Câu chuyện sống sót trên biển 5 tháng là bịa đặt?

PHẠM NGHĨA |

Hôm 31-10, những tình tiết trong câu chuyện hai phụ nữ Jennifer Appel và Tasha Fuiava mắc kẹt ở Thái Bình Dương hàng tháng trời được đem ra mổ xẻ.

Cách đây khoảng 1 tuần, 2 người phụ nữ nói trên và 2 con chó được giải cứu sau "5 tháng lênh đênh trên Thái Bình Dương" do thuyền bị chết máy.

Một chiếc tàu đánh cá của Đài Loan phát hiện ra thuyền của Appel và Fuiava trong vùng biển cách Nhật Bản gần 1.500 km về phía Đông Nam nên báo cho lực lượng tuần duyên Mỹ. Trước đó, 2 người phụ nữ định vượt biển từ đảo Hawaii đến Tahiti.

Appel và Fuiava đã kể lại một câu chuyện đầy kịch tính: những con sóng khổng lồ trong cơn bão nhiệt đới, thoát khỏi những con cá mập dài 6 m tấn công thuyền họ suốt 6 giờ và được giải cứu vào ngày cuối cùng nếu không cả 2 có thể chết.

Câu chuyện sống sót trên biển 5 tháng là bịa đặt? - Ảnh 1.

Jennifer Appel (trái) và Tasha Fuiava. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, 2 người phụ nữ cho biết họ đã gặp bão trong đêm đầu tiên ở ngoài khơi bờ biển Hawaii. Cơn bão kéo dài 3 ngày 2 đêm. Tuy nhiên, Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ nói rằng không có dấu hiệu của một cơn bão nhiệt đới trong khu vực vào thời điểm đó.

Chỉ có một cơn bão được ghi nhận gần Fiji vào ngày 3-5, cách nơi thuyền của 2 người phụ nữ gặp sự cố hàng ngàn km.

Hôm 30-10, một phát ngôn viên của lực lượng tuần duyên Mỹ cho hãng tin AP biết có một chiếc đèn hiệu khẩn cấp trên thuyền nhưng nó không được kích hoạt. Hai người phụ nữ ban đầu nói thuyền của họ được trang bị tất cả phương tiện liên lạc cần thiết nhưng toàn bộ đều ngừng hoạt động.

Câu chuyện sống sót trên biển 5 tháng là bịa đặt? - Ảnh 2.

Cô Appel hôn gió khi được lực lượng cứu hộ giải cứu. Ảnh: AP

Câu chuyện sống sót trên biển 5 tháng là bịa đặt? - Ảnh 3.

Cô Fuiava bước xuống thuyền cứu hộ. Ảnh: AP

Cựu nhân viên lực lượng tuần duyên Mỹ Phillip R. Johnson cho hay ông chưa bao giờ chứng kiến tất cả thiết bị liên lạc trên một con tàu/thuyền "đột tử" cùng một lúc. Appel và Fuiava cũng không đề cập việc họ có một phao vô tuyến chỉ báo vị trí cấp cứu (EPIRB).

Chỉ đến khi họp báo với lực lượng tuần duyên Mỹ, Appel mới xác nhận thuyền của cô có đèn hiệu khẩn cấp, được đăng ký hợp pháp. Người phát ngôn lực lượng tuần duyên Mỹ Tara Molle nói với AP: "Chúng tôi đã hỏi tại sao trong suốt quãng thời gian này họ không kích hoạt EPIRB".

Hai người phụ nữ lúc đầu còn khen thủy thủ trên tàu cá Đài Loan thân thiện nhưng sau đó "lo ngại họ sẽ làm hại mình". Appel và Fuiava cũng khẳng định tàu cá Đài Loan đâm vào thuyền họ khiến nó bị hư hỏng.

Tính đến ngày 30-10, nhà chức trách Mỹ vẫn đang xem xét vụ việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại