Lần tới, nếu bạn có ý định than thân trách phận, ít nhất hãy thầm cảm ơn trời đất đã sinh ra bạn là một con người bình thường với đầy đủ 5 giác quan đi.
Và bạn sẽ còn phải cảm ơn nhiều nữa khi chúng vẫn đang hoạt động bình thường. Bởi vì trên thế giới, có những người đối với họ cuộc sống là một chuỗi tra tấn trường kỳ. Đó là trường hợp của những người mắc phải hội chứng "rối loạn cảm giác" - SPD (sensory processing disorder) - một lời nguyền tra tấn của số phận.
SPD - căn bệnh tra tấn một số phận
Những người mắc SPD, tùy trường hợp mà cảm nhận của họ về ánh sáng hay âm thanh sẽ bị phóng đại quá mức. Một số người khác thì cảm thấy chỉ một cái vuốt ve nhẹ trên da cũng tương đương với việc bị giấy nhám chà lên, số khác nữa chỉ có thể ngủ được khi cơ thể họ bị bó chặt lại.
Biểu hiện của hội chứng này khá đa dạng, tựu chung người bệnh không thể chịu đựng nổi những điều vốn được xem là rất bình thường trong cuộc sống.
Ví dụ, Jack Craven, một cậu bé 12 tuổi bị nhạy cảm với với âm thanh. Bất kể khi nào đến nơi ồn ào, cậu bé đều cảm thấy như đang có vô vàn tiếng la hét bên cạnh.
Hay Rachel S Schneider sống tại Chicago cũng sợ âm thanh nhưng theo cách khác. Rachel cảm thấy bị tra tấn khi phải ở trong phòng, bởi âm thanh vọng lại từ tiếng nói của chính mình hay người khác với cô nghe kinh khủng như tiếng móng tay cào trên bảng đen.
Không chỉ với âm thanh, Rachel còn nhạy cảm với ánh sáng. Một nguồn sáng nhẹ nhưng qua cảm nhận của cô lại trở nên rất chói chang, tựa như đang nhìn thẳng vào Mặt trời vậy.
Cuộc sống của các cá nhân này khá khổ sở vì họ khó hòa đồng được với người xung quanh. Đặc biệt, những đứa trẻ bị SPD là thách thức đối với các với bậc cha mẹ. Có bé không chịu gội đầu vì sợ cảm giác bị chạm vào đầu, bé thì sợ hãi khi cha mẹ thay áo cho, hoặc tiếng máy xay sinh tố hoạt động cũng đủ khiến chúng hoảng loạn.
Nguyên nhân là gì?
Người mắc SPD được chia làm ba loại: "quá nhạy" , "quá thiếu" và "hỗn hợp". Trường hợp "quá nhạy" chiếm số lượng lớn nhất, họ luộn cảm thấy một vài giác quan của mình phải chịu kích thích quá mức.
Ngược lại, người "quá thiếu" thì luôn thèm khát được kích thích vào giác quan nào đó, cảm giác bình thường với họ là không đủ. Còn người "hỗn hợp" thì thiếu thốn cảm giác ở một số giác quan nhưng lại quá mẫn cảm ở giác quan khác.
Theo nhiều nghiên cứu, SPD xảy ra do bẩm sinh chứ không vì tác động của yếu tố môi trường, và các giác quan của người bị SPD vẫn hoạt động bình thường, nhưng bộ não của họ lại xử lý thông tin theo cách khác biệt.
Não của người bị SPD có một số điểm khác so với người thường
Hình ảnh quét não cho thấy người bị hội chứng này có sự thiếu hụt "chất trắng" trong cấu trúc não, đặc biệt ở khu vực phía sau não chịu trách nhiệm xử lý dữ liệu thị giác, thính giác, và xúc giác.
Trẻ em mắc tự kỷ thường gặp nguy cơ cao, bởi theo ước tính có tới 90% trẻ tự kỷ cũng mang các vấn đề về rối loạn cảm giác. Tuy nhiên, hai hội chứng không phải là một và người không tự kỷ vẫn có thể mắc SPD.
Biện pháp khắc phục
SPD cũng như các dạng rối loạn thần kinh khác có thể được làm giảm bớt triệu chứng bằng thuốc. Ngoài ra, biểu hiện của người mắc SPD vô cùng đa dạng nên tùy vào cảm giác bị rối loạn mà cần đưa ra biện pháp trị liệu thích hợp.
Chẳng hạn, có thể tăng dần sự chú ý vào các kích thích hình ảnh, âm thanh, hay xúc giác sẽ giúp não bộ dần thích nghi và đưa ra cách xử lý chính xác hơn.
Người "quá thiếu" cảm giác có thể tự thỏa mãn bằng cách tạo kích thích mạnh cho bản thân. Còn với đa số người "quá nhạy", cách khắc phục không phải cố gắng triệt tiêu sự nhạy cảm, mà cần chọn đúng môi trường để có thể chung sống hòa bình, thậm chí khai thác được khả năng của mình.
Được đặt trong môi trường phù hợp, người "quá nhạy" có thể tạo nên nhiều bất ngờ
"Quá nhạy" chưa hẳn là xấu. Theo các nhà khoa học thì điều này xét về mặt nào đó là một lợi thế tiến hóa, vì những người "quá nhạy" xử lý thông tin về môi trường xung quanh một cách sâu sắc và triệt để hơn hẳn so với phần lớn chúng ta.
Nếu họ làm việc trong hoàn cảnh nhiều khó khăn hay áp lực sẽ tạo ra kết quả tạo ra kém, nhưng trong điều kiện được hỗ trợ thì lại tốt hơn so với người thường!
Nguồn: BBC Future