là nhu nhược, vô năng. Thậm chí đã từng có lúc tiểu tự A Đẩu của ông còn được dùng như để thay thế tính từ "thiểu năng".

Cũng bởi vậy mà có không ít ý kiến cho rằng, Tiên chủ Lưu Bị cả đời sáng suốt, thế nhưng cuối đời lại phạm phải một sai lầm không thể cứu vãn. Đó là truyền ngôi cho người con chẳng có tài cán như Lưu Thiện.

Thế nhưng không ít ý kiến lại khẳng định, người kế vị của Lưu Huyền Đức thực chất không hề ngu ngốc, vô năng như người đời vẫn thường nghĩ.

Theo phân tích của tờ báo QQNews (Trung Quốc), Lưu Thiện thậm chí còn được đánh giá là một cao thủ biết giấu mình để chờ thời cơ. Và những bước đi thâm thúy trong bàn cờ chính trị dưới đây chính là minh chứng cho điều này.

Những giai thoại đầy mỉa mai về Lưu Thiện: Liệu có phải là tội đồ vong quốc cả đời "không nhớ nước Thục"?

Câu nói cuối đời của con trai Khổng Minh phơi bày sự thật về Lưu Thiện - Ảnh 1.

Không ít ý kiến cho rằng, cùng với thất bại ở Di Lăng, quyết định truyền ngôi cho Lưu Thiện là 2 sai lầm lớn nhất trong cuộc đời Lưu Bị. (Ảnh minh họa).

Năm 223, Lưu Bị qua đời ở thành Bạch Đế chỉ chưa đầy 1 năm sau thất bại trước Đông Ngô tại Di Lăng. Trước khi lâm chung, ông đã truyền ngôi cho con trai Lưu Thiện và coi Gia Cát Lượng là đại thần ủy thác.

Tháng 5 năm ấy, Lưu Thiện kế vị tại Thành Đô ở tuổi 17. Ông đổi niên hiệu thành Kiến Hưng, tôn Ngô Hoàng hậu làm Hoàng Thái hậu, Khổng Minh giữ chức Thừa tướng và nắm quyền chấp chính.

Trong giai đoạn Gia Cát Lượng còn sống, Lưu Thiện đa số đều nghe theo chủ ý của vị đại thần được vua cha ủy thác ấy. Sau khi Khổng Minh qua đời, triều chính nhà Thục Hán ở giai đoạn đầu vẫn tương đối ổn định vì có những viên quan phụ chính đắc lực như Tưởng Uyển, Phí Y.

Tuy nhiên chỉ một vài năm sau khi Lưu Thiện bắt đầu đích thân chấp chính, ông bị nhiều người cho là đã đi vào vết xe đổ của Hán triều năm xưa khi trọng dụng hoạn quan, khiến nội bộ Thục Hán rối loạn và không tránh khỏi kết cục diệt vong trước sự tấn công từ Tào Ngụy vào năm 263.

Sau khi vương triều sụp đổ, Lưu Thiện được đưa về kinh đô nhà Ngụy và ban chức An Lạc huyện công. Thế nhưng việc một vị vua vong quốc như ông chấp nhận làm bề tôi của triều đình đối địch chưa phải là điều duy nhất khiến Hậu chủ bị người đời khiển trách.

Câu nói cuối đời của con trai Khổng Minh phơi bày sự thật về Lưu Thiện - Ảnh 2.

Việc chấp nhận chức tước bù nhìn mà Tào Ngụy ban cho đã khiến Lưu Thiện bị người đương thời và hậu thế chỉ trích nặng nề. (Ảnh minh họa).

Theo một số giai thoại truyền lại, Lưu Thiện dường như từ sớm đã không còn khao khát phục hưng cơ nghiệp của cha ông để lại.

Câu chuyện được ghi chép trong "Hán Tấn Xuân Thu" kể lại rằng, năm xưa Tư Mã Chiêu vẫn còn đề phòng Hậu chủ, vì vậy đã cố ý mời ông đến phủ của mình và mở tiệc khoản đãi.

Trong bữa tiệc hôm ấy, Tư Mã Chiêu cố ý cho cung nữ múa điệu múa truyền thống của nước Thục, khiến cho rất nhiều quan lại cũ của nhà Thục Hán cảm động tới rơi nước mắt.

Nhân đó, Chiêu bèn hỏi Lưu Thiện có còn nhớ đất Thục hay không. Hậu chủ trả lời:

"Ở đây rất vui. Tôi không còn nhớ gì đến đất Thục nữa".

Một viên quan cũ của Thục Hán là Khước Chính nghe thấy lời này của Hậu chủ thì bất bình, khuyên ông rằng nếu còn bị hỏi thì nên nói rằng: Mồ mả tổ tiên vẫn còn ở Lũng Thục, không ngày nào không nhớ.

Lát sau Tư Mã Chiêu hỏi lại câu ban nãy, Lưu Thiện lại đáp y như lời dặn của Khước Chính. Chiêu bèn bảo:

"Sao giống lời Khước Chính thế".

Lưu Thiện nghe xong liền thất kinh, bèn thú nhận đầu đuôi việc này. Mọi người xung quanh đều vì vậy mà chê cười ông, đến cả Tư Mã Chiêu nổi tiếng đa nghi cũng nghĩ rằng Lưu Thiện quả thực quá mức bất tài, từ đó không bận tâm tới nữa.

Cũng sau sự việc lần ấy, trên dưới tập đoàn Tào Ngụy không còn ai kiêng kỵ trước một người nhu nhược như Lưu Thiện. Vị Hậu chủ này nhờ vậy mà có thể an hưởng tuổi già, tước hiệu An Lạc công sau đó cũng được truyền lại cho con cháu đời sau.

Câu nói cuối đời của Gia Cát Chiêm tiết lộ sự thật về trí tuệ của Hậu chủ Lưu Thiện

Câu nói cuối đời của con trai Khổng Minh phơi bày sự thật về Lưu Thiện - Ảnh 3.

Nhiều người cho rằng Thục Hán có thể thoi thóp hơi tàn được mấy thập kỷ sau khi Lưu Bị qua đời đều là nhờ công của các đại thần như Khổng Minh, Tưởng Uyển, Khương Duy... Nhưng sự thực liệu có phải như vậy? (Ảnh minh họa).

Nếu nghe qua câu chuyện "Không nhớ đất Thục" nêu trên, không ít người sẽ cho rằng Lưu Thiện là một vị quân chủ không những bất tài, vô năng mà còn chẳng có lòng với cơ nghiệp Thục Hán.

Sự nhu nhược của ông thậm chí khiến cho Tư Mã Chiêu cũng không khỏi xem thường và giễu cợt. Bởi vậy mà không ít người thời bấy giờ cho rằng, ngay cả Gia Cát Lượng có tái thế thì cũng chẳng cách nào phò tá vị quân chủ này vực dậy đại nghiệp của Hán thất.

Tuy nhiên theo nhận định của tờ báo QQNews, câu chuyện "không nhớ đất Thục" trong "Ngụy Thị Xuân Thu" chỉ mang tính đơn thuần là ghi chép lại chứ không phản ánh được những suy tính sâu xa của Hậu chủ.

Bởi lẽ trong bối cảnh lúc bấy giờ, nếu Lưu Thiện chỉ cần có nửa câu bộc lộ ra việc mình muốn phục hưng Thục Hán, thì chắc chắn bản thân ông và cả những triều thần cũ của nhà Thục khó có thể giữ được mạng sống trước một kẻ đa nghi như Tư Mã Chiêu.

Hơn nữa nhìn lại nội bộ Thục Hán sau khi Gia Cát Lượng qua đời, không khó để nhận thấy Lưu Thiện vẫn tiếp tục ngồi vững trên đế vị trong gần 30 năm. Nếu vị Hậu chủ này quả thực không có chút bản lĩnh nào, thì làm sao ông có thể ở ngôi Thiên tử suốt mấy thập kỷ như vậy?

Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, khi Gia Cát Lượng còn sống, ông ngoài mặt luôn nghe theo lời của Khổng Minh. Tuy nhiên vị Thừa tướng này vừa mới qua đời, Lưu Thiện đã lập tức xóa bỏ chế độ Thừa tướng.

Mặt khác, ông cũng không tiếp tục để mình làm một vị quân chủ bù nhìn. Hậu chủ trên danh nghĩa để cho Tưởng Uyển và Phí Y cùng làm đại thần phụ chính thay cho Khổng Minh, nhưng thực chất đây là nước cờ khiến hai vị đại thần này tự kìm chế lẫn nhau.

Sau khi Tưởng Uyển qua đời vào năm 246, Lưu Thiện đã quang minh chính đại tự nắm quyền triều chính.

Câu nói cuối đời của con trai Khổng Minh phơi bày sự thật về Lưu Thiện - Ảnh 4.

Chấp nhận trao quyền chấp chính cho các đại thần có năng lực phải chăng đều là những nước cờ đầy toan tính của Lưu Thiện? (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên cuộc đời nắm quyền của vị Hậu chủ họ Lưu ấy vẫn có một "vết đen" khiến nhiều người khó có cách nào bênh vực.

Vào những năm cuối của Thục Hán, ông một mực tin dùng hoạn quan, khiến cho nội bộ triều đình càng lúc càng trở nên rối loạn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Thục quốc không cách nào chống chọi nổi trước sự tấn công từ Tào Ngụy.

Việc Lưu Thiện trọng dụng hoạn quan là một thực tế lịch sử không cách nào thay đổi. Tuy nhiên ít ai nhìn ra được rằng, đó không phải là minh chứng cho sự bất tài của ông mà thực chất lại là một nước cờ đầy toan tính đến từ vị Hậu chủ này.

Sau khi Phí Y qua đời, Khương Duy đã trở thành người nắm quyền cao nhất trong quân đội nhà Thục Hán. Vị tướng này đã dồn toàn lực để tiếp tục tiến hành Bắc phạt, khiến cho Thục quốc lâm vào tình trạng "cùng binh độc vũ" (dồn hết binh lực để đi gây chiến).

