Cách đây khoảng 11 năm, trên MXH lan truyền những hình ảnh một cậu bé đen nhẻm, béo tròn cùng gương mặt ngây thơ, nhưng điều đặc biệt là tay cậu bé cầm điếu thuốc lá rít và nhả khói "chuyên nghiệp" như người lớn. Sau loạt hình ảnh này, cậu bé trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ. Được biết, đó là Aldi Suganda (tức Aldi Rizal). Những hình ảnh phì phèo thuốc lá ngày ấy được ghi lại khi cậu bé chỉ vừa mới lên 2 tuổi.
Mẹ của em, bà Diana cho biết, hằng ngày con mình phải hút đến 40 điếu thuốc/ngày, tức là bằng số lượng tiêu thụ thuốc lá của một người lớn trong cả tuần.
Chứng nghiện thuốc lá này khiến gia đình không thể nào can thiệp được vì mỗi lần thèm thuốc, đứa trẻ sẽ khóc lóc, giận dỗi thậm chí còn đòi đập đầu vào tường.
Trung bình mỗi ngày vợ chồng Diana phải dành ra 4 USD để mua thuốc lá cho Aldi trong khi họ còn có 2 cậu con trai khác. Khi sự việc được lan truyền, không ít lời chỉ trích nhắm đến người mẹ vì cách giáo dục sai lầm nhưng cô không biết làm gì hơn.
Hằng ngày, Aldi được mẹ đưa đến chợ, xung quanh đều là những cảnh tượng đàn ông cùng phụ nữ phì phèo thuốc lá, do đó, cậu bé dễ dàng bắt chước theo bản năng của một đứa trẻ. Cứ như vậy, 11 tháng tuổi, dù chưa biết nói, Aldi đã biết cách cầm điếu thuốc.
Mẹ Aldi kể, khi tỉnh dậy lúc 3h sáng, đứa bé sẽ đòi thuốc, nếu không được đáp ứng em sẽ dùng dao đâm vào đầu gối đến chảy máu.
Chị cảm thấy vô cùng hối hận vì đã không để con mình tránh xa khói thuốc khi còn nhỏ, nhất là chị cũng từng thừa nhận, trong giai đoạn mang bầu Aldi, chị vẫn hút thuốc.
Khi ấy, bác sĩ nhi khoa Alanna Levine cho biết Aldi mắc chứng nghiện thuốc khá nặng, việc từ bỏ là không hề dễ dàng. Hút thuốc nhiều khiến cậu bé lười vận động và dần trở nên nặng nề, khó thở mỗi khi chạy nhảy.
Ủy ban bảo vệ trẻ em Indonesia cũng đã vào cuộc để giúp cậu bé cai thuốc lá nhưng quả thực đó là điều không hề đơn giản. Trong quá trình bắt đầu cai thuốc, em liên tục đòi nhiều đồ chơi hơn và đập đầu vào tường nếu không được sự đồng ý.
Tiến sĩ Seto Mulyadi, người đồng hành với Aldi trong quá trình cai thuốc cho biết, đối với Aldi, độ tuổi và trí thông minh của cậu bé giúp ích rất nhiều nên Mulyadi đã đánh lạc hướng cậu bé bằng cách khuyến khích em hoạt động chạy nhảy, leo trèo và chơi để quên đi "cơn nghiện" đồng thời giảm dần số lượng thuốc lá mỗi ngày. Nhưng việc điều trị rất căng thẳng và bắt buộc Aldi phải đến Jakarta trong vài tháng để được ở bên cạnh tiến sĩ Mulyadi mỗi ngày.
Vị tiến sĩ này thông tin, cậu bé tiếp thu rất nhanh mọi thứ, các tín hiệu khả quan cho hành trình cai thuốc đã xuất hiện. Khi trở về nhà, gặp hàng xóm đưa cho đứa bé điếu thuốc, em đã từ chối và nói: "Cháu rất yêu mến bác Seto. Bác ấy sẽ buồn nếu cháu lại hút thuốc và khiến mình mắc bệnh".
Tuy nhiên, ban đầu, gia đình cũng không ít lần phải gọi điện cho tiến sĩ Seto nhờ giúp đỡ khi Aldi vật vã chống lại cơn thèm thuốc. May mắn là cậu bé dần chế ngự được những cơn thèm thuốc.
Tuy nhiên, sau khi đã từ giã được thuốc lá, cậu bé lại mắc chứng cuồng ăn. Em luôn tìm thứ gì đó để ăn vặt, nếu không thì sẽ lại tìm đến thuốc lá. Có hôm, em có thể uống tới 3 hộp phô mai. Lên 5 tuổi, em đã nặng đến 24 ký. Sau đó, bố mẹ lại phải dẫn em đi đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và đưa ra cho em các chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.
Sau một thời gian kiên trì, em hoàn toàn rời xa được thuốc lá, cũng đã đưa chỉ số cơ thể về mức bình thường, sức khỏe ổn định nhờ tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt của bác sĩ. Em đã được đến trường như các bạn đồng trang lứa, không những thế em còn đạt kết quả học tập xuất sắc, được thầy cô khen ngợi. Em luôn có thứ hạng cao trong lớp và là học sinh rất thông minh.
Giờ đây, hình ảnh của cậu bé phì phèo điếu thuốc ngày nào đã không còn nữa, thông tin của em cũng ít xuất hiện hơn. Có lẽ, hành trình giúp con cai thuốc lá sẽ là những năm tháng không bao giờ quên đối với vợ chồng chị Diana và sẽ là bài học đắt giá cho họ trong phương pháp giáo dục con cái của mình.
Tổng hợp