Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ sau 19 năm xa cách
Tháng 9 năm 1980, cậu sinh viên Robert Shafran lần đầu bước chân đến trường Cao đẳng cộng đồng Sullivan County ở New York để làm thủ tục nhập học.
Đó là lần đầu tiên Robert bước chân đến ngôi trường đó, tất nhiên, chàng trai trẻ không hề quen biết ai và đang rất lạ lẫm với mọi thứ xung quanh, nhưng có một điều kỳ lạ xảy ra khiến Robert không thể nào hiểu nổi.
Những người bạn tay bắt mặt mừng, chào anh bằng những cái ôm thân mật cứ như thể đã quen biết từ lâu lắm rồi và họ gọi anh là Eddy chứ không phải Robert. Thấy rất lạ nhưng Robert vẫn tỏ ra vui vẻ đáp lại sự thân mật của các bạn.
Khi vào nhận phòng ký túc xá, gặp bạn cùng phòng tên Michael Domitz, Robert mới biết hóa ra trước đây có một anh chàng tên Eddy Galland từng học ở ngôi trường này.
Michael kể với Robert rằng anh trông rất giống với Eddy, không chỉ là ngoại hình mà còn cả cử chỉ, dáng đi, cách nói chuyện và ứng xử.
Sau cuộc nói chuyện, Michael mới biết rằng Robert sinh cùng ngày với Eddy và anh chàng này cũng được nhận nuôi.
Vậy là chỉ sau một cú điện thoại, Robert đã đứng trước mặt người anh em giống hệt mình.
Cuộc gặp gỡ "định mệnh" đó cho Robert và Eddy biết họ chính là anh em, cả hai đều sinh ngày 12 tháng 7 năm 1961 tại Long Island và sau đó được nhận nuôi bởi các gia đình khác nhau.
3 anh em Robert Shafran, Edward Galland và David Kellman bị chia rẽ từ khi mới lọt lòng mẹ.
Câu chuyện về cuộc gặp thật tình cờ và cũng đầy bất ngờ của hai anh em đã nhanh chóng lan truyền trên khắp các trang mạng xã hội, báo đài địa phương và sau đó là đài quốc gia.
Mẹ của David Kellman vô tình thấy bài báo về 2 anh em và nhận ra rằng con trai nuôi của mình cũng giống hệt họ.
Vậy là một cuộc gặp gỡ được sắp xếp để 3 anh em Robert Shafran, Edward Galland và David Kellman được đoàn tụ sau 19 năm xa cách.
3 anh chàng từ những kẻ vô danh trở nên nổi tiếng khắp nơi vì câu chuyện hội ngộ ly kỳ như phim ấy.
Họ xuất hiện trên các chương trình trò chuyện và cả trong bộ phim hài kịch "Desperately Seeking Susan" có sự góp mặt của Madonna.
Trả lời các câu hỏi của khán giả hâm mộ trong tập đầu của chương trình Phil Donahue, năm 1980, các chàng trai cho biết không chỉ giống nhau ở vẻ bề ngoài, họ còn có cách giao tiếp, cử chỉ và cả sở thích giống nhau dù không sống chung từ nhỏ.
Kiếm được tiền nhờ sự nổi tiếng bất ngờ, 3 anh em mở một nhà hàng ở New York có tên là Triplets.
Những tưởng đó là một cuộc đoàn tụ đầy hạnh phúc. Nhưng không, đó chỉ là khởi đầu cho một hành trình đi tìm sự thật khủng khiếp về sự chia cách của 3 anh em Robert, Eddy và David khi mới lọt lòng mẹ...
Thí nghiệm tâm lý vô nhân đạo của một nhà tâm lý học
Các gia đình nhận nuôi bộ ba này bắt đầu đặt một loạt câu hỏi như tại sao người ta lại chia tách ba đứa trẻ và tại sao chính họ cũng không hề hay biết rằng con mình còn có anh em.
3 chàng trai cũng tò mò về cuộc sống bị tách biệt của mình, họ đã cất công tìm hiểu và biết được sự chia cách của họ là một thí nghiệm tâm lý tàn nhẫn của ông tiến sĩ Peter Neubauer, một bác sĩ tâm thần nổi tiếng tại Viện Tâm thần của Đại học New York.
Ông ta nhẫn tâm chia cách 3 đứa trẻ để thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của bẩm sinh và việc nuôi dưỡng.
Họ bị sử dụng làm "chuột bạch" cho một công trình nghiên cứu y học về đặc tính bẩm sinh của những trẻ sinh cùng trứng, những phát triển khác biệt khi được nuôi dưỡng và giáo dục trong những môi trường khác nhau.
Ông tiến sĩ Peter Neubauer cùng một vài đồng nghiệp đã liên hệ với đơn vị cho nhận con nuôi Louise Wise Services để thực hiện "cuộc nghiên cứu các trường hợp song sinh", bao gồm việc chia tách các cặp song sinh hay bộ sinh ba, cho họ làm con nuôi những gia đình khác nhau và nghiên cứu sự phát triển của họ.
Robert, Eddy và David khi mới chào đời.
Robert, Eddy và David, chào đời vào ngày 12/7/1961, đã được cho làm con nuôi ở 3 gia đình khác biệt và không biết gì về nhau, cách nhau gần 161km.
Ngay từ nhỏ, cả 3 đã thể hiện những dấu hiệu đáng sợ từ ảnh hưởng của cuộc thử nghiệm. Bố mẹ nuôi của từng người tiết lộ khi 3 tuổi, con họ đều rất dễ nổi khùng, phá phách và có hành động đập đầu vào thành cũi.
Một trong 3 anh em khi còn nhỏ.
Cả ông Neubauer và đơn vị cho nhận con nuôi Louise Wise Services không hề nói cho các gia đình nhận con nuôi rằng chúng còn có anh em song sinh mà chỉ thông báo rằng chúng là một phần trong cuộc nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em.
Họ chỉ được cho biết rằng những em bé này đang tham gia một "nghiên cứu về thói quen phát triển ở thời thơ ấu" và họ buộc phải đồng ý tham gia nghiên cứu để có cơ hội được nhận nuôi một trong những bé trai đó.
Ông Neubauer chọn những gia đình mà ở thời điểm nhận con nuôi họ đã có một bé gái khoảng 2 tuổi, mức độ giàu có thì khác nhau, một nhà trung lưu (Eddy), một nhà thuộc tầng lớp lao động (David) và một nhà thượng lưu (Bobby).
Các ông bố của họ, cũng mỗi người một kiểu, bố David là chủ một cửa hàng tạp hoá, là người nồng nhiệt, yêu thương, bố Bobby là một bác sĩ thường xuyên vắng nhà, còn Eddy thì có một ông bố "kỳ quặc".
Những đứa trẻ được theo dõi sát sao trong suốt cuộc đời. Mỗi năm một lần, mỗi gia đình đến Trung tâm Phát triển Trẻ em Manhattan, để làm các bài kiểm tra đánh giá.
Các nhà tâm lý học quay phim và ghi lại những đánh giá này, cũng như các cuộc phỏng vấn với những đứa trẻ và gia đình họ.
Trong suốt 10 năm, ông Neubauer đã lần lượt đến thăm các bé trai này nhưng chưa bao giờ "hé răng" nửa lời về việc họ còn có anh em.
Ngay cả khi các chàng trai đã đến tuổi vị thành niên, các nhà khoa học vẫn tiếp tục theo dõi họ và âm thầm thu thập dữ liệu cho cuộc nghiên cứu của mình.
Claire Kellman, mẹ nuôi của David, tiết lộ trong bộ phim tài liệu rằng David dường như cảm nhận được điều gì đó.
Bà cho biết: "David bắt đầu biết nói rất sớm. Tôi nhớ có lần thằng bé thức dậy và nói rằng con có một người anh trai. Sau đó tôi nói với David về "người anh em tưởng tượng" của thằng bé".
Sau cuộc hội ngộ giữa các chàng trai, các gia đình vô cùng tức giận nhưng họ không thể làm gì được vì dường như không có luật cấm ông Neubauer và đồng nghiệp của ông ta thực hiện cuộc thử nghiệm như vậy.
Bị kịch đau đớn vẫn xảy ra...
Vài năm sau, Eddy qua đời ở tuổi 33 vì mắc bệnh trầm cảm nặng.
Còn Robert và David thì vẫn luôn đi tìm một lời xin lỗi từ những cá nhân và tổ chức có liên quan đến sự chia rẽ 3 anh em họ từ khi vừa mới chào đời bởi họ hiểu rằng mình chẳng khác gì những con chuột trong phòng thí nghiệm về bệnh tật.
Năm 2008, ông tiến sĩ Peter Neubauer qua đời nhưng mọi thứ vẫn chưa được sáng tỏ.
Bởi tất cả các bản ghi chép lưu tại Đại học Yale của ông đều được bảo mật cho tới năm 2065 - một quãng thời gian đủ lâu để những người tham gia thử nghiệm đều không còn trên cõi đời này nữa.
2 trong số 3 anh em còn sống sau khi Eddy tự tử do trầm cảm.
Nancy Segal, một nhà tâm lý học cũng là tác giả của cuốn sách mang tên "Accidental Brothers", đã có dịp gặp bác sĩ Neubauer trước khi ông chết. Cô nói với tờ Times: "Điều làm tôi bất ngờ nhất là ông ấy hoàn toàn không hối hận vì những gì đã làm.
Ông ấy vẫn cảm thấy mình đã làm đúng". Segal nói thêm rằng nghiên cứu của Neubauer cho thấy "gen có một ảnh hưởng mạnh hơn chúng ta nghĩ" và rằng hầu hết các cặp song sinh bị chia rẽ trong nghiên cứu của ông Neubauer khi lớn lên đều "rất giống nhau".
Câu chuyện về cuộc đời của 3 chàng trai Robert, Eddy và David đã được dựng thành phim tài liệu mang tên "Three Identical Strangers" (Ba người lạ giống nhau) của đạo diễn Tom Wardle.
Bộ phim đã nhận giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim Sundance năm 2018. Sau khi bộ phim được công chiếu, đã có nhiều ý kiến tranh cãi được đưa ra, người thì ủng hộ ông Neubauer, người lại cho rằng làm như thế là quá tàn nhẫn.