Bản thân Khương Duy được xem là người kế thừa của Gia Cát Lượng, lại sở hữu trong tay chức vụ cao, vì vậy dù các lão tướng trong triều nhiều lần khuyên giải cũng không thể ngăn ông tiến hành "cửu phạt Trung Nguyên".

Lúc bấy giờ, địa vị và sức ảnh hưởng của Hoàng Hạo đã dần tăng lên. Lưu Thiện liền thuận thế lợi dụng hoạn quan này, ngoài mặt thì tỏ vẻ tin dùng, khiến Hoàng Hạo trở thành quân bài để kìm chế Khương Duy, cuối cùng khiến Khương Duy phải đem quân tới Đạp Trung lập đồn điền, từ đó tạo cơ hội cho Thục Hán có thời gian nghỉ ngơi lại sức sau nhiều đợt chinh chiến liên miên.

Câu nói cuối đời của con trai Khổng Minh phơi bày sự thật về Lưu Thiện - Ảnh 5.

Theo QQNews, ngay tới hậu nhân của Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm cũng trở thành một nước cờ chính trị trên bàn cờ do Hậu chủ Lưu Thiện bày ra. (Tranh minh họa).

Trong cuộc chiến tranh đoạt quyền hành giữa Khương Duy và Hoàng Hạo, nếu một trong hai người chiến thắng thì nội bộ Thục Hán một lần nữa sẽ mất đi sự cân bằng.

Lường trước được kết quả này, Lưu Thiện mặt khác đã giữ lại cho mình một "quân bài tẩy". "Quân bài" ấy không ai khác ngoài Gia Cát Chiêm – con trai ruột của Gia Cát Lượng.

Gia Cát Chiêm, tự Tử Viễn, là con trưởng của Thừa tướng Khổng Minh và cũng là phò mã Thục Hán, tức con rể của Lưu Thiện.

Thế nhưng dù không có mối quan hệ thông hôn thì Hậu chủ vẫn đặc biệt cất nhắc cho nhân vật này. Ông chẳng những để Chiêm nhận chức vụ cao ngay từ khi còn trẻ mà còn tạo điều kiện cho con trai Khổng Minh tạo lập được danh tiếng vô cùng đáng nể ở Thục quốc.

Về địa vị của Gia Cát Chiêm trong nội bộ Thục Hán, "Tam Quốc chí" ghi lại: Mỗi khi triều đình Thục Hán có hỷ sự, mặc dù Chiêm không ở đó khởi xướng, mọi người đều bảo nhau rằng: "Gia Cát hầu ở đây vậy". Thế rồi lời vui tràn đầy, có khi hơn cả lúc ông có mặt ở đó.

Câu nói cuối đời của con trai Khổng Minh phơi bày sự thật về Lưu Thiện - Ảnh 6.

Nếu như giả thiết của QQNews đưa ra là chính xác, thì Lưu Thiện thực chất là một cao thủ ẩn nhẫn có tài năng, chỉ tiếc rằng vị Hậu chủ này lại không được lịch sử ưu ái như gia tộc nhà Tư Mã. (Ảnh minh họa).

Tất cả những động thái nâng đỡ nói trên của Lưu Thiện đều phục vụ cho một mục đích: Để Gia Cát Chiêm ngoài mặt áp chế Khương Duy, bên trong khống chế Hoàng Hạo.

Cũng bởi vậy mà "Nguyên Hòa quận huyện chí" từng ghi lại, Gia Cát Chiêm trước lúc lâm chung trong trận tử chiến với Tào Ngụy đã hô lớn một câu:

"Ta trong triều không diệt trừ Hoàng Hạo, ngoài triều không khắc chế Khương Duy, tiến quân không giữ được Giang Du, ta có 3 tội, còn mặt mũi nào mà trở về đây?".

Chính câu nói cuối đời của Gia Cát Chiêm đã chỉ ra một sự thật: Lưu Thiện không hề nhu nhược, vô năng mà thực chất là một cao thủ ẩn nhẫn, biết ẩn nấp trong bóng tối để chờ thời cơ, thậm chí còn khôn ngoan tới nỗi an bài toàn bộ đường đi nước bước cho mình.

Từ đó có thể thấy, lời khen "thiên tư nhân mẫn" mà Gia Cát Lượng từng dành cho Lưu Thiện lúc sinh thời có lẽ cũng không phải là nói quá.

Chỉ tiếc rằng lịch sử dù cho Lưu Thiện cơ hội tiếp quản ngai vàng nhưng lại không dành cho ông thời cơ để bộc lộ toàn bộ tài năng của mình, để rồi khi nghiệp lớn chưa thành thì vị Hậu chủ ấy đã phải chịu kết cục làm một vị vua vong quốc, bị hậu thế đời đời chê bai, hiểu lầm…

*Theo quan điểm của QQNews.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại