Cầu đồng minh xa, níu chiến hữu gần

Ngải Sa |

Chuyến công du Mỹ mới đây của Tổng thống Volodymyr Zelensky lộ rõ một điều là Ukraine không thể tự đặt điều kiện cho đàm phán hòa bình với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa rời đất nước lần đầu tiên kể từ khi bùng phát cuộc xung đột với Nga cách đây 10 tháng. Ông Zelensky đến Mỹ hôm 21-12 và được đón tiếp rất trọng thị, hội đàm với Tổng thống Joe Biden, phát biểu tại phiên họp chung của lưỡng viện quốc hội - nghi thức phía nước chủ nhà chỉ dành riêng cho những quốc khách rất đặc biệt.

Chỉ riêng những điều này thôi cũng đã đủ để thấy Mỹ là phao cứu hộ quan trọng nhất và quyết định nhất của Ukraine trong trận sóng to bão lớn hiện tại.

Mỹ cách xa trong khi NATO và Liên minh châu Âu (EU) gần Ukraine về địa lý nhưng trong thực chất thì chỉ có Mỹ mới là đồng minh chiến lược, còn NATO và EU đơn giản chỉ là những chiến hữu cùng chung chiến hào của Ukraine.

Cho nên, tranh thủ Mỹ tiếp tục hậu thuẫn Ukraine đến cùng về chính trị, tài chính và quân sự có ý nghĩa sống còn đối với Ukraine và ông Zelensky trong cuộc xung đột với Nga.

Chỉ có đồng minh xa này mới đủ uy lực thôi thúc các chiến hữu gần kia của Ukraine thống nhất nội bộ và tăng cường hậu thuẫn nước này trên mọi phương diện trong cuộc xung đột cũng như ở thời hậu chiến.

Cầu đồng minh xa, níu chiến hữu gần - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hôm 21-12 Ảnh: REUTERS

Tình thế hiện có nhiều bất lợi đối với Ukraine. Mùa đông lạnh giá đã đến. Ngày 3-1-2023 tới, Đảng Cộng hòa chính thức nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ và nhiều khả năng sẽ gây khó cho ông Biden trong vấn đề giải ngân những gói tài chính viện trợ mới cho Ukraine.

Cuộc khủng hoảng Ukraine càng dai dẳng thì mức độ sẵn sàng giúp Ukraine đối đầu Nga càng dễ bị suy giảm trong EU. Cho nên, ông Zelensky phải thuyết phục Đảng Cộng hòa Mỹ coi cuộc chiến của Ukraine như cuộc chiến của Mỹ và chiến thắng của Ukraine là chiến thắng của Mỹ.

Ông Zelensky hối thúc ông Biden giải ngân ngay những gói viện trợ tài chính hiện có thể giải ngân được (một gói 1,8 tỉ USD và một gói 45 tỉ USD). Ông Zelensky muốn dùng cam kết của Mỹ để gia tăng áp lực đối với EU và NATO.

Trong khi đó, ông Biden dùng việc tiếp đón ông Zelensky và tăng thêm viện trợ tài chính, quân sự cho Ukraine để khẳng định vai trò lãnh đạo, dẫn dắt khối các nước phương Tây trên lĩnh vực chính trị an ninh và quân sự thế giới.

Mục đích chính của ông Zelensky với chuyến đi Mỹ này là cầu viện Mỹ và dùng Mỹ để níu kéo các nước trong EU và NATO. Những phát ngôn của ông Biden và ông Zelensky đều cho thấy ông Zelensky chủ trương quyết đấu với Nga đến cùng và ông Biden chủ định Washington hậu thuẫn Kiev để Ukraine có thể thực hiện điều đó. Như thế có nghĩa là chiến sự ở Ukraine sẽ còn quyết liệt hơn nữa.

Đấy chính là phương châm "Chiến tranh trước, đàm phán hòa bình sau" và "Tiến tới hòa bình bằng tiếp tục chiến tranh".

Đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine hiện tại hoàn toàn không có cơ hội và cả trong thời gian tới cũng không có triển vọng bởi ông Biden và ông Zelensky tính toán và hành động theo phương châm nói trên.

Mỹ muốn giúp Ukraine chiến thắng chứ không chỉ đơn thuần chỉ có làm cho Nga phải thua trong cuộc xung đột ở Ukraine. Nga cũng quyết giành về phần thắng. Mỹ, NATO, EU, Ukraine và cả Nga nữa hiện đều trong tình trạng phải theo lao sau khi đã đâm lao.

Tuy nhiên, chuyến công du Mỹ này của ông Zelensky còn lộ rõ thêm một điều nữa là phía Ukraine không thể tự quyết định kết thúc cuộc chiến như thế nào và tự đặt điều kiện cho đàm phán hòa bình với Nga. Mỹ, EU, NATO và đồng minh đổ nhiều công của vào giúp Ukraine đối địch Nga đâu có phải để rồi phó mặc Ukraine tự quyết định kết thúc cuộc xung đột với Nga.

Ukraine không muốn đàm phán với Nga?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23-12 phác thảo một số mục tiêu chính của ngoại giao đất nước năm 2023 tại cuộc họp với các đại sứ nước này. Đáng chú ý, theo hãng tin TASS, ông Zelensky không nhắc đến chuyện đàm phán với Nga. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Ukraine đề nghị tăng cường nỗ lực trừng phạt Nga, thành lập một tòa án và "phong tỏa tài sản" của Nga liên quan đến các quan chức chính phủ và doanh nghiệp Nga.

Ngoài ra, ông Zelensky đề cập việc khởi động đàm phán về chuyện Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU), công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO và cần bảo đảm hội nghị này mang lại "kết quả cụ thể" cho Ukraine. Nhà lãnh đạo này cũng nói đến việc cần bảo đảm nhu cầu quốc phòng và khôi phục lĩnh vực năng lượng của Ukraine.

Không dừng lại ở đó, theo Reuters, Tổng thống Ukraine còn công bố kế hoạch tăng cường nỗ lực ngoại giao ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, đồng thời củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống.

Cùng ngày, ông Grigory Karasin, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Hội đồng Liên bang (thượng viện) Nga, cho rằng các chính khách "có trách nhiệm" ở Mỹ và châu Âu sớm muộn sẽ buộc ông Zelensky "đối mặt thực tế" và ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya-24, ông Karasin nhận định vẫn còn một số chính trị gia Mỹ tỉnh táo và lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột quy mô lớn với Nga, và những mối lo ngại này đang bắt đầu thắng thế trong chính trường Mỹ. Theo ông Karasin, mối lo ngại này cũng được cảm nhận ở những nước châu Âu nằm gần tiền tuyến hơn.

Hoàng Phương


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại