Có nhiều câu từ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống thường ngày nhưng chúng ta không hề biết đến nguồn gốc của nó. Chẳng hạn như từ "tơi" trong "nghèo rớt mồng tơi" không phải chỉ một loại rau mà chỉ một loại áo mặc đi mưa thời xưa. Hay từ "tư" có nguồn gốc từ "tứ", có từ thời Bắc thuộc và được người dân đọc chệch thành "tư" cho xuôi miệng.
"Xả láng" cũng là một từ được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ viết cũng như ngôn ngữ nói. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc vì sao lại nói là "xả láng"? Từ "xả láng" có nguồn gốc như thế nào? Đây là một phần kiến thức rất thú vị đấy nhé!
Theo đó, "xả láng" là một từ được sử dụng thường xuyên, đặc biệt là tại Nam Bộ. Ví dụ: "Chơi xả láng rồi về bạn ơi!", "Hôm nay cứ chơi xả láng đi!",…
Ảnh minh họa.
Thực chất, "xả láng" vốn có Hán tự, được phiên âm là 晒冷 (saai3 laang1). Đây là từ được sinh ra do quá trình tiếp xúc ngôn ngữ giữa người Quảng Đông và người Triều Châu tại Hồng Kông. Ban đầu, từ này được dùng trong giới xã hội đen.
"Xả láng" là phương ngữ Triều Châu, ở đây muốn nói có bao nhiêu người hãy mang hết ra đây đánh một trận cuối. Từ này có âm Hán Việt là "sái lãnh" nhưng do quá trình phiên âm sang tiếng Quảng Đông nên nó trở thành "saai3 laang1", dần dần được người Việt gốc Hoa đọc là "xả láng".
Về sau, người Quảng Đông sử dụng từ này trong Xì Phé (hay còn gọi là bài Poker) khi người chơi muốn đặt hết tiền của mình vào ván bài và những người khác cũng muốn đặt như vậy nếu muốn chơi tiếp. Một khi tất cả mọi người đều đồng ý "xả láng" thì ván bài sẽ kết thúc, phân định người thắng kẻ thua.
Tóm lại, "xả láng" là một từ gốc Triều Châu, được người Quảng Đông dùng trong bài Poker, nghĩa là "phơi bày hết ra".