Câu hỏi 3 từ này đã giúp tôi bắt đầu sống tối giản, tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng

Ngọc Linh |

Sống tối giản là cách hiệu quả nhất để hình thành thói quen tiết kiệm và có một cuộc sống tinh tế hơn.

Tôi là Hải Quỳnh, 28 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành Đô (Trung Quốc). Giống nhiều cô gái còn độc thân khác, tôi không có áp lực phải chăm lo cho ai ngoài chính mình. Chính bởi lý do này mà tôi cho phép bản thân sống rất thoải mái. Miễn là trong tài khoản còn tiền, tôi sẽ mua thứ tôi thích.

Dần dà, thói quen ấy khiến tôi cảm thấy khó chịu điên lên mỗi khi về nhà. Căn phòng 20m2 trở nên bí bách, chật chội đến mức người tôi liên tục xuất hiện những vết bầm tím, vì không va vào tủ thì cũng vấp vào bàn, vào chân giường.

Tôi nhận ra giờ mình chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc là chuyển sang một căn phòng rộng hơn, hoặc là dọn bớt đống đồ hiện tại. Đương nhiên, tôi đã chọn phương án thứ 2 vì nó có vẻ đỡ tốn sức, đỡ tốn tiền hơn.

Đó chính là cơ duyên đã dẫn tôi vào lối sống tối giản. Sau 1 tháng dọn dẹp cuộc sống, tôi cảm thấy dễ thở và giàu có hơn, theo đúng nghĩa đen. Bạn đang thắc mắc tôi đã làm như thế nào và làm những gì đúng không? Tôi sẽ trả lời ngay đây, bằng 3 gạch đầu dòng này.

1 - Tối giản đồ đạc, thanh lý những món đồ "chỉ để làm cảnh"

Tôi đi vòng quanh nhà, nhìn kỹ từng món đồ và đặt ra câu hỏi "Thứ này để làm gì?". Sau đó, tôi nhận ra việc có một chiếc bàn làm việc, 1 chiếc bàn ăn, 1 chiếc bàn trang điểm thật sự quá thừa thãi.

Tôi đi làm 6 ngày/tuần, chỉ ở nhà vào ngày chủ nhật, điều đó đồng nghĩa với việc chiếc bàn làm việc ở nhà chỉ để… làm cảnh. Chiếc bàn ăn với kích thước 1m2 x 1m5 của tôi cũng đã đủ rộng để "cân" được hết công dụng của bàn trang điểm và bàn làm việc. Tôi đã đăng thanh lý bàn trang điểm và bàn làm việc, kiếm được 750 Nhân Dân tệ (khoảng 2,5 triệu đồng).

Câu hỏi 3 từ này đã giúp tôi bắt đầu sống tối giản, tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhưng bàn trang điểm hay bàn làm việc không phải là những món đồ chiếm nhiều diện tích nhất. Thủ phạm "ăn cắp" không gian của tôi chính là tủ quần áo cao 1m8, rộng 2m2. Tôi phải đếm đi đếm lại mới chắc chắn được rằng mình có 209 món đồ gồm quần áo, váy vóc. Tôi mất 4 ngày để chụp được hết những món đồ bản thân chẳng mấy khi mặc và mất 7 ngày để bán được hết chúng, thu được 2235 Nhân Dân tệ (khoảng 7,6 triệu đồng).

Sau đó, tôi cũng thanh lý luôn cả chiếc tủ quần áo 1m8 x 2m và mua 1 chiếc tủ mới với kích thước nhỏ hơn, chỉ 1m5 x 1m8. Trừ hao chi phí mua tủ mới, tôi vẫn còn lãi được 320 Nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng).

Vậy là chỉ riêng việc tối giản đồ đạc và thanh lý những món đồ bản thân không còn sử dụng, tôi đã kiếm được 3305 Nhân Dân tệ (khoảng 11,2 triệu đồng) trong vòng 11 ngày.

2 - Tối giản những cuộc hẹn vô thưởng vô phạt

Sau 11 ngày ngụp lặn trong việc thanh lý những món đồ bản thân có nhưng không dùng, tôi chợt nhận ra những mối quan hệ hiện tại trong cuộc sống của chính mình cũng cần được "dọn dẹp".

Tôi có nhiều bạn tới mức có thể đi chơi 7 buổi tối trong tuần với 7 nhóm bạn khác nhau. Sự thật thì trung bình, tôi cũng tụ tập 4-5 buổi tối/tuần rồi. Câu hỏi "Để làm gì" lại được tôi áp dụng với cả những mối quan hệ của mình.

Câu hỏi 3 từ này đã giúp tôi bắt đầu sống tối giản, tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Mình gặp gỡ người này, tụ tập với nhóm bạn kia, để làm gì nhỉ?". Tôi đã tự hỏi mình như thế và nhận ra câu trả lời thực sự là không để làm gì hết.

Chúng tôi chỉ nói những câu chuyện vô thưởng vô phạt, đôi khi nói xấu người này, người kia mà hiếm khi nào kể nhau nghe những chuyện mệt mỏi, nặng lòng. Việc gặp gỡ hoàn toàn không có nhiều giá trị về mặt tinh thần, còn giá trị về mặt tiền bạc, thì có.

Tôi đã thử cắm mặt vào cày phim suốt 1 tuần thay vì đi chơi buổi tối và nhận ra việc này cũng không nhàm chán lắm. Trung bình mỗi buổi đi ăn uống, cà phê của chúng tôi hết khoảng 54 Nhân dân tệ/người (khoảng 180k).

Vậy là sau 1 tuần chấm dứt việc tham gia những cuộc hẹn vô thưởng vô phạt, tôi tiết kiệm được 270 Nhân Dân tệ (khoảng 920k).

3 - Tối giản trong hành vi mua sắm

Khi gặp áp lực trong công việc, đâu là cách giải tỏa căng thẳng của bạn? Với tôi, câu trả lời chính là mua sắm! Thói quen này cũng là nguyên nhân khiến tôi có tới 209 chiếc áo chiếc quần và váy vóc.

Tôi nhận ra mình không nên tiếp tục thói quen này vì hiện tại, tôi chỉ có chiếc tủ quần áo với kích thước 1m5 x 1m8 mà thôi. Nếu không thay đổi hành vi mua sắm, chẳng mấy chốc tôi sẽ lại phải thay tủ quần áo mất.

Câu hỏi "Để làm gì" tiếp tục được tôi lôi ra áp dụng. Mình mua cái áo, cái quần, cái váy này để làm gì? Việc thành thật với chính mình trong hoàn cảnh này không đơn giản. Vì chúng đẹp quá, mặc lên trông sang hơn hẳn nhưng chỉ sau 2-3 lần trưng lên người, tôi lại để chúng nằm yên trong xó tủ.

Trước đây, tôi mua sắm gần như mỗi tuần, không phấn son thì cũng quần áo, túi xách. Số tiền mà tôi dành cho việc mua sắm rơi vào khoảng 2500 Nhân Dân tệ (khoảng 8,5 triệu đồng).

Sau 1 tháng quyết tâm giữ mình, tôi vẫn mua sắm hết 1240 Nhân Dân tệ (khoảng 4,2 triệu đồng). Dù vẫn chưa thể bỏ hoàn toàn cơn nghiện mua sắm, nhưng chí ít, tôi cũng đã giảm được hơn 50% khoản tiền dành cho đầu mục shopping này.

Nếu đã đọc đến đây và cũng đang muốn tiết kiệm nhiều hơn, có một cuộc sống ý nghĩa hơn, hy vọng rằng bạn cũng có thể áp dụng câu hỏi "Để làm gì?" cho chính mình, trước khi quyết định rước thêm bất cứ món đồ nào về nhà. 3 từ ấy thực sự đã cứu lấy tôi, giúp tôi có một cuộc sống bớt hổ lốn hơn ở độ tuổi 28.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại