Câu chuyện kỳ diệu của 4 người đàn ông vượt lên trên khác biệt tôn giáo, chia tách đất nước

Thi Anh |

Amar và gia đình đã bỏ lại tất cả, cùng hàng triệu người tị nạn băng qua biên giới trong sự kiện được coi là một trong những cuộc di dân lớn nhất lịch sử loài người.

Cách đây 70 năm, vào tháng 8/1947, các lãnh thổ Ấn Độ thuộc Anh giành được độc lập. Đất nước bị phân chia thành hai nhà nước độc lập: Ấn Độ với phần đông là người Hindu và Pakistan với đa số là người Hồi giáo, dẫn tới một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử loài người. Trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ, những cộng đồng từng tồn tại cùng nhau suốt hàng thế kỷ đã lún vào một cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu, khiến 1 triệu người thiệt mạng.

Từ những bức thư và những cuốn nhật ký từ bảo tàng lịch sử Partition Museum (tạm dịch Bảo tàng Phân ly) tại Amritsar, Ấn Độ, nhà báo Soutik Biswar đã ghép nối được một câu chuyện kỳ diệu về tình bạn của 4 con người đã phải chia ly trong sự kiện năm đó.


"Đất nước của chúng ta đã tan vỡ, trái tim rộn ràng, hào sảng, tuyệt vời của Ấn Độ đã tan vỡ", một thanh niên trẻ tuổi ở Lahore, Pakistan đã viết như vậy trong lá thư gửi người bạn thân ở Delhi, thủ đô Ấn Độ, vào mùa hè năm 1949.

Với nét chữ thảo thanh thoát viết bằng mực màu lam, Asaf Khwaja đã thổ lộ tâm tư với Amar Kapur qua những trang thư. Gần 2 năm đã trôi qua kể từ khi họ bị phân ly bởi cuộc chia tách đẫm máu.

Câu chuyện kỳ diệu của 4 người đàn ông vượt lên trên khác biệt tôn giáo, chia tách đất nước - Ảnh 3.

Asaf Khwaja trở thành ký giả ở Lahore và thường xuyên viết thư cho bạn. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp.

"Chúng mình ở Lahore, bạn của cậu, những người đã một thời cắp sách tới trường cùng cậu, những người đã gắn bó suốt 25 năm đầu đời với cậu đảm bảo với cậu bằng tất cả những gì chân thành nhất, rằng khoảng cách địa lý sẽ không khiến tình cảm dành cho cậu xê dịch dù chỉ một chút, rằng chúng mình nhớ cậu, nhớ tình anh em vốn có giữa chúng ta", Asaf – người vừa được nhận vào làm ký giả cho Pakistan Times – viết trong thư.  

"Chúng ta đã cùng nhau trải qua những quãng thời gian tươi đẹp, Amar, những quãng thời gian tuyệt vời".

Amar Kapur, Asaf Khwaja, Agha Raza và Rishad Haider là một nhóm bạn thân thiết như anh em.

Họ thường xuyên tới nhà nhau chơi, cùng chia nhau đồ ăn vặt dọc đường đi học về, cùng vào một trường đại học, cùng vui vẻ lấy cành cây làm gậy, chơi những trận cricket bóng mềm. Từ khi còn là những cậu bé vô tư cho tới khi trở thành những chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, họ đã cùng nhau trải qua những khoảng thời gian hết sức tươi đẹp.

Thế rồi, vào mùa hè năm 1947, sóng gió ập đến.

Chia tay với Amar là điều đau đớn nhất. Amar là người duy nhất theo đạo Hindu trong nhóm.

Cậu phải theo gia đình, bỏ lại ngôi nhà ngổn ngang và nghề in từng gắn bó suốt 57 năm ở Lahore, cùng hàng triệu người tị nạn khác băng qua biên giới trong sự kiện được coi là một trong những cuộc di dân lớn nhất lịch sử loài người.

Hai năm sau, tại Delhi, họ vẫn chật vật gây dựng lại cuộc sống từ những tàn tích của cuộc chia ly.

Còn ở nơi quê nhà, Asaf, Agha và Rishad đều đã trưởng thành, bắt đầu bước vào con đường kiếm sống.

Sự hóm hỉnh của Asaf được thể hiện qua những tin tức mà cậu chia sẻ về bạn bè.

"Agha và Rishad đã bắt đầu làm ăn rồi – đi lừa đảo ấy. Bọn nó điều hành một trụ sở cho công ty Burma Shell và đang nhắm tới một khoản tiền khá lắm. Ước gì cậu có thể thấy Agha Amad bây giờ. Thằng này ngày càng phát tướng, lại hói, cậu không tài nào nhận ra đâu – dấu hiệu của tài lộc đấy, nó bảo thế!", Asaf viết trong thư.

Câu chuyện kỳ diệu của 4 người đàn ông vượt lên trên khác biệt tôn giáo, chia tách đất nước - Ảnh 4.

Thư Asaf gửi bạn. Ảnh: Mansi Thapliyal

Asaf là một người mơ mộng, thích cricket, thơ ca và núi non. Cậu nhiều lần dành cả mùa hè, ở cùng ông mình trong căn nhà nổi trên hồ Dal hoặc thăm thú những ngọn núi hoang sơ vùng Swat. Từ khi còn trẻ, cậu đã đặt nhiều hy vọng vào tương lai tươi sáng của Ấn Độ và Pakistan.   

"Đã có quá nhiều khổ đau và cay đắng rồi", Asaf viết cho Amar, "Nhưng chuyện gì đã xảy ra thì không thể trở lại như xưa nữa. Tất cả những gì chúng ta có thể làm bây giờ là sửa chữa những lỗi lầm của quá khứ và nỗ lực khôi phục hòa bình, thiện chí ở những vùng bị chia cắt".

Nhưng Amar không được sôi nổi như bạn. Vài tháng trước khi sự kiện chia tách diễn ra, bạo động đã bùng phát ở Lahore – một thành phố đông người Hồi giáo nhưng việc làm ăn lại nằm trong tay những người không theo đạo Hồi. Dưới bầu không mù khói, người Hindu và người Hồi giáo đối đầu với nhau, đốt phá, trộm cắp.

Cha của Amar đã cấm phụ nữ, trẻ con trong nhà bước chân ra ngoài đường. Khi gia đình cậu rời khỏi Lahore vào tháng 9, cậu còn giấu một khẩu súng lục 38 li ở sau cửa ra vào.

"Mọi chuyện điên rồ lắm, loạn hết cả", Amar Kapur, giờ đã là một cụ già 94 tuổi, hồi tưởng lại sự kiện năm nào.

Câu chuyện kỳ diệu của 4 người đàn ông vượt lên trên khác biệt tôn giáo, chia tách đất nước - Ảnh 5.

Ông Amar Kapur, 94 tuổi. Ảnh: Mansi Thapliyal

Amar mang theo bên mình một cuốn nhật ký khi vượt qua thành phố vùng biên Amritsar để tới Delhi, sau mùa hè đẫm máu năm 1947. Tại Delhi, nhà Kapur đã sống suốt 3 năm không có điện trong 3 phòng của một căn nhà tranh chấp.  

"Ngày 3/6/1947, người ta đã quyết định chia tách Ấn Độ, và Pakistan sẽ ra đời. Ngày hôm đó số phận của Ấn Độ đã được định đoạt", Amar viết trong nhật ký. Ông viết, bạo lực không ngừng kể từ khi thông báo được đưa ra.

Asaf ở Lahore lại tin rằng không gì có thể ảnh hưởng đến tình bạn giữa họ. "Những kỷ niệm, những trải nghiệm chúng ta đã có với nhau sẽ khiến chúng ta gắn kết, chúng ta không thể bị chia cắt dưới bất cứ tình huống nào", ông viết trong một lá thư.

Tuy nhiên, do cách biệt bởi không gian và thời gian, 4 người bạn dần xa nhau. Họ đã hoàn toàn mất liên lạc suốt 3 thập kỷ. Duy trì được tình bạn khi sống giữa những quốc gia thù địch là một điều khó khăn, không chỉ vì họ khó xin visa để tới thăm nhau, mà còn mất luôn địa chỉ liên lạc.  

Câu chuyện kỳ diệu của 4 người đàn ông vượt lên trên khác biệt tôn giáo, chia tách đất nước - Ảnh 6.

Mùa hè năm 1980, chú của Agha Raza tới Delhi để dự một cuộc hội thảo. Trước khi ông lên đường, Agha đã nhờ ông tìm tung tích của Amar và nơi Amar sinh sống. Agha nói với người chú rằng, gia đình của Amar có một xưởng in ở Delhi, đặt theo tên của dòng họ Kapur.

Agha từng làm việc cho công ty dầu khí, rồi gia nhập Hải quân Pakistan, sau lại vào làm trong Bộ Lao động. Ở tuổi 30, Agha đã nghỉ hưu về quê chăm lo cho trang trại gia đình, cách Lahore 120km. Bạn bè vẫn gọi ông là nhà nông học.

Giờ đây ông bắt đầu hành trình tìm kiếm người bạn đã thất lạc từ lâu.

Tại Delhi, chú của Agha, một cựu chính khách, đã tra cứu danh bạ điện thoại và gọi điện cho tất cả những người có tên Amar Kapur. Tới cuộc điện thoại thứ tư thì ông gặp may. Người chú quay trở về Pakistan với địa chỉ cùng số điện thoại của Amar. Vậy là những người bạn lại có thể liên lạc với nhau, chuyện trò qua điện thoại và trao gửi những lá thư.

Họ kể về bản thân, về gia đình – tất cả đều đã yên bề gia thất - và cả công việc. Có rất nhiều chuyện họ muốn kể cho nhau nghe.

Rishad Haider đã trở thành một trong những chuyên gia ngân hàng thành công nhất Pakistan. Agha đang chăm lo cho trang trại của mình. Asaf tiếp tục làm việc ở Pakistan Times. Còn Amar thì tiếp quản nghề in của gia đình.

Họ chia sẻ với nhau niềm vui và nỗi buồn: Hôn nhân của con cái, tang lễ của người thân. 

Tháng 1/1982, Amar quay trở về Pakistan để dự đám cưới của Qasim, con trai Agha. Vì Amar phải nộp thiệp mời làm bằng chứng khi xin visa, Agha đã đặt làm riêng cho bạn một tấm thiệp từ trước vài tháng và gửi tới Delhi.

Amar chỉ xin được visa tới Lahore nên những người khác từ Karachi và Islamabad đã tới thăm ông. Trong 10 năm kế tiếp, nhà Kapur đã về Pakistan ba lần. Và những cuộc chuyện trò thâu đêm khi ấy ở Lahore vẫn còn đọng lại trong tâm trí các thành viên trong gia đình.

"Họ giống như anh em ruột thịt, giống như một gia đình. Tôi thấy rất thú vị vì tất cả 4 người đều hoạt bát, thành công. Nhưng khi gặp nhau, họ lại hòa làm một và trẻ trung trở lại. Tình bạn ấy đúng là kỳ diệu", Cyma Haider, con gái của Rishad Haider chia sẻ.

Câu chuyện kỳ diệu của 4 người đàn ông vượt lên trên khác biệt tôn giáo, chia tách đất nước - Ảnh 7.

Bức thư ông Agha gửi bạn ở Delhi. Ảnh: Mansi Thapliyal

Amar thường gọi điện và mời Agha tới thăm ông ở Delhi. Một hôm, Agha viết thư, nói rằng ông hy vọng có thể sớm tới thăm bạn.

"Lời mời đầy tình cảm và tử tế của cậu khiến mình thấy tội lỗi khi đến giờ mà mình vẫn chưa đến thăm cậu được. Nhưng không sớm thì muộn, chúng ta sẽ gặp nhau và mình hy vọng ngày đó sẽ không xa".  

Chớm đông năm 1988, Agha hứa với Amar rằng ông sẽ tới Delhi thăm bạn vào năm mới. Nhưng tháng 12 năm đó, Agha đột quỵ tại nhà và qua đời vì một cơn đau tim, thọ 67 tuổi. Rishad là người tiếp theo từ giã cõi trần, vào năm 1993, cũng ở tuổi 67.  

Tháng 6/1996, Asaf viết thư cho Amar:

Câu chuyện kỳ diệu của 4 người đàn ông vượt lên trên khác biệt tôn giáo, chia tách đất nước - Ảnh 8.

"Cả Agha Amed và Rishad đều để lại một chỗ trống trong cuộc đời mình, một chỗ trống không thể lấp đầy. Mình đã không còn quan tâm tới sức khỏe được một thời gian và có lẽ không lâu nữa, mình cũng sẽ đoàn tụ với các bạn ở cõi vĩnh hằng".

"Mong muốn duy nhất của mình là có thể ra đi giống như họ - đột ngột và không đau đớn".

Asaf kể về "cuộc sống cô đơn khi con cái đều ở Mỹ". Cứ hai, ba năm, ông lại được gặp gia đình trong những cuộc thăm viếng ngắn ngủi nhưng những cuộc gặp gỡ ấy "chỉ khiến cảm giác cô đơn thêm rõ rệt".

"Đôi khi mình cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa".

Asaf còn mường tượng ra một tương lai, nơi con cái của họ tiếp tục lưu giữ tình bạn mà cha mẹ đã vun đắp.

"Nếu mình và cậu không thể gặp nhau, hãy để con cái chúng ta tụ họp, và tiếp tục tình bạn mà cha của chúng đã gìn giữ dù phải trải qua một bước ngoặt bi kịch của lịch sử", Asaf viết trong thư.

Một tháng sau, vào một buổi sáng cuối tháng 7, Asaf Khwaja thức dậy, tắm gội, ăn sáng và bắt đầu đọc báo thì lên cơn đau tim qua đời. Lúc đó ông 71 tuổi.

Ở tuổi 94, Amar Kapur là người duy nhất còn sống trong nhóm bạn. Ông đã sang nhượng công việc kinh doanh từ 20 năm trước và tiếp tục sống cùng người vợ Minna trong ngôi nhà hai tầng ở Faridabad, ngoại ô Delhi.

Khi được hỏi, liệu có còn nhớ bạn bè cũ không, ông Amar nói:

"Nhớ chứ! Tôi đã yêu quý họ, giờ lại càng yêu quý họ. Họ là những người bạn thực sự duy nhất mà tôi từng có trong đời".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại