Người chạy thận chứng kiến cả gia đình lần lượt ra đi vì thận
Tôi mon men tìm đến căn trọ của gia đình chị Đức (40 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) vào một buổi chiều chập choạng.
Nép mình trong con hẻm nhỏ, căn trọ 20m2 vừa là nơi ăn ở, ngủ nghỉ,… lại chất đầy kỉ vật, chủ yếu từ những người bạn chạy thận còn sống hoặc đã mất trong thời gian chị nằm viện. Thứ quý giá nhất có lẽ là cây piano và chiếc guitar người ta tặng để Nhật tập hát.
Ngày nào vào giờ này, cả gia đình chị cũng sẽ quây quần bên bữa ăn tối. Vừa ăn, vừa rỉ rả kể chuyện về một ngày dài. Cứ thế, từ nhiều năm nay, căn trọ nhỏ ấy dần dà trở thành mái nhà thay thế, chứng kiến bao niềm vui, hạnh phúc,… xen lẫn nước mắt đau đớn trong từng cơn vật lộn vì bệnh tật.
Căn nhà trọ nhỏ ở Sài Gòn đã trở thành căn nhà thay thế cho gia đình chị Đức.
Chị Đức kể: 15 năm trước, chị sinh đứa con trai đầu lòng. Những tưởng hạnh phúc đã đơm hoa kết trái cho vợ chồng, ấy vậy cũng là lúc chị phát hiện ra mình mắc bệnh suy thận mãn tính. Từng là người chứng kiến 2 người thân trong gia đình ra đi vì căn bệnh này, chị Đức không ngờ có ngày chính mình cũng nằm trên án tử.
Vừa dạy học ở đảo xa Nhơn Lý (Bình Định), cách ngày chị lại phải vào thành phố để chạy thận. Vài năm sau đó, sức khoẻ suy cạn dần, chị đành từ bỏ ước mơ đứng giảng đường, chỉ còn chạy thân và chạy thận. Lâu lâu thèm lắm thì dạy kèm ở trung tâm hoặc dạy miễn phí cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
"Không đủ sức khóc nữa thì phải chấp nhận thôi. Hồi đó, khắp người mình sưng, hột hạt nhiều lắm nhưng ở viện thì vẫn cười tươi rói, ngày nào cũng cầu nguyện được chết mà trả lại sự yên bình cho gia đình. Chỉ cần còn người ở lại chăm sóc cho Nhật của chị là được…" - chị Đức kể.
Chị Đức bị thận mãn tính, nhưng lại phải chứng kiến từng người trong gia đình mất vì căn bệnh ấy.
Nỗi đau khôn tả về cả thể xác lẫn tinh thần.
Vậy mà, ông trời đành lòng chẳng nghe tiếng cầu nguyện yếu ớt của người phụ nữ nghèo. Chẳng lâu sau, cả nhà 5 anh chị em chị Đức ai cũng bị căn bệnh thận đánh chéo tên. Chị còn nhớ những ngày mình vừa trải qua đợt chạy thận, lại phải vào viện ký giấy, tư vấn, động viên… rồi quặn lòng chứng kiến từng người lần lượt ra đi trên chính đôi tay mình.
"Hôm tới lượt đứa cháu cầm tờ giấy xét nghiệm, nó hỏi mình: Làm sao cứu con? Mình bèn nói xạo: Chạy thận không đau, mổ không đau, găm kim không đau, chỉ nhắm mắt lại tí xíu thôi,… Nhưng mà sao không đau được. Lúc găm kim vào rồi nó mới khóc: Cô nói xạo con không à, nó xạo con suốt 15 năm trời…" - chị khóc.
Khi vào Sài Gòn chạy thận, do di chứng của bệnh mà chị bị tụt canxi, rồi không thể tự đi lại được nữa. 1 tuần sau đó, anh trai của chị mất tại bệnh viện Chợ Rẫy, khi chưa kịp gặp mặt đứa em gái dặn dò lời cuối. Cả gia đình đành lòng đưa chị Đức vào viện, truyền thuốc để ngủ nhiều ngày cho không nhớ tới.
Còn nỗi đau nào lớn hơn khi mình đang mang bản án tử thần, lại chính mình lần lượt tiễn đưa từng người thân ra đi vì bản án tử thần ấy. Riêng chị Đức đã bị đặt trong tình cảnh đã rồi, là khi hôm nay khóc cười, một ngày khác chẳng thể nào tỉnh dậy được nữa cũng là chuyện đời thường…
Ở bên cạnh chị, cùng chiến đấu với chị chỉ còn chồng và con.
2 năm giấu mẹ đi thi Giọng hát việt Nhí vì lời hứa: Mẹ ơi ráng chờ con!
Duy chỉ có niềm hạnh phúc nhỏ bé là suốt những năm tháng chống chọi bệnh tật ấy, đứa con trai lúc nào cũng sẵn sàng ở bên cạnh chị.
20 tháng tuổi, mẹ nằm viện, Nhật đã biết chăm cho mẹ. 4 tuổi, Nhật tự lập. 8 tuổi, tay mẹ chằng chịt vết kim châm, Nhật chỉ lẳng lặng thỏ thẻ khi nhớ: Mẹ ơi! Tay kia đâm van, tay này cho con gối đầu mẹ nhé!
13 tuổi, mỗi ngày cậu bé luôn thì thầm vào tai mẹ: Mẹ ới! Ráng chờ con,… và rồi lặn lội một mình vào Sài Gòn đi thi Giọng hát Việt Nhí với mong ước duy nhất: Kiếm tiền thay thận cho mẹ.
Bằng ngần ấy hy sinh, chị Đức vẫn chiến đấu vì con.
Minh Nhật đi thi Giọng hát Việt Nhí để có thể kiếm cơ hội cho mẹ sự sống.
Minh Nhật gây xúc động 3 cặp HLV nhờ ca khúc Đêm mưa nhớ mẹ.
Năm 2017, Nhật dừng chân ở sân khấu vòng giấu mặt, cậu nức nở không thực hiện được lời hứa ‘Mẹ ráng chờ con’. Vậy mà, năm 2018, cậu bé lại lặn lội vào Sài Gòn tiếp tục ước mơ dùng giọng hát kiếm tiền cứu mẹ lần nữa.
Ca khúc Đêm mưa nhớ mẹ, cậu bé vẫn hay nói chính là cả cuộc đời tuổi hạnh của cậu đã nhanh chóng chính phục cả 3 cặp huấn luyện viên.
"Lúc Nhật đi thi cũng là lúc chị phải nằm viện mổ vết thương, nên cả nhà phải giấu con. Tới khi con vào viện, nhìn mẹ nằm một chỗ, mặt sưng phù vì ứ nước thì oà khóc nức nở. Nhật chưa bao giờ nghĩ mẹ mình lại trải qua những thứ khủng khiếp như thế".
Cứ thế, cánh cửa bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ 2 của 2 mẹ con. Nhật đành chuyển trường vào Sài Gòn để ở cạnh mẹ, anh Thành cũng từ bỏ giảng đường để ngày ngày chạy Grab, chăm vợ ốm nặng ở nơi thành phố xa lạ.
"17 năm đứng trên bục giảng nên tự nhiên một ngày bỏ tất cả, đi chạy xe thì cũng sốc lắm chứ. Nhưng vì hoàn cảnh nên anh lại tự động viên mình cố gắng.
Sáng anh đưa con tới trường thì lại chạy Grab, trưa rước con về thì 2 cha con ghé chợ mua đồ về nấu ăn cho chị. Lúc nào cũng phải làm mình bận để quên, để khỏi suy nghĩ. Chỉ khi nào nhớ nghề lắm, anh mới dám mở điện thoại ra xem lại những bài vở cũ ở trường…" - anh Thành kể.
Chị Đức cũng đành giấu con, nằm viện một mình suốt thời gian dài con thi hát.
Minh Nhật oà khóc khi gặp lại mẹ.
Với họ, mỗi ngày êm đêm trôi qua là lại được thấy nhau, ngồi cạnh trong căn phòng nhỏ, quanh mâm cơm ấm mà nghe con véo von kể về một ngày ở trường tuyệt vời.
"Nhiều lúc anh muốn bán nhà để có tiền trang trải, nhưng chị nhất quyết không cho. Vì chị muốn sau này giữ cái chỗ để 2 cha con ảnh về, để còn có nơi lập cho chị cái bàn thờ yên nghỉ…" - chị Đức khóc.
Câu chuyện về cậu bé giấu mẹ đi thi Giọng hát Việt Nhí, ước mơ lấy giọng hát kiếm tiền chạy thận cho mẹ đã chạm tới trái tim nhiều người đọc. Sáng ngày 30.4, trường Trường THCS & THPT Hồng Hà, báo thanhnien.vn và các mạnh thường quân đã thực hiện chương trình ‘Chạm vào ước mơ’ cho em Nguyễn Minh Nhật .
Giờ đây nụ cười mới trở lại trong căn nhà nhỏ.
Theo đó, trường Trường THCS & THPT Hồng Hà sẽ tạo điều kiện cho anh Thành được quay lại trường giảng dạy, Nhật tiếp tục học tại trường đồng thời nhận học bổng du học Nhật Bản sau khi tốt nghiệp cấp 3. Bên cạnh đó, nhạc viện Ánh Dương cũng trao học bổng đào tạo thanh nhạc và một khoá piano cho tài năng thiên bẩm của em.
Giờ đây, tuy chị Đức không thể đi lại, đôi tay chằn chịt vết kim, sưng phồng vì vỡ van sau những đợt truyền thuốc… nhưng điều hạnh phúc to hơn cả mà chị nhận lại đươc, rằng cái lời hứa ‘Mẹ ơi! Ráng chờ con’ mà Nhật thì thầm với mẹ mỗi ngày, cuối cùng cũng trở thành hiện thực.