Rạng sáng ngày 3/9/2012, một chiếc Ferrari màu đen đã đâm vào xe máy của một cảnh sát trên đường phố Bangkok, khiến viên cảnh sát này ngã xuống đường, bị chiếc Ferrari kéo lê khoảng 100m rồi bỏ chạy.
Lần theo vết dầu rỉ ra từ chiếc siêu xe màu đen, các cảnh sát đã dừng lại tại căn nhà xa xỉ của gia tộc giàu nhất Thái Lan – đơn vị sở hữu đế chế đồ uống Red Bull.
Người đàn ông lái chiếc Ferrari đó được cảnh sát xác định chính là Vorayuth Yoovidhya - thường được biết đến với biệt danh "Boss" – người thừa kế gia tộc Red Bull với ước tính tài sản trị giá 20,2 tỷ USD theo thống kê của Forbes.
Vorayuth sau đó đã bị cáo buộc 5 tội danh gồm cả chạy quá tốc độ, lái xe gây tai nạn chết người nhưng phiên tòa đã bị đình trệ nhiều năm vì người thừa kế tỷ phú luôn vắng mặt hoặc trì hoãn lệnh hỏi cung của các công tố viên. Các nhà chức trách tin rằng anh này đã rời Thái Lan vào năm 2017.
Các cảnh sát dựng lại hiện trường vụ tai nạn vào ngày 3/9/2012.
Trong suốt nhiều năm sau đó, gia đình của viên cảnh sát bị chết trong vụ tai nạn kể trên gần như bị bỏ quên.
Sau đó, ngày 23/7 vừa qua, Colonel Sampan Luangsajjakul – đến từ Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Thái Lan xác nhận rằng Văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan (OAG) đã quyết định hủy bỏ mọi truy tố từ cơ quan công tố và cảnh sát Thái Lan chống lại Vorayuth.
Quyết định hủy bỏ mọi truy tố kể trên đã một lần nữa khiến vụ việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và đặc biệt nó gây nên sự phẫn nộ cực độ với đa số người Thái – những người từ lâu đã cảm thấy hệ thống pháp luật không công bằng, luôn bảo vệ người giàu có ở đất nước họ.
Một vài người kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Red Bull. Một số khác nói rằng quyết định không truy tố Vorayuth là sự xác nhận mới nhất về văn hóa "miễn mọi tội danh" cho giới tinh hoa Thái Lan.
"Quan điểm của công chúng là đã có những tiêu chuẩn khác biệt khi xét xử người giàu và nghèo", theo Ekachai Chainuvati – một Giảng viên tại Đại học Siam.
Sự phẫn nộ của công chúng dâng cao gây áp lực đặc biệt lên OAG, cảnh sát và đặc biệt chính quyền Thủ tướng Prayut Chan-ocha - người vốn cam kết mang lại "sự đảm bảo công bằng trong xã hội cho tất cả người dân".
Kể từ đó, câu chuyện đã xoay chiều liên tục – từ cái chết của nhân chứng quan trọng nhất đến quyết định của OAG về việc yêu cầu cảnh sát điều tra lại Vorayuth cho 2 tội danh tiềm năng có thể dẫn tới việc truy tố người này.
Mặc cho tất cả những điều đó, người thừa kế trẻ tuổi và gia đình anh ta vẫn im lặng.
Cuộc sống xa hoa
Được biết nhiều hơn với biệt danh Boss (ông chủ), Vorayuth lớn lên trong một trong những gia tộc khét tiếng nhất Thái Lan. Ông nội anh ta, Chaleo Yoovidya chính là người tạo ra nước uống tăng lực Red Bull và xây dựng nó thành một đế chế khổng lồ toàn cầu.
Sinh ra tại miền bắc Thái Lan, tỷ phú tự thân này đã bắt đầu sự nghiệp bằng việc bán dược phẩm. Năm 1956, ông thành lập nên công ty riêng là TC Pharmaceutical – phát triển thuốc trị đau đầu và sốt. Chaleo sớm có tham vọng tấn công vào thị trường lớn hơn là nước uống tăng lực. Ông sáng chế ra Krating Daeng – một loại nước uống có caffeine, ngọt trở nên phổ biến với giới lái xe tải và người làm công việc chân tay.
Năm 1984, Chaleo hợp tác với doanh nhân người Áo và sau đó cho ra mắt Red Bull – một phiên bản có carbonate của Krating Daeing. Sản phẩm này sau đó trở nên phổ biến trong giới vận động viên, học sinh, sinh viên và những người làm việc khuya.
Sau cái chết của Chaleo vào năm 2012, con trai ông là Chalerm Yoovidhya đã cai quản đế chế của gia tộc. Chalerm và gia đình ông hiện xếp vị trí thứ 2 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan, chỉ sau đế chế của anh em nhà Chearavanont.
Gia đình Yoovidhya sở hữu khoảng 1 nửa hoạt động kinh doanh toàn cầu của Red Bull – công ty bán được khoảng 7,5 tỷ sản phẩm trên 171 quốc gia vào năm 2019. Đế chế của gia đình gồm kinh doanh bất động sản, nhà hàng, rượu và là nhập khẩu chính thức của Ferrari tại Thái Lan.
Một người uống Krating Daeing - sản phẩm tiền thân của Red Bull.
Công ty mẹ của thương hiệu Thai Red Bull là TCP Group nỗ lực tránh mọi liên đới tới bê bối của người thừa kế gia đình nhà sáng lập. Trong tuyên bố họ nói rằng Vorayuth "chưa bao giờ có bất kỳ vai trò nào trong hoạt động quản lý tại tập đoàn cũng như hoạt động hàng ngày của TCP Group và cũng không phải là cổ đông hay có bất kỳ vị trí lãnh đạo nào tại TCP Group".
Giống cha và ông nội, Vorayuth không cởi mở với truyền thông và ít được biết đến ở Thái cho tới khi xảy ra vụ tai nạn vào năm 2012.
Khi lần theo vết dầu loang tới dinh thự của Yoovidhya ngày xảy ra vụ tai nạn, cảnh sát đã nhìn thấy chiếc siêu xe biến dạng ngay trong khuôn viên của gia đình. Ngay lập tức, một người đàn ông tự xưng là lái xe của gia đình này thừa nhận rằng anh ta chính là người lái chiếc Ferrari tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Anh này sau đó đã phải nộp phạt 200 USD vì khai báo sai sự thật. Sau đó, Vorayuth đã phải đến sở cảnh sát để trình diện – nơi anh ta thừa nhận đã lái chiếc Ferrari và đâm phải chiếc xe máy nhưng nói rằng anh ta bất ngờ bị chiếc xe máy tạt qua trước đầu xe. Anh ta được thả với khoản bảo lãnh 500.000 baht – tương đương khoảng 16.000 USD.
Trong nhiều năm sau, Vorayuth không xuất hiện tại tòa, khi thì do bệnh hoặc đang đi công tác nước ngoài. Các công tố viên sau này đã ra lệnh bắt giữ anh ta vào tháng 4/2017 – tức là 5 năm sau vụ tai nạn. Tuy nhiên đã quá muộn – Vorayuth đã rời khỏi Thái Lan.
Interpol đã phát lệnh truy nã quốc tế với anh này nhưng suốt nhiều năm, không ai biết Vorayutha đang ở đâu.
CNN đã nỗ lực liên lạc với Vorayuth và gia tộc của anh ta nhưng không nhận được phản hồi.
"Kỳ án Ferrari"
Trong suốt thời gian dài, vụ án liên quan tới Vorayuth vẫn bị ngưng trệ. Có 2 cáo buộc ban đầu đối với Vorayuth đã không còn hiệu lực vào năm 2017. Cáo buộc nghiêm trọng nhất là lái xe bất cẩn gây chết người có thời hiệu truy cứu đến năm 2027, tuy nhiên nó cũng "bốc hơi" sau khi quyết định hủy truy tố từ cơ quan công tố và cảnh sát Thái Lan.
Net Narksook – công tố viên phụ trách vụ án không đưa ra bất kỳ lý do nào cho quyết định này nhưng bức thư được công bố bởi OAG đã nói rằng cảnh sát dựa trên "những bằng chứng mới" cho thấy Vorayuth không chạy quá tốc độ tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Theo bức thư gửi ngày 12/6, Vorayuth ban đầu bị cáo buộc bởi cảnh sát khi chạy với tốc độ 177 km/h ở nơi tốc độ cho phép chỉ là 80km/h. Tuy nhiên, sau khi phía cảnh sát đã xem xét lại và tham khảo "chuyên gia" thì họ xác định ở thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc Ferrari của Vorayuth chỉ chạy ở mức 79km/h – ở mức cho phép. Phía cảnh sát không giải thích làm thế nào mà họ xem xét lại và có được con số trên.
Ngoài ra, tài liệu còn nói rằng 2 "nhân chứng bổ sung" nói với công tố vào ngày 12/2019 rằng chiếc Ferrari chỉ đi ở tốc độ khoảng 50 – 60 km/h ở thời điểm xảy ra tai nạn.
Một trong những nhân chứng quan trọng là Jaruchart Mardthong nói rằng anh đang lái xe tải sau xe vị cảnh sát gặp tai nạn và nhìn thấy chiếc xe này đột ngột chặn ngang chiếc Ferrari của Vorayuth.
Được biết vài tuần sau vụ tai nạn, Jaruchart đã khai báo với cảnh sát những gì nhìn thấy nhưng tới tháng 12 năm ngoái, anh này lại được yêu cầu bổ sung thêm lời khai. Đến thời điểm gần đây, Jaruchart được dự kiến sẽ tiếp tục bị triệu tập để điều tra thêm khi lệnh hủy bỏ truy tố Vorayuth gây nên quá nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, đầu giờ sáng ngày 30/7, Jaruchart đã tử vong vì tai nạn xe mô tô.
Nhân chứng bất ngờ chết 1 ngày sau khi có quyết định lật lại vụ án
Cái chết bất ngờ của nhân chứng quan trọng đã gây nên tranh cãi nảy lửa. Tài liệu cho thấy Jaruchat lái xe motor trên 1 con đường vắng ở Chiang Mai trước khi va vào một chiếc motor khác đi cùng chiều.
Gen Prachuab Wongsuk – Cao Ủy đội cảnh sát khu vực 5 nói rằng đêm hôm trước Jaruchart có gặp gỡ với 1 người đàn ông khác và uống rượu ở quán bar và Jaruchart sau đó đồng ý đi theo người này tới 1 địa điểm khác.
Cảnh sát nói rằng điều tra của họ cho thấy Jaruchart đã mất kiểm soát chiếc xe và đâm vào một người lái xe khác.
Prachuab nói rằng sự va đập dẫn đến tai nạn nhưng cảnh sát không ngoài trừ "động cơ ám sát" và khẳng định: "Chúng tôi đang điều tra quanh vụ Jaruchart".
Với một vài người quan sát, yếu tố thời gian rất quan trọng – cái chết của Jaruchart đến chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Prayut tuyên bố ông sẽ lập hội đồng điều tra lại về vụ tai nạn chết người của Vorayuth.
Một số người khác cũng dấy lên nghi ngờ - chiếc điện thoại của Jaruchart đã biến mất sau vụ tai nạn.
Khi những nghi ngờ và uẩn khúc nổi lên quanh vụ tai nạn của Jaruchart, Prayut yêu cầu tạm ngưng hỏa thiêu Jaruchart vào ngày 2/8 và cảnh sát Chiang Mai đã bàn giao thi thể cho bên pháp y thứ 2.
Bên pháp y thứ 2 sau đó báo cáo rằng Jaruchart bị gãy xương, dập lá lách, vỡ xương sườn, chảy máu não và dạ dạy do tai nạn giao thông. Kết quả của phía pháp y thứ nhất không được công bố.
Sau đó vào thứ 3, tức là ngày 4/8, "kỳ án Ferrari" chuyển sang một cao trào mới.
Ủy ban của OAG nói rằng "có những bằng chứng mới" – được lấy ý kiến từ Sathon Vijarnwannaluk – một giảng viên vật lý tại Đại học Chulalongkorn dự đoán rằng chiếc Ferrari của người thừa kế Red Bull có thể đang đi ở tốc độ 177 km/h thời điểm xảy ra vụ tai nạn - tức là phù hợp với kết luận ban đầu của cảnh sát.
Ủy ban này nói rằng họ đã nghe thấy bài phỏng vấn của Vijarnwannaluk trên truyền thông Thái Lan vào tuần trước. Vị này nói đã sử dụng dữ liệu của hệ thống camera giám sát để tính toán tốc độ của chiếc Ferrari và đã kết luận như vậy.
Hội đồng OAG nói rằng sự đánh giá của Vijarnwannaluk không có trong hồ sơ cảnh sát và bởi vậy công tố viên không nhận ra dự đoán của ông khi họ quyết định hủy truy tố. Hội đồng này nói rằng công tố viên không nhìn thấy dự đoán tốc độ của chiếc Ferrari đạt 177km/h trong bất kỳ hồ sơ nào của cảnh sát.
Một người phát ngôn OAG nói rằng chính quan điểm của Vijarnwannaluk đã dẫn hội đồng tới việc đề nghị OAG buộc cảnh sát mở lại cuộc điều tra về tốc độ của chiếc Ferrari ở thời điểm xảy ra tai nạn
Hội đồng cũng gợi ý cảnh sát điều tra bổ sung về cáo buộc chất gây nghiện với Vorayuth ở thời điểm gây tai nạn khi họ nói xét nghiệm máu cho thấy Vorayuth dương tính với một số chất ma túy.
Đến ngày thứ 2 tuần này, OAG đã thông báo họ đã thực hiện tất cả những đề nghị trên từ phía hội đồng và cho phía cảnh sát thời hạn 10 ngày để nộp hồ sơ báo cáo việc điều tra.
"Thông điệp chính chúng tôi muốn gửi đến ngày hôm nay là OAG đã làm sống lại vụ án, khiến Boss phải quay về chịu sự trừng trị theo đúng pháp luật", đại diện OAG nói.
Bê bối gia tộc
Bê bối này không phải là thứ duy nhất khiến xã hội Thái Lan phẫn nộ với gia tộc nhà sáng lập Red Bull. Trong một tuyên bố hiếm có vào tháng trước, một vài thành viên của gia tộc Vorayutha xin lỗi "vì những tin tức về 1 thành viên trong gia đình đã gây ra sự phẫn nộ trong xã hội. Chúng tôi phải công khai bức thư này để nhấn mạnh sự tiếc nuối về tình huống đã xảy ra và xác nhận sự tôn trọng của chúng tôi với hệ thống pháp luật của nước nhà".
Gia đình của viên cảnh sát chết trong vụ tai nạn hết sức ngạc nhiên bởi những chuyển biến mới trong vụ án. Trong một bài phỏng vấn với "Hone-Krasae" – một show truyền hình nổi tiếng của Thái, chị dâu của vị cảnh sát quá cố nói rằng cô đã bị sốc khi nghe thấy có những bằng chứng mới trong vụ tai nạn của em mình.
3 thế hệ trong gia tộc sở hữu đế chế Red Bull.
Cô cho biết cảnh sát trước đó đã nói rằng không còn nhân chứng cho vụ việc. Hiện tại những truy tố chống lại Vorayuth không còn nhưng anh ta vẫn là một người đang có lệnh bắt giữ.
Vicha Mahakun – người đứng đầu Hội đồng điều tra độc lập của Thủ tướng Thái Lan nói vào thứ 4 rằng việc bắt giữ Vorayuth vẫn đang tiến hành sau khi tòa án yêu cầu cảnh sát rút lại quyết định hủy truy tố trước đó.
Từ nay cho tới ngày 20/8, phía cảnh sát sẽ phải hỏi lại nhân chứng và hoàn thành báo cáo cho OAG. Sau đó