Từ đầu giải đến giờ U23 Việt Nam chưa bị đối thủ dẫn trước lần nào trong 90 phút thi đấu dù chúng ta phải đối mặt với những đội bóng sừng sỏ như U23 Hàn Quốc, U23 Australia, U23 Syria và U23 Iraq.
Chiến thuật phòng ngự dày đặc nhiều lớp cùng tinh thần thi đấu quả cảm, tự tin và một chút may mắn đã giúp U23 Việt Nam nhiều lần thoát hiểm và vượt qua các thử thách hết sức ngoạn mục. Dù chúng ta phòng ngự cơ bản là rất chặt chẽ nhưng thực tế khung thành của thủ môn Tiến Dũng vẫn không ít lần bị đe dọa nghiêm trọng.
Thống kê cho thấy, ít nhất 2 lần đối thủ đã đưa bóng trúng khung gỗ, 1 lần hậu vệ chúng ta phá bóng cứu thua ngay trên vạch cầu môn, và không dưới 7 lần khác đối thủ bỏ lỡ những cơ hội ghi bàn rõ rệt từ các pha dứt điểm cận thành trong tư thế không quá khó, góc khá rộng nhưng bóng đi ra ngoài.
Những cơ hội bị bỏ lỡ ấy của các đối thủ là một phần nguyên nhân giúp U23 Việt Nam chưa từng rơi vào thế bị dẫn bàn trước và do đó có thể hoàn toàn chủ động với lối chơi mà HLV Park Hang Seo đã vạch ra trước đó mà cơ bản là phòng ngự chặt nhiều tầng, với số đông kết hợp với phản công nhanh. Nhưng nếu chúng ta bị dẫn trước ở trận gặp U23 Qatar tại bán kết thì sao?
Đấy là câu hỏi lớn nhất được đặt ra với đội bóng của ông Park Hang Seo. Đặt ra giả thiết này không thừa bởi dù những gì U23 Việt Nam đã thể hiện ở giải U23 châu Á từ đầu tới giờ là tuyệt vời nhưng người hâm mộ cũng như giới chuyên môn chưa từng được chứng kiến cách đội bóng phản ứng và thể hiện lối chơi trong thế bị động là như thế nào.
Có một bất lợi cực lớn với cầu thủ chúng ta là U23 Việt Nam được nghỉ ít hơn U23 Qatar 1 ngày trong khi lại thi đấu nhiều hơn đối thủ tới 30 phút do phải đá cả hiệp phụ ở trận tứ kết gặp U23 Iraq. Điều đó có nghĩa là gì? U23 Việt Nam càng có lí do để đá phòng ngự phản công trước U23 Qatar.
Thêm một chi tiết nữa khiến các học trò Park Hang Seo phài dè chừng U23 Qatar. Đó là đội bóng có tuổi bình quân trẻ nhất trong số 4 đội vào bán kết (19,3), trẻ hơn cả đội bóng của chúng ta.
Chống lại một đối thủ vừa được nghỉ nhiều hơn, vừa trẻ hơn là một thách thức khổng lồ. Và nếu chúng ta, theo cách nào đó, lại bị thủng lưới trước, thì đúng là một bài toán hóc búa mà cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn đều không muốn chứng kiến nhưng đó lại là nguy cơ chúng ta không thể loại trừ.
Nếu điều đó xảy ra, U23 Việt Nam sẽ đối phó thế nào? Các cầu thủ vẫn tiếp tục kiên trì với lối chơi phòng ngự số đông, chờ thời cơ phản công hay đến một thời điểm nào đó sẽ dồn lên gây áp lực với đối thủ?
Chúng ta hy vọng đội tuyển vẫn chơi phòng ngự chắc chắn tuyệt vời như 4 trận đã qua, vẫn hy vọng mọi vị trí vẫn đá tỉnh táo, tập trung và cả hệ thống phòng ngự của U23 Việt Nam vẫn vận hành trơn tru.
Nhưng dĩ nhiên, nếu đội tuyển bị thủng lưới trước, các cầu thủ vẫn cần giữ được cái đầu lạnh, vẫn phải tập trung và không để mất tinh thần.
Thực tế, chúng ta từng bị U23 Iraq dẫn trước trong hiệp phụ ở trận tứ kết nhưng đã chiến đấu kiên cường và vẫn chơi tập trung để rồi xuất sắc ngược dòng sau đó. Cần lắm tinh thần ấy, ý chí và sự tỉnh táo ấy trong cuộc chiến hứa hẹn còn gian nan và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn nữa trước U23 Qatar chiều ngày 23/1/2018.