Câu chuyện #Metoo ở Nhật Bản: Khi nạn nhân của xâm hại tình dục lại bị xã hội nghi kị, chỉ trích thậm tệ

Skye |

Phong trào #Metoo đã thực sự gây chấn động thế giới cuối năm ngoái với nhiều câu chuyện về vấn nạn xâm hại tình dục. Tuy nhiên ở Nhật, không phải người phụ nữ nào cũng dám đứng lên nói ra quan điểm của mình vì đơn giản, nhiều người sẽ bị chỉ trích hay nghi kị.

Trên mạng xã hội, rất nhiều người dùng đã cáo buộc Rika Shiiki vì cho rằng cô nói dối và chỉ đang cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người khi cô đăng lại câu chuyện nhiều đối tác kinh doanh từ chối hợp tác sau khi cô từ chối quan hệ tình dục với họ.

Một số còn cho rằng khi cô đồng ý ăn tới với một người đàn ông, đó là tín hiệu cô đồng ý.

"Những bình luận tôi nhận được rất tiêu cực", - nữ sinh 20 tuổi đồng thời là một doanh nhân trẻ kể lại câu chuyện trên TV vào tháng 12 năm ngoái. "Chúng ta cần có một xã hội mà mọi người dám lên tiếng. Nếu không thì, vấn nạn xâm hại tình dục sẽ tồn tại mãi mãi".

Câu chuyện #Metoo ở Nhật Bản: Khi nạn nhân của xâm hại tình dục lại bị xã hội nghi kị, chỉ trích thậm tệ - Ảnh 1.

Nhà báo Shiori Ito từng lên tiếng về vấn nạn xâm hại tình dục ở Nhật Bản.

Phong trào #MeToo tại Nhật Bản không giống như nhiều nước khác. Một số nạn nhân đứng lên kể lại câu chuyện của mình còn bị chỉ trích nhiều hơn là cảm thông, kể cả từ phụ nữ khác.

Trong một xã hội phụ hệ, nơi phụ nữ vẫn thường bị đổ lỗi cho mọi điều, nhiều nạn nhân cố gắng quên đi nỗi đau về việc bị xâm hại tình dục, thay vì kiếm sự ủng hộ và đồng tình từ xã hội, Mari Miura, một giáo sư về khoa học chính trị tại đại học Sophia, Tokyo cho biết.

"Nhật Bản thiếu cái giống như "tình chị em". Chính vì thế nhiều phụ nữ không dám đứng lên nói về nỗi đau của mình".

Một phụ nữ, nhà báo Shiori Ito, đã quyết định tổ chức một buổi họp báo vào năm ngoái sau khi tòa án không xử tội kẻ đã hiếp dâm cô vào năm 2015, sau một lần hắn ta mời cô đi ăn tối và thảo luận công việc.

Tuy nhiên, nhiều người đã quay ra chỉ trích cô, cho rằng cô trông quá là quyến rũ, nhiều người gọi cô là một nỗi xấu hổ, nỗi nhục.

Câu chuyện #Metoo ở Nhật Bản: Khi nạn nhân của xâm hại tình dục lại bị xã hội nghi kị, chỉ trích thậm tệ - Ảnh 2.

Nhiều người không dám lên tiếng vì sợ bị mất việc.

"Nhiều phụ nữ cho rằng câu chuyện của Shiori chẳng can dự gì tới họ.

Đó là lý do vì sao phong trào #MeToo không phát triển tại Nhật Bản", luật sư Yukiko Tsunoda, chuyên gia về tội phạm tình dục cho biết. Tại Nhật Bản, những người phụ nữ bị tấn công tình dục thường được coi là người có lỗi.

Số liệu cho biết gần 3/4 các nạn nhân bị hiếp dâm không dám kể với ai và chỉ có khoảng 4% đi báo cảnh sát, theo số liệu năm 2015.

Ước tính, cứ 15 phụ nữ Nhật Bản lại có 1 người từng bị hiếp dâm hay ép quan hệ tình dục ở công sở. Tuy nhiên, mọi người không dám nói vì sợ, ngại hay lo lắng cho công việc.

Một cây bút nổi tiếng, Haruka Ito, người được biết đến với bút danh Ha-Chu, đã bị chỉ trích nặng nề sau khi tiết lộ câu chuyện cô đã bị xâm hại tình dục bởi một đồng nghiệp nam khi cả 2 làm việc tại Dentsu - công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản.

Kẻ xâm hại tình dục cô sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi và nghỉ việc, mặc dù anh ta một mực phủ nhận những hành vi xâm hại của mình.

Ha-chu cũng nói rằng ban đầu cô không định kể ra vì sợ nó sẽ làm ảnh hưởng tới công việc và hình ảnh bản thân. Tuy nhiên, sau khi đọc về câu chuyện của nhà báo Ito và phong trào #Metoo, cô quyết định phải lên tiếng.

Câu chuyện #Metoo ở Nhật Bản: Khi nạn nhân của xâm hại tình dục lại bị xã hội nghi kị, chỉ trích thậm tệ - Ảnh 3.

Ước tính, cứ 15 phụ nữ Nhật Bản lại có 1 người từng bị hiếp dâm hay ép quan hệ tình dục ở công sở.

Những áp lực xã hội khiến phụ nữ Nhật không dám lên tiếng hay nói "không" với nhiều thứ, kể cả những mối quan hệ tình dục ép buộc, Saori Ikeuchi, một luật sư và người vận động bình đẳng giới chia sẻ.

Cái suy nghĩ ấy đã xuất hiện từ xưa trong nhiều câu chuyện liên quan tới vấn đề những người phụ nữ mua vui tại Nhật.

Quay lại câu chuyện của Ito, nữ nhà báo kể lại việc sau khi cô cảm thấy hơi mệt, kẻ tấn công cô, Noriyuki Yamaguchi, đã đưa cô tới phòng khách sạn của anh ta và hãm hiếp khi Ito không nhận thức được.

Ngày hôm sau, Ito đến một phòng khám nhưng các nhân viên ở đây không biết nhiều về xâm hại tình dục còn một trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục từ chối trao đổi qua điện thoại.

Cảnh sát thì yêu cầu cô kể lại chi tiết nhiều lần và còn bắt cô phải minh họa với một con búp bê có kích cỡ như người thật.

Phải mất đến 3 tuần, cảnh sát mới bắt đầu điều tra. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực, vụ án vẫn bị hủy bỏ vì Yamaguchi có mối quan hệ với một vài thế lực lớn.

"Tôi nghĩ là tôi có thể thay đổi tình thế và lên tiếng là giải pháp duy nhất tôi có thể làm".

Câu chuyện #Metoo ở Nhật Bản: Khi nạn nhân của xâm hại tình dục lại bị xã hội nghi kị, chỉ trích thậm tệ - Ảnh 4.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Mika Kobayashi, một nạn nhân bị xâm hại tình dục khác có thành lập một nhóm tự giúp đỡ, nơi họ chia sẻ những câu chuyện #MeToo. 

Tuy nhiên, những chia sẻ trên chỉ được giữ trong nhóm. Cô nói rằng cô từng bị đẩy vào một chiếc ô tô và bị hiếp trên đường về vào năm 2000. Dù đã báo cáo với cảnh sát, kẻ tấn công cũng không được tìm ra.

"Tôi từng coi bản thân mình là một người giữ bí mật lớn, một nạn nhân xâm hại tình dục nhơ nhuốc. Tôi thấy may mắn vì có thể liên lạc được với những nạn nhân khác. Họ cho tôi sức mạnh", Kobayashi chia sẻ.

"Với tôi, nếu bạn không muốn nói lên cũng được. Tôi tôn trọng quyết định của các nạn nhân miễn là họ cảm thấy thoải mái".

(Theo: AP)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại