Câu chuyện về 14 ngôi mộ không hài cốt của phi công Triều Tiên tại Việt Nam

Ngọc Minh |

Trên địa bàn của xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, có một nghĩa trang liệt sĩ tọa lạc trên một mô đất nhỏ nhìn về phía quốc lộ. Nhưng có một điều đặc biệt ít ai biết, đây là một nghĩa trang quốc tế được xây dựng để tưởng nhớ đến những phi công Triều Tiên đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập của nước ta…

Một thời khói lửa

Tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ tạo chứng cứ giả, với sự kiện Vịnh Bắc Bộ, bất ngờ tấn công vào cảng Hải Phòng, đã chính thức đánh dấu cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta lan rộng ra phạm vi cả nước.

Khi ấy, với sự giúp đỡ của người anh em Liên Xô, những chiếc máy bay MiG-17, MiG-19 đã được cải tiến để bàn giao cho phi công Việt Nam để nghiên cứu, sử dụng cho cuộc chiến tay đôi với máy bay Mỹ. Và nhờ sự giúp đỡ đó, hàng loạt chiến đấu cơ hiện đại như máy bay siêu âm F4, F6… đã bị hạ gục.

Một thời gian ngắn sau đó, nhờ sự sáng tạo thông minh của quân đội Việt Nam, những chú én bạc Liên Xô được nâng cấp cải tiến thêm để trở nên mạnh mẽ hơn trước khí tài hiện đại của Đế quốc Mỹ.

Theo nguyên bản được bàn giao cho quân đội Việt Nam, những chiếc én bạc chỉ được trang bị một khẩu pháo 37 ly, nhưng nhận thấy chỉ như vậy thì rất khó đối phó với những chiếc máy bay hiện đại của địch, các cán bộ kỹ thuật của không quân Việt Nam đã bỏ nhiều thời gian, ngày đêm nghiên cứu, lắp ghép thêm một khẩu pháo để tăng hỏa lực và cải tiến một số chi tiết để có thể vận hành dễ dàng hơn.

Mặt khác, các bài học cho phi công không ngừng được cải tiến cùng với sự sáng tạo của chính những chiến sỹ đã có nhiều kỹ năng lái cực "độc".

Câu chuyện về 14 ngôi mộ không hài cốt của phi công Triều Tiên tại Việt Nam - Ảnh 1.

Khuôn viên nghĩa trang của phi công Triều Tiên.

Những chiếc én bạc Liên Xô đã trở thành một hệ thống hỏa lực nguy hiểm, gieo bao sợ hãi cho những phi công Mỹ khi hoạt động ở vùng trời miền Bắc Việt Nam. Với những cú quay đầu bổ ngoặt, thoắt ẩn thoắt hiện bất ngờ, những chiếc F4, F6 hay máy bay cánh cụp cánh xòe F111 luôn phải chào thua.

Từ những chiến công vang dội, danh tiếng của không quân Việt Nam, đặc biệt là quân dân miền Bắc đã bay đi khắp thế giới. Rồi danh tiếng ấy đã bay đến tận CHDCND Triều Tiên - đất nước cũng đang tham gia vào cuộc chiến chống Mỹ.

Tỏ lòng ngưỡng mộ trước những thành tích mà quân đội Việt Nam đạt được, ngay trong năm 1965, quân đội CHDCND Triều Tiên đã cử 14 chiến sỹ và sĩ quan không quân Triều Tiên sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm chiến đấu.

Nơi tiếp nhận huấn luyện và truyền thụ kinh nghiệm cho 14 chiến sỹ phi công của CHDCND Triều Tiên là đơn vị không quân thuộc Cục Phòng không không quân, đang trú đóng và chiến đấu tại sân bay dã chiến Kép, thuộc Hà Bắc cũ, giờ thuộc xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Tại đây, 14 chiến sỹ Triều Tiên đã được những sĩ quan giàu kinh nghiệm nhất của không quân Việt Nam chỉ bảo tận tình, truyền đạt tỉ mỉ tất cả những kỹ thuật lái máy bay Mic 17, Mic 19 cùng các chiến thuật lái và chiến đấu.

Khóa huấn luyện diễn ra nhanh chóng và đạt được kết quả tốt ngoài dự định. Do đó, ngay trong năm 1965, khi Đế quốc Mỹ tăng cường bắn phá, hàng ngàn tấn bom đạn được các loại máy bay hiện đại trút xuống miền Bắc một cách điên loạn, các chiến binh của không quân Triều Tiên đã xin được xung phong ra trận với một phi đội hoàn toàn là các phi công Triều Tiên.

Phi đội 14 người này đã chiến đấu dũng cảm, liên tiếp áp sát, tấn công các máy bay địch. Đặc biệt, với tinh thần quyết tử và ý chí chiến đấu cực cao, khi xuất phát, không chiến sỹ nào yêu cầu trang bị dù cũng như các thiết bị thoát hiểm.

Theo họ, đã chiến đấu là phải tiêu diệt được quân địch và bằng mọi giá phải bảo vệ được phi cơ, nếu phi cơ mất thì người sẽ hy sinh theo.

Với tinh thần quả cảm, đối chọi với lực lượng máy bay hùng hậu của Đế quốc Mỹ, ngày 24/9/1965, khúc tưởng niệm bi thương đầu tiên của phi đội Triều Tiên đã vang lên trên bầu trời Hà Bắc.

Chàng chiến sỹ phi công trẻ tuổi nhất trong số 14 người tên Ươn-Hông-Xang đã anh dũng hy sinh trong một cuộc tiêm kích. Đau thương lại tiếp nối, đến năm 1967, 12 chiến sỹ của phi đội Triều Tiên đã tử trận.

Trước cảnh các đồng đội đã hy sinh hết, người phi công cuối cùng của đội bay Triều Tiên là Kim-Chi-Hoan vẫn anh dũng chiến đấu cùng các phi công của không quân Việt Nam.

Vào ngày 12/2/1968, anh cũng đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại kẻ thù tàn bạo. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 3 năm, 14 chiến sỹ Triều Tiên được cử sang học hỏi và chiến đấu ở Việt Nam đều đã hy sinh anh dũng.

Câu chuyện về 14 ngôi mộ không hài cốt của phi công Triều Tiên tại Việt Nam - Ảnh 2.

Hàng bia mộ với dòng chữ Triều Tiên ghi tên các liệt sĩ.

Những chuyện lạ chưa kể

Tìm đến nhà của ông Dương Văn Dậu - một cựu chiến binh đã trông coi nghĩa trang của các liệt sĩ Triều Tiên gần chục năm nay.

Tuy ông Dậu không có nhà vào thời điểm đó, nhưng vợ ông - bà Thiện đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin về nghĩa trang này. Nhìn ra phía khoảng sân đang gắt nắng, bà Thiện như đang lục tìm trong kí ức những hình ảnh của người phi công nước bạn Triều Tiên.

Bà Thiện kể lại, sau khi các phi công Triều Tiên hy sinh anh dũng trong lúc chiến đấu, thi thể của các chiến sỹ được bà con quanh vùng tìm thấy và đưa về sân bay Kép để an táng. Sau đó, đích thân một vị tham tán của Đại sứ quán Triều Tiên tại nước ta đã về và xin phép chính quyền để chọn một khu đất làm nghĩa trang an nghỉ cho các chiến sỹ.

Sau một thời gian chọn lựa kỹ lưỡng, cuối cùng vị tham tán này đã chọn ngọn đồi Rừng Hoàng, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) này để làm nghĩa trang. Cổng nghĩa trang được quay về phía Đông hướng sang đất nước Triều Tiên.

Bà Thiện cho biết: "Khi tiến hành chôn cất, bên cạnh mỗi chiếc áo quan còn được được đặt một con cá chép hồng và một chú chó đen. Theo phong tục của người Triều Tiên, người mất được chôn cất cùng cá chép hồng bắt được ở sông và con sông đó phải chảy trực tiếp ra biển thì linh hồn họ sẽ được siêu thoát.

Những con cá đó đưa theo dòng sông ra biển nước bao la xanh thẳm để trở về quê hương".

Vào thời điểm ấy, việc tìm được cá chép hồng theo đúng yêu cầu rất khó nhưng vẫn có một người dân làm nghề chài lưới tại đây cùng gia đình bỏ nhiều thời gian đi tìm những con cá chép hồng đúng theo nguyện vọng của người Triều Tiên. Điều đó thể hiện bản tính chân thực của người nông dân Việt Nam, và có lẽ điều đó đã làm vong linh của những liệt sỹ Triều Tiên phải cảm phục.

Câu chuyện về 14 ngôi mộ không hài cốt của phi công Triều Tiên tại Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Thiện kể lại những câu chuyện liên quan đến nghĩa trang.

Gia đình người nông dân tốt bụng về sau gặp được nhiều may mắn trong công việc, dần dần kiếm được nhiều tiền và chuyển lên bờ sống.

Trong làn mưa bom bão đạn của giặc Mỹ năm 1972, máy bay Mỹ khi trút bom xuống khu vực sân bay Kép như trút nước, thì may mắn, lúc bom Mỹ ném xuống nhà của người nông dân này thì cả nhà ông đều không có nhà và thoát chết.

Sau đó nhiều năm, dường như để cảm tạ vong linh các liệt sỹ Triều Tiên đã phù hộ cho gia đình, người này vẫn thường xuyên đến nghĩa trang để thăm viếng những liệt sỹ ấy. Điều kỳ lạ là mỗi lần ông về nhang khói ở nghĩa trang thì trời lại đổ mưa.

Ông ấy không tránh mà cứ đứng lặng thinh bên những tấm bia, ai hỏi ông cũng không nói gì mà chỉ nhìn xa xăm về phía hai hàng bia mộ.

Nghĩa trang ấy vẫn tồn tại trên khu đồi Rừng Hoàng và người dân xã Tân Dĩnh qua biết bao năm tháng chiến tranh.

Cứ mỗi năm, đến ngày 25 tháng 4 là ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Triều Tiên, nhiều quan chức của nước bạn cùng người nhà của các chiến sĩ cũng đến thăm nghĩa trang này để đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh anh dũng.

Đến năm 2004, chính quyền Triều Tiên đã xin phép được chuyển hài cốt của những liệt sỹ về quê hương. Bà Thiện kể cho tôi nghe với sự bồi hồi:

"Người Triều Tiên đã đến đây thăm nghĩa trang rất nhiều lần, lần nào họ đến cũng đối xử với những người dân xung quanh đây rất thân thiết khiến chúng tôi rất cảm động. Năm 2004 khi chính quyền Triều Tiên tổ chức lễ đưa hài cốt các liệt sĩ trở về, tôi và nhiều người còn rớt nước mắt như sắp phải xa một người thân của mình…"

Lúc tiến hành đưa hài cốt lên, những người đến xem không ai cầm được nước mắt khi thấy ngôi mộ thứ 13 là mộ trống vì người chiến sỹ này đã không tìm được xác, còn người thứ 14 thì thân thể vẫn chưa tan hết dù sau gần 40 năm nằm lại dưới lòng đất.

"Khi có đoàn khách Triều Tiên về viếng thăm nghĩa trang thì bát hương chính của nghĩa trang lại bắt lửa và hóa. Năm 2004 cũng vậy, khi vừa hoàn tất việc đưa hài cốt lên, bát hương chính của nghĩa trang cũng phát lửa và cháy rụi. Đó như là một lời cảm ơn tới những người dân Việt đã chăm sóc nơi này trong suốt bao năm qua", bà Thiện nhớ lại.

Sau khi chính quyền Triều Tiên chuyển hài cốt đi, khu đồi hơn 1.000m2 có cây cối bao bọc đã được tỉnh Bắc Giang đầu tư xây dựng thành một đài tưởng niệm các chiến sỹ phi công Triều Tiên.

Ở đó vẫn còn những tấm bia mộ ghi tên các chiến sỹ bằng tiếng Triều Tiên như để tưởng nhớ đến sự hy sinh anh dũng ấy của họ. Và dù không còn hài cốt, những khu nghĩa trang này vẫn mang ý nghĩa tinh thần, tâm linh đối với những người dân địa phương…

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân trong thời gian đó cho biết, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, năm 1966, Đoàn không quân chiến đấu CHDCND Triều Tiên với gần 150 người sang Việt Nam. Đoàn được giao cho Trung đoàn 923 (đóng tại Kép, Lạng Giang, Bắc Giang) quản lý. Toàn bộ máy bay, lương thực, thuốc men... do quân đội Việt Nam cung cấp.

Trong số quân nhân Triều Tiên, 24 người được giao máy bay chiến đấu (14 người được giao máy bay MIG 17B, 10 người được giao MIG 17C). 113 người thực hiện nhiệm vụ tham mưu, chính trị, hậu cần dưới sự chỉ huy của thượng tá Kim Chang Xơn.

Theo tướng Hy, sơ kết đợt đầu chiến đấu năm 1966 - 1969, không quân Việt Nam bắn rơi 222 máy bay Mỹ, bắt sống 51 giặc lái, trong đó những chiến sĩ không quân Triều Tiên đã bắn rơi 26 chiếc. Ngoài những người đã hy sinh, nhiều chiến binh Triều Tiên tham gia chiến đấu ở Việt Nam khi trở về được Nhà nước Triều Tiên phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại