Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng '5 xu 1 hào' đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều

ĐINH ANH |

Với khả năng kiếm tiền khủng khiếp của gia tộc Walton, bạn có thể tưởng tượng rằng gia đình này sẽ bỏ túi thêm được khoảng 23.000 USD (533 triệu đồng) khi bạn mới nhìn qua bài viết này.

Trong danh sách 25 gia tộc giàu nhất thế giới năm 2021 do Bloomberg thực hiện, Walton là gia tộc giữ vị trí đầu bảng. Bất chấp dịch Covid-19, trong 12 tháng của năm 2021, gia đình Walton, người đứng sau đại siêu thị Walmart kiếm được 23 tỷ USD, nâng tổng tài sản lên 238 tỷ USD, nhiều hơn gần 100 tỷ USD so với gia tộc giàu thứ hai thế giới là Mars (141,9 tỷ USD).

Theo số liệu thống kê năm 2019 của Bloomberg, 70.000 USD (1,6 tỷ đồng) mỗi phút, 4 triệu USD (92 tỷ đồng) mỗi giờ, 100 triệu USD mỗi ngày là con số đáng kinh ngạc về tốc độ kiếm tiền của gia tộc này.

Câu chuyện về sự giàu có này bắt nguồn từ Sam Walton, người sáng lập nên Walmart.

Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng 5 xu 1 hào đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều - Ảnh 1.

Sam Walton sinh ra trong một gia đình nghèo tại một thị trấn nhỏ ở bang Oklahoma (Mỹ) vào năm 1918. Nhận thức được vai trò của mình là phải hỗ trợ chứ không thể dựa dẫm vào gia đình, ông đã bắt đầu đi giao báo từ năm 8 tuổi cho đến khi vào đại học. Trong thời sinh viên Sam cũng trải qua đủ nghề để nuôi sống bản thân cũng như trang trải cho việc học tập.

Năm 1945, Sam Walton bắt đầu làm việc ở một đại lý của Ben Franklin tại Newport, Arkansas. Tại đây, với chiến lược bán rẻ, ông đã giúp doanh số bán hàng của đại lý tăng từ 80.000 USD đến 225.000 USD chỉ trong ba năm. Tuy nhiên ngay sau đó, ông phải rời vị trí cửa hàng trưởng vì chủ nhà muốn lấy lại cửa hàng cho con trai.

Điểm dừng chân tiếp theo của Sam là Bentonville, Arkansas, nơi ông mở cửa hàng Walton "5 xu và 1 hào" (Walton Five & Dime) đầu tiên theo nhượng quyền thương mại của Ben Franklin.Trước khi chuyển thành Walmart, Walton đã mở 14 cửa hàng nhỏ "5 xu và 1 hào" từ năm 1951 đến năm 1962.

Mô hình kinh doanh của Walton dựa trên một niềm tin mãnh liệt rằng cửa hàng giảm giá có thể phát triển tốt ở các thị trấn nhỏ và nếu bán các sản phẩm ở mức giá rẻ nhất thì theo thời gian lợi nhuận sẽ tăng lên. Ông đề xuất với anh em nhà Butler ở Ben Franklin cắt giảm lợi nhuận tuy nhiên không được chấp thuận.

Sam đã quyết định ra kinh doanh riêng. Lấy cảm hứng từ sự thành công ban đầu của cửa hàng "5 xu 1 hào" và động lực mang lại cơ hội và giá trị lớn hơn cho khách hàng, ông thành lập cửa hàng bán lẻ đầu tiên lấy tên Walmart vào năm 1962 tại Rogers, Arkansas.

Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng 5 xu 1 hào đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều - Ảnh 2.

Chỉ 6 năm sau đó, Walmart được mở rộng ra ngoài tiểu bang Arkansas. Đến ngày 31/10/1969, Walmart trở thành một công ty. Mùa xuân năm 1971, lần đầu tiên cổ phiếu của Walmart đã được chia 100% và bán trên thị trường với giá 47 USD.

Sau khi mua lại hàng loạt các cửa hàng nhỏ hơn và mở rộng sang các tiểu bang, Walmart đánh chiếm các lĩnh vực khác như mở hiệu thuốc, dịch vụ ô tô và cửa hàng bán đồ trang sức. Chiến lược hạ thấp giá thành sản phẩm của Walton được áp dụng cho tất cả các mặt hàng từ tiêu dùng thiết yếu đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu khác.

Ở sinh nhật lần thứ 18, Walmart trở thành công ty phát triển nhanh nhất với mức doanh thu đạt 1 tỷ USD. Thời điểm đó Walmart gồm 276 cửa hàng chính, 21.000 cửa hàng liên kết và doanh thu bán lẻ đạt 1.248 tỷ USD.

Trong những năm 1980, Walmart tiếp tục mở rộng ra khắp Hoa Kỳ và bắt đầu mở trung tâm thương mại đầu tiên. Theo New York Times, đến năm 1991, chuỗi siêu thị của ông đã vượt qua Sears, Roebuck & Company để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất quốc gia. Vào ngày 1/4/1991, Walmart có 1.735 cửa hàng ở 42 tiểu bang, cũng như 2 cửa hàng ở Mexico.

Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng 5 xu 1 hào đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều - Ảnh 3.

Khi Walmart bắt đầu mở siêu thị ở một thành phố mới, đế chế này làm ăn thắng lợi nhanh chóng bằng một chiêu đơn giản nhưng hiệu nghiệm: giá cả luôn thấp hơn khoảng 15% giá của đúng loại hàng đó bán ở nơi khác.

Một trong những phát kiến bán lẻ của Sam Walton là phá bỏ được chu kì cao thấp kéo dài hàng chục năm trong giá bán các sản phẩm tiêu dùng. Ví dụ, một mặt hàng như nước giải khát Coke sẽ có một giá bán lẻ tiêu biểu chẳng hạn 1,37 USD với loại chai 2 lít, và cứ vài tuần lại được bán giảm giá chẳng hạn 1,09 USD hay thậm chí 99 xu.

Bất kỳ ai thường mua sắm đều quen thuộc với những đợt khuyến mãi chỉ kéo dài trong vài ngày. Những người tiêu dùng khôn ngoan chẳng bao giờ trả 1,39 USD cho một chai Coke, họ chỉ mua tích trữ khi giá bán là 99 xu.

Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng 5 xu 1 hào đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều - Ảnh 4.

Những đợt giảm giá khuyến mại này được lên lịch trước từ lâu nhưng chúng vẫn tạo ra những chu kì tiêu thụ không ổn định. Người tiêu dùng thành ra nghiện với giá bán rẻ hơn và chống lại giá bán tiêu chuẩn.

Các hãng cung cấp cũng nghiện với những đợt bùng nổ sản lượng do việc giảm giá khơi mào, nhưng cũng cần phải bán với giá tiêu chuẩn để duy trì một biên độ lợi nhuận hợp lý. Những cửa hàng phân phối thì "phát khùng" vì trữ hàng cho những đợt khuyến mại.

Để trừ khử những chuyện đó, người đứng đầu Walmart muốn những hãng bán hàng cho mình cộng hết tất cả các khoản giảm giá của các đợt khuyến mại trong năm và trừ vào trị giá sản phẩm của nguyên một năm. Kết quả là giá bán lẻ thấp và cố định của từng ngày.

Để làm được điều này, Walmart phải tận dụng triệt để mọi cơ hội để giảm giá thành đầu vào, bao gồm chi phí vận hành, lương nhân viên và giá thu mua sản phẩm. Người đứng đầu Walmart thường dàn xếp sao cho các công ty cung cấp sản phẩm tính luôn giá bản của các đợt giảm giá nằm trong kế hoạch đã lên từ trước như Giáng sinh hoặc dịp Hè vào giá bán cả năm. Nói cách khác, sản sản phẩm bày bán trong siêu thị của Walmart được giảm giá quanh năm thay vì 50% hoặc hơn vào dịp Giáng sinh.

Thậm chí đế chế bán lẻ này từng ép các nhà cung cấp sản phẩm khử mùi cơ thể loại bỏ phần hộp đựng bên ngoài bằng giấy. Sáng kiến này giúp cắt giảm được vài xu trên mỗi sản phẩm, trong đó nhà cung cấp được giữ lại một nửa, phần còn lại Walmart chuyển vào tay khách hàng. Đến nay, hầu hết các lọ khử mùi cơ thể đều được bày bán trong một chiếc lọ bằng nhựa hoặc thủy tinh mà không có hộp giấy bên ngoài.

Có thể nói, Sam Walton không phát minh ra bán lẻ cũng giống như Henry Ford không phát minh ra ô tô. Nhưng dây chuyền lắp ráp của Ford đã cách mạng hóa ngành công nghiệp, việc Walton kiên trì theo đuổi chiết khấu đã cách mạng hóa nền kinh tế dịch vụ của Mỹ. Không chỉ đơn thuần thay đổi cách thức mua sắm của người Mỹ mà ông còn thúc đẩy sự chuyển dịch quyền lực từ nhà sản xuất sang người tiêu dùng.

Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng 5 xu 1 hào đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều - Ảnh 5.

Sở Thuế vụ Mỹ đã rút ra quy luật "không giàu quá ba đời " qua theo dõi và nghiên cứu 400 người nộp thuế cao nhất từ năm 1992 đến 2000, chỉ 13% có mặt trong danh sách này nhiều hơn 2 năm. Nhà kinh tế học người Mỹ Gregory Clark, Đại học California, tin rằng một nửa số con cái của các gia đình thuộc tầng lớp trên, cuối cùng sẽ bước xuống tầng lớp xã hội thấp hơn.

Tuy nhiên, đối với gia tộc Walton, những người đứng sau chuỗi siêu thị bán lẻ Walmart đã tránh được lời nguyền. Kể từ thế hệ Sam Walton đến khi trở thành gia tộc giàu nhất thế giới năm 2019, gia đình này đã trải qua 3 thế hệ liên tục phát triển.

Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng 5 xu 1 hào đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều - Ảnh 6.

Vợ chồng Sam, Helen và 4 con Rob, John, Jim, Alice. Ảnh: Bloomberg

Sự cường thịnh của gia tộc Walton liên quan rất nhiều đến giá trị của vợ chồng Sam và ảnh hưởng của họ đối với các thế hệ tương lai. Ông và vợ mình đều là những người Mỹ điển hình, sinh ra và lớn lên ở các thị trấn nhỏ, với các giá trị: coi trọng quan hệ gia đình, phản đối chủ nghĩa duy vật, coi trọng sự phấn đấu cá nhân và chăm làm từ thiện...

Các thành viên trong gia đình ông luôn hòa thuận, họ cùng trưởng thành, và lựa chọn lối sống đạm bạc. Ngay cả khi trở thành người giàu nhất nước Mỹ năm 1985, ông vẫn quen mặc một chiếc áo bình dân và lái một chiếc xe bán tải cũ.

Cả 2 vợ chồng ông đều có phương pháp nuôi con nghiêm khắc. "Tôi không có điểm kiểm tra dưới A khi còn đi học. Các con cũng phải có điểm kiểm tra A", Helen - vợ của Walton chia sẻ. Còn ông Sam thì nói: "Các con tôi có thể cảm thấy bị đối xử như nô lệ khi còn nhỏ. Tại sao không để chúng làm việc nhà và hiểu được giá trị của sức lao động".

Robson con trai cả của Sam nhớ lại: "Hồi đó chúng tôi luôn làm việc ở cửa hàng, lau sàn, dọn nhà cửa. Cha mẹ cho tôi ít tiền tiêu vặt hơn nhiều bạn bè, đôi khi khiến chúng tôi còn tưởng nhà mình nghèo. Cha tôi cũng yêu cầu tôi đầu tư tiền túi vào cửa hàng. Tất nhiên, khoản đầu tư này sau đó đã giúp tôi trả tiền mua nhà".

Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng 5 xu 1 hào đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều - Ảnh 7.

Robson Walton là người con trai lớn nhất trong gia đình này. Ông giữ chức chủ tịch Walmart cho đến năm 2015

Trước khi qua đời, Sam đã viết cuốn hồi ký với mục đích là "lưu trữ cho các cháu và chắt của mình để chúng không có thói quen ngông cuồng".

Năm 1992, Sam Walton qua đời. Gia đình Walton đối mặt với việc làm thế nào để giải quyết số vốn sở hữu và ai sẽ là người tiếp quản. Nhiều nhà phân tích cho rằng gia tộc này sẽ chọn cách bán 50% cổ phiếu của công ty để lấy tiền mặt.

Tuy nhiên, ước nguyện của ông Sam là hy vọng các con kiên quyết nắm giữ tài sản. Vì vậy hầu như tất cả tài sản của gia đình Walton đã được duy trì trong cổ phiếu của Walmart. 10 năm sau khi ông Sam qua đời, giá trị thị trường của Walmart tăng 8 lần. David Glass, cựu Giám độc điều hành của Walmart từng nhận xét: "Đây không phải là khái niệm mà mọi doanh nghiệp gia đình có thể có. Nhà Walton có tầm nhìn xa".

Thế hệ thứ 2 của nhà Walton lên kế nhiệm là chủ tịch Robson Walton, người chèo lái con thuyền Walmart suốt 20 năm. Ông đã có công đưa doanh thu bán hàng của Walmart tăng gấp 5 lần, lên hơn 400 tỷ USD mỗi năm, lợi nhuận cũng tăng 22 tỷ USD.

Trong suốt thời kỳ phát triển rực rỡ trong tay thế hệ thứ hai nhà Walton (từ năm 1992 đến 2015), Walmart vẫn là chuỗi bán lẻ lớn nhất nước Mỹ và gia đình này dần đặt chân vào bảng xếp hạng những gia tộc giàu nhất hành tinh.

Câu chuyện thần kỳ của gia tộc kiếm 1,6 tỷ đồng/phút: Từ cửa hàng 5 xu 1 hào đến ông vua bán lẻ của Mỹ, thành công nhờ bán rẻ lời nhiều - Ảnh 8.

Steuart Walton, một luật sư và doanh nhân, con trai của Jim Walton - chủ ngân hàng, trở thành người thừa kế của Walmart hiện nay

Sự chuyển giao quyền lực của đế chế bán lẻ diễn ra suôn sẻ. Năm 2016, Steuart Walton (con trai Jim Walton) được chọn là người tiếp theo chèo lái Walmart. Với tầm hiểu biết chiến lược trong lĩnh vực kinh doanh điện tử, Steuart nhanh chóng phát triển Walmart lên hơn 11.000 cửa hàng tại khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Steuart Walton cũng nối tiếp truyền thống của gia tộc với cuộc sống giản dị, trẻ trung. Luật sư và doanh nhân này có niềm đam mê sâu sắc với bộ môn leo núi, thể thao mạo hiểm và từ thiện.

Ngoại trừ Steuart Walton, các thành viên trẻ khác của gia tộc này không mấy khi xuất hiện trên mặt báo. Họ chọn một cuộc sống kín đáo, bình dị ở thị trấn nhỏ giống như truyền thống gia đình.

Nguồn: Insider, NYT, Entrepreneur

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại