Cậu bé Vân Kiều, người đàn ông lạ mặt và số tiền 15 triệu trao tay trong chớp mắt
Mới đây, mạng xã hội lan truyền câu chuyện do chị Lê Trang, đến từ Hướng Hóa, Quảng Trị tận mắt chứng kiến và kể lại:
"Em là ai ,tôi không biết! Tôi chỉ biết em khoảng tầm 15 tuổi, người đồng bào dân tộc Pakô – Vân Kiều ở vùng miền núi tỉnh Quảng Trị.
Mẹ mất sớm, cha lại mắc chứng tâm thần, nên em dù mới là một cậu bé "ăn chưa no, lo chưa tới" nhưng bất đắc dĩ trở thành trụ cột cho cả gia đình.
Hai cô cháu người dân tộc thiểu số đang ngồi đón xe về nhà vì không có tiền chữa trị cho cậu bé (Ảnh: Lê Trang)
Ấy vậy mà, khó khăn chồng chất khó khăn, tai nạn lao động lại khiến em bị gãy chân. Em được một người cô họ đưa vào bệnh viện khám, nhưng khi đi hành trang lại không hề có một chút tiền dằn túi.
Đã một tuần trôi qua nhưng hai cô cháu vẫn lang thang nay đây mai đó, với đôi chân bị gãy chưa được chữa trị của em vì không có tiền.
Nghe người cô kể để điều trị cho em phải mất khoản phí 15 triệu đồng.
Và rồi, may mắn thay, điều kì diệu đã đến với em. Khi em và người cô họ đang đứng trước cổng bệnh viện đợi bắt xe về nhà thì gặp được vị thần hộ mệnh của mình.
Người đàn ông ấy quê ở Thái Bình, vào Quảng Trị mấy ngày để lắp máy móc cho người ta. Anh đi cùng tôi trên chuyến xe chạy từ thành phố Đông Hà lên Lao Bảo, Hướng Hóa.
Người đàn ông xuất hiện như vị cứu tinh, hỗ trợ 100% viện phí cho cậu bé nghèo chữa bệnh, dù mới chỉ gặp lần đầu.
Thấy em và người cô đang đứng giữa đường, đợi bắt xe về nhà vì không có tiền chữa chân, anh xuống xe hỏi chuyện, cuối cùng anh chốt một câu: "Để chữa trị chân cho cháu mất khoản viện phí bao nhiêu?"
"15 triệu" – con số thốt ra nghẹn ngào từ người cô của em, có lẽ đó là khoản tiền quá lớn mà họ, những người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ấy chưa được nhìn thấy bao giờ.
Không chút ngần ngại, anh yêu cầu nhà xe chở mình tới cây ATM gần nhất, rút 15 triệu tiền mặt và tặng ngay số tiền đó cho hai cô cháu người Vân Kiều không mảy may đắn đo.
Đặt vào tay em, anh đang đặt vào tay cậu bé ấy một sức sống, một niềm tin mới".
Hạnh phúc là cho và sống vì người khác
Ngày nay, trong guồng quay vội vã của cuộc sống, của thời buổi kinh tế thị trường, con người ta đôi khi sống gấp, sống vội mà quên đi sự sẻ chia, yêu thương dành cho những người xung quanh mình.
Người ta nói nhiều đến câu chuyện vô cảm, đến sự thờ ơ, phớt lờ khi người khác gặp khó khăn. Thậm chí, đôi lúc có những tình huống khiến chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng, hoang mang, e sợ sự vô cảm đến mức lạnh lùng, phũ phàng.
Đi đường gặp người bị tai nạn, những kẻ vô cảm chẳng có phản ứng nào mà chỉ biết dửng dưng chứng kiến với thái độ "Thờ ơ con mắt lạnh. Nhìn chúng có hề chi!". Hay thậm chí, người ta thích cầm điện thoại quay lại để câu "like" trên facebook hơn là đứng ra giúp đỡ người khác.
Lên xe ô tô, thấy kẻ gian móc túi hoặc bọn côn đồ hành hung hành khách, họ cũng chỉ lờ đi xem như đấy không phải chuyện của mình.
Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự chú ý của dân mạng và khiến nhiều người xúc động, ngưỡng mộ trước hành động thơm thảo của người đàn ông đến từ Thái Bình.
Đồng ý rằng, có thể người ta sợ bị lừa, sợ bị trả thù bởi trong xã hội đầy rẫy những rối ren, không ai biết được rằng, liệu đằng sau màn chồng đánh đâp vợ giữa phố do ghen tuông kia có phải là một vụ dàn xếp để cướp giật, móc túi khi có người chạy đến can thiệp hay không?
Thế nhưng, không thể vì những bao biện kia mà chúng ta cho phép bản thân mình sống lãnh cảm, thờ ơ như một điều tất nhiên.
Sự vô cảm là một căn bệnh đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội ta, nó đang len lỏi khắp mọi nơi. Nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà còn xâm nhập vào trong các gia đình, những người thân ruột thịt.
Điều đó quả thật đáng sợ, bởi nó sẽ khiến cuộc sống trở nên lạnh lẽo, thiếu đi tình người. Chúng ta không tồn tại như những cá thể độc lập mà hạnh phúc đích thực chỉ nảy sinh khi chúng ta được tắm trong suối nguồn của tình yêu thương.
Vì vậy lòng yêu thương con người là một trong những tố chất làm nên ý nghĩa cuộc sống cuả mỗi chúng ta.
Và câu chuyện có thật ở trên đã góp phần lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia mà không cần nhận lại đến những ai được chứng kiến và nghe thuật lại.
Chị Lê Trang, người kể câu chuyện cho biết thêm: "Người đàn ông đó tên là Chính, quê ở Thái Bình, đi cùng chuyến xe khách ngày hôm đó với mình.
Khi gặp hai cô cháu người Vân Kiều và biết được chuyện như thế, anh chỉ hỏi đúng một câu là tiền viện phí hết bao nhiêu, rồi không chút đắn đo đi rút tiền và đưa cho hai người anh chỉ mới gặp lần đầu trong chớp mắt.
Tất cả mọi người chứng kiến hành động của anh khi đó đều vô cùng ngạc nhiên vì anh rút 15 triệu đưa xong quay lưng đi, chỉ kịp nhờ nhà xe người ta thường xuyên chạy lên chạy về thì thăm hỏi, quan tâm em ấy một chút".
Được biết, người đàn ông tốt bụng với trái tim ấm áp, được ví như "vị cứu tinh" của cậu bé Vân Kiều kia cũng chỉ là một người lao động bình thường.
Không hề giàu có, dư dả, là một người thợ lắp đặt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, với anh, số tiền 15 triệu không hề nhỏ, đó là khoản tiền anh phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức.
Thế nhưng, anh vẫn sẵn sàng giúp đỡ cậu bé nghèo không chút đắn đo. Bởi với anh, tình yêu thương, sự sẻ chia dành cho những người kém may mắn hơn mình khiến anh vui và hạnh phúc hơn rất nhiều. Niềm hạnh phúc mà số tiền 15 triệu đồng đó, hoặc thậm chí là lớn hơn, cũng không thể nào mua được.
Quả thật, trong cuộc sống ta đã từng cho đi và nhận lại rất nhiều thứ tình cảm cao đẹp, và tình yêu thương chính là một trong những điều tốt đẹp ấy, nó đem lại hạnh phúc cho cả hai phía, nói bồi đắp tâm hồn, hoàn thiện tính cách cho con người.