Vương Hải Gia là một nhân viên giao hàng. Anh có chiều cao trung bình, gò má hơi cao. Khuôn mặt ửng đỏ vì tiếp xúc với thời tiết khiến anh trông già hơn tuổi. Tên WeChat của anh là "người theo đuổi giấc mơ".
The China Project đăng bài tự thuật về một ngày làm việc của anh. Những nỗi niềm của người đàn ông trao cả tuổi trẻ cho một thành phố nhưng những năm tháng lưng chừng còn lại về đâu chỉ là suy tư mơ màng.
Vương Hải Gia, nam, 42 tuổi, đến từ Hà Bắc, tài xế giao hàng công nghệ
Tôi đang giao đồ ăn vào một ngày mưa. Tôi vội quá nên đã vượt qua nhiều đèn đỏ để đến đúng giờ. Giao xong đơn, ứng dụng thông báo tôi được boa 15 tệ (52 nghìn). Trên đường về, lòng tôi ấm áp, dù trời đang mưa.
Tôi làm nghề giao hàng đã lâu, việc nhận tiền boa không phải là điều thường xuyên. Thỉnh thoảng đến muộn, tôi còn bị khách hàng mắng. Nhưng đa phần mọi người đều đối xử tốt với tôi. Một số khách thậm chí còn nhắn tin bảo tôi đừng vội, hãy đặt sự an toàn lên hàng đầu.
Trước khi làm nghề này, tôi đã làm nhiều công việc khác nhau. Tôi bỏ học để làm việc tại các công trường xây dựng khi còn chưa học hết cấp 2. Thời gian đầu, tôi bê gạch, sau đó làm thợ nề. Phải mất vài năm tôi mới làm được những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng như lắp giá đỡ cho các tòa nhà.
Nguy hiểm rình rập khắp nơi. Tôi đang tháo dỡ các giá đỡ thì một trong số chúng đột nhiên rơi vào đầu. Tôi bất tỉnh. Nằm viện hơn hai tháng. Tai nạn ám ảnh tôi. Tôi từ chối làm việc ở các công trường xây dựng. Cuộc sống của tôi quan trọng hơn số tiền kiếm được.
Tôi đến Bắc Kinh, đầu tiên làm phục vụ bàn. Sau đó, tôi làm bảo vệ. Đó là một công việc nhàm chán. Tôi phải đứng hơn 10 tiếng một ngày. Dần dà, tôi chuyển đến nhà hàng mì Nhật Bản trong vài năm… Tôi liên tục thay đổi công việc cho đến khi trở về nhà để kết hôn nhiều năm sau đó.
Khi con trai chào đời, tôi ở nhà bên vợ và con. Ở quê, có rất ít việc làm ngoài nhà máy thép. Và đó là công việc vất vả. Tôi thường xuyên phải làm ca đêm trong một môi trường làm việc tồi tệ. Mức lương thậm chí không cao.
Tôi làm việc ở đó trong hai năm. Anh rể tôi, một nhân viên giao hàng ở Bắc Kinh, bắt đầu khuyên tôi làm cùng, vì giờ làm việc linh hoạt và trả lương cao hơn so với nhà máy. Đó là lúc tôi bắt đầu công việc hiện tại của mình.
Tôi rời khỏi nhà vào khoảng 8 hoặc 9 giờ sáng hàng ngày, làm việc đến 10 giờ tối. Tôi thường mua một số đồ ăn nhanh như jianbing từ những người bán hàng rong hoặc ăn ở những cửa hàng bán mang về. Họ thường giảm giá cho chúng tôi một vài tệ. Tôi chi ít nhất 30 đến 40 tệ (100-130 nghìn) cho đồ ăn mỗi ngày.
Tiền công cho mỗi lần giao hàng phụ thuộc vào khoảng cách. Từ số tiền mà khách và nhà hàng trả, nền tảng ứng dụng sẽ lấy phần lớn. Chúng tôi có thể chỉ nhận được 5 tệ (17 nghìn) trong một đơn giao có phí 15 tệ (52 nghìn).
Tài xế chúng tôi luôn canh cánh về tiền phạt. Đến muộn là một trong những khoản tiền phạt phổ biến nhất. Đôi khi chỉ cách đích đến vài trăm mét nhưng thời gian chỉ định đã hết. Nếu vẫn xác nhận trên app là đã đến, GPS của hệ thống sẽ biết và kích hoạt tiền phạt. Còn nếu không xác nhận thì cũng bị muộn và phạt. Chẳng khác nhau.
Rất nhiều thứ ngăn cản chúng tôi giao hàng đúng giờ. Đôi khi khách hàng cung cấp sai địa chỉ hay số điện thoại, hoặc nhà hàng đã chuyển đi nhưng GPS lại chỉ đường đến địa chỉ cũ. Nhưng không có lý do nào trong số đó là chính đáng. Cứ đến muộn, là phạt, ngay cả khi lỗi không thuộc về chúng tôi.
Ngoài ra, khi khách hàng khiếu nại qua nền tảng, tài xế cũng bị phạt. Chúng tôi có thể bị phạt 50 tệ (173 nghìn) cho một khiếu nại nghiêm trọng. Một đánh giá tệ trên nền tảng khiến chúng tôi mất 3 tệ (10 nghìn), nhưng nếu nhận được đánh giá năm sao, chúng tôi chẳng có phần thưởng gì. Thật tàn nhẫn và vô lý.
Chúng tôi như bị kẹp ở giữa. Nền tảng thì lấy tiền phần trăm và phạt; khách hàng thì đòi hỏi và khiếu nại; nhà hàng có thể từ chối đơn và đôi khi giao đồ quá lâu. Chúng tôi là những người có ít tiếng nói nhất và bị kìm kẹp nhiều nhất.
Bắc Kinh chẳng trả cho tôi đồng nào
Mọi thứ từng dễ dàng hơn cách đây 2 năm trước. Có nhiều nền tảng dịch vụ giao hàng. Nhưng hiện tại ngành này do hai nền tảng lớn nắm giữ mọi nguồn lực thống trị. Không có đối thủ cạnh tranh nào khiến họ phải có chính sách hậu hĩnh hơn cho tài xế.
Khi mọi việc tốt đẹp, tôi có thể nhận được 40 hoặc 50 đơn mỗi ngày. Nhưng nhiều ngày, tôi chỉ nhận được 20 hoặc 30 đơn, tức là chưa đến 200 tệ (700 nghìn) cho một ngày làm việc.
Trong một ngày tồi tệ, như khi nhận được khiếu nại từ khách hàng, tôi cảm thấy rất bực bội và thất vọng. Tôi sẽ tự hỏi tại sao tôi vẫn ở đây, làm công việc này. Tôi sẽ cân nhắc việc trở về nhà.
Nhưng rồi một ý nghĩ thứ hai ngay lập tức khiến tôi sực tỉnh: Quay đầu về quê thì làm gì?
Những người cùng cảnh như tôi có một tình thế khó xử chung: Nơi gọi là nhà thì không có việc làm; nhưng nơi có việc làm thì không bao giờ có thể là nhà.
Nếu được lựa chọn, ai muốn xa gia đình? Chỉ là ở quê nhà không tìm được cách kiếm sống.
Con trai tôi bảy tuổi. Cháu sắp vào tiểu học. Tôi cố gắng chu cấp cho cháu tốt nhất có thể. Tôi đếm từng xu mình chi tiêu ở đây và chỉ thuê một nơi có giá 500 tệ (1,7 triệu) một tháng. Đó có lẽ là nơi rẻ nhất mà người ta có thể tìm thấy ở Bắc Kinh thời nay.
Trong phòng chỉ có một chiếc giường. Bước vào, tôi chẳng thể làm được gì ngoài nằm xuống. Tôi không có đồ đạc nào ngoài một vài bộ quần áo để trong túi và đặt dưới gầm giường. Tôi tắm ở một nhà tắm công cộng gần đó, mỗi lần tốn 20 tệ (69 nghìn) và sử dụng bồn rửa tay của chủ nhà để đánh răng mỗi sáng.
Ban ngày, tôi quá bận để phải nghĩ nhiều. Nhưng trước khi đi ngủ vào ban đêm, mọi suy tư về cuộc sống lại chiếm lấy tâm trí, khiến tôi bâng khuâng. Tôi nghĩ về việc mình phải nuôi cha mẹ và nuôi con trai. Trách nhiệm gia đình trên vai tôi ngày càng nặng nề hơn. Tôi đã hơn 40 tuổi, nhưng vẫn chẳng làm được gì.
Tôi đến Bắc Kinh vào đầu những năm 20 tuổi. Tôi dành trọn tuổi thanh xuân cho thành phố này. Sau ngần ấy năm, thành phố chẳng trả cho tôi đồng nào. Tôi chẳng có gì cả. Ngoại trừ chiếc giường mà tôi phải trả 500 tệ mỗi tháng, tay tôi chỉ nắm lấy hư không.