Chúng gác những đôi chân gầy khẳng khiu lên nhau và cười ré lên, mỗi khi có đứa giải sai câu đố mà vui thích, lại đấm nhau thùm thụp…
Những câu đố có nội dung gần gũi, như cái gầu tát nước, cái cối xay, cái bút chì, hoặc ánh trăng dưới ao… cứ như vậy sống trong tâm hồn trẻ thơ rồi theo họ vào đời… Đến bây giờ có người đã vào tuổi bảy tám mươi, mà những câu đố ấy vẫn còn phảng phất.
Câu đố là một thể loại văn học dân gian đặc sắc của người Việt. Nó phản ánh hiện thực bằng lối nói chệch, nói đằng Đông, vồng đằng Tây. Nói đằng này hiểu đằng khác, nhưng thú vị. Nó xuất phát từ sự quan sát của con người về những nét giống nhau thường thấy giữa các sự vật và hiện tượng khác nhau của thế giới khách quan.
Cũng nhờ áp dụng phương pháp đó, câu đố dân gian có nội dung mô tả bằng hình tượng hoặc từ ngữ những dấu hiệu đặc trưng, hoặc chức năng của những sự vật và hiện tượng cá biệt, cụ thể. Ví dụ: Vừa bằng lá tre, ngo ngoe dưới nước (con đỉa); Vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng (con chuột); To như cánh cửa/Nằm ngửa giữa giời (tàu lá chuối).
Rõ ràng sáng tác câu đố, và những cuộc sinh hoạt "đố nhau" trong dân gian là một phương thức đặc biệt để nhận thức và kiểm tra nhận thức về các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống, rất gần gũi quanh ta.
Đặc biệt là đối tượng của câu đố thường liên quan đến công việc lao động, sản xuất, sinh hoạt của con người.
Đây là nhận xét về bó mạ của người nông dân trong vụ cấy: Vừa bằng thằng bé lên ba/Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng… (đố là gì?)
Cái yếu tố chỉ bó mạ là thắt lưng đứa bé lên ba, và nó biết chạy ra ngoài đồng.
Đặc biệt là những cây cối, hoa màu gắn bó với người dân lao động, được mô tả rất sinh động, hóm hỉnh: Có cây mà chẳng có cành/Có hai ông cụ dập dềnh hai bên (là gì?)
Đây là cây ngô. Chẳng có cành ngô bao giờ, đặc biệt nách thân ngô có 2 bắp, bắp ngô lại có râu dài ra như ông già. Thật tinh tế!
Hoặc nói về quả mít. Quả mít thật gần gũi, mộc mạc như đời sống con người, nhưng khi vào câu đố, nó được hiện lên đầy màu sắc và hương vị quyến rũ:
Da cóc mà bọc bột lọc/Bột lọc mà bọc trứng gà/Bổ ra thơm phức cả nhà muốn ăn (là quả gì?).
Trong câu đố dân gian, các đồ dùng quen thuộc hàng ngày và dụng cụ sản xuất: Cái liềm, cái cuốc, cối xay, quạt… được chú ý làm đề tài để đố: Thân em xưa ở bụi tre/Mùa đông xếp lại, mùa hè mở ra? - (quạt giấy).
Hoặc: Có răng mà chẳng có mồm/Nhai cỏ lồm nhồm, cơm chả chịu ăn? - (là cái liềm cắt lúa).
Thật là hóm hỉnh khi ra câu đố về cái cối xay lúa: Đứng im thin thít giữa nhà/ Đến khi đổ thóc, lại òa kêu lên? (cối xay lúa)
Và đây là phát hiện ra cây hương qua câu đố: Chân đỏ mình đen/Đầu đội hoa sen/Lên chầu Thượng đế (là gì?)
Tới đây ta thấy rằng tri thức của câu đố là thực tiễn, vì nó nhằm nhận thức những đặc trưng về hình thể, chức năng, nguồn gốc của chúng.
Cũng như các thể loại văn học khác, câu đố có những đặc trưng thẩm mỹ nhất định:
Trước hết hình thức câu văn ngắn gọn: Vừa bằng lá tre, xun xoe đánh vật? - (cái kéo); Muốn cao ngồi xuống? - (là con chó)
Câu đố có ngôn ngữ được cấu tạo cân đối, nhịp điệu: Cái gì không gõ mà kêu/Không kều mà rụng? (sấm và mưa)
Hoặc là: Vừa bằng cái vung, vùng xuống ao, đào không thấy, lấy không được… (là gì?) - (Là bóng mặt trời, mặt trăng chiếu xuống ao)
Câu đố lại có vần, như một bài thơ, trẻ con dễ nhớ: Hàng trăm cái lỗ, vô số trẻ con, đua chạy vòng tròn, chen nhau chui xuống - (là cái sàng và công việc sàng gạo)
Có những câu đố nghe thanh thoát như bài ca dao, giàu hình tượng:
Một mẹ sinh được vạn con/Rạng ngày chết hết chỉ còn một cha/Mặt mẹ xinh đẹp như hoa/Mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn (là cái gì?) - (trăng sao và mặt trời)
Còn đây là cách nói một đằng, hiểu một nẻo của câu đố: Một đàn cò trắng phau phau/Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm (là cái gì?)
Người ra đố còn hỏi rằng là cái gì, chứ không phải con gì? Rồi được giải thích rằng: Là những cái bát ăn cơm, xong bữa được rửa ráy sạch sẽ và nằm trong chạn bát!
Lại có khi dùng ngôn ngữ to tát, phảng phất như câu chuyện thế thái nhân tình, mà chỉ để nói một điều rất giản dị: Trên vì nước, dưới vì nhà/Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi trời (là cái gì?) - (Là cái máng nước)
Thì ra câu đố đã khéo léo vận dụng trí thông minh, và những hiểu biết về thế giới khách quan để khám phá cho được những sự vật, hiện tượng đã được câu đố trình bày một cách ẩn dụ, nửa kín, nửa hở như thế.
Ví như đố cây cau: Mình rồng, đuôi phượng le te/Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con.
Câu đố đưa ra, tha hồ tưởng tượng, so sánh, khám phá. Người ta loại trừ dần các chi tiết không phù hợp, còn lại là nội dung của phần giải đố. Đó là bài học thường thức đầu tiên về thế giới, sự vật, quanh mình, những bài học kích thích óc phán đoán và suy xét. Suy cho cùng cũng là chức năng giáo dục, nhận thức.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Arixtos xếp tục ngữ và câu đố vào lĩnh vực "sự bắt chước" có "NGHỆ THUẬT" đã định nghĩa câu đố là "một kiểu ẩn dụ hay" và coi cái hay đặc biệt là ở chỗ trong khi nói cái tồn tại thực tế, câu đố cũng đồng thời kết hợp cả những cái hoàn toàn không thể có được.
Trong văn học dân gian, câu đố còn được dùng như một thành phần hữu cơ trong các thể loại khác. Như hát đố, hát ví, hát trống quân trong diễn xướng dân gian. Khi nghe các nghệ sĩ dân gian hát trống quân, ta thấy yếu tố đố ở trong đó:
Cái gì mà thấp, cái gì mà cao?
Cái gì sáng tỏ hơn sao trên giời?
Cái gì anh rải em ngồi?
Cái gì tơ tưởng ra chơi vườn đào?
Đây là câu hát trả lời:
Dưới đất thì thấp, trên trời thì cao
Ngọn đèn khêu sáng tỏ hơn sao trên giời
Chiếu hoa đây anh rải em ngồi
Đêm nằm tơ tưởng, ra chơi vườn đào…
Trong văn học thành văn, có khi câu đố được dùng một cách cải biến, có khả năng phản ánh kín đáo những vấn đề của xã hội.
Câu đố còn có khái niệm: Đố tục giảng thanh, nói thanh giảng tục. Người viết sẽ có dịp bàn tiếp.
Câu đố dân gian, chiếc chìa khóa mở vào tri thức trẻ thơ, những câu ca giàu hình ảnh, đánh thức sự liên tưởng của con người trước các sự vật hiện tượng và tình yêu đời sống làng quê.
Thật đáng tiếc, như bao trò chơi khác, những câu đố dân gian nay còn lại bao nhiêu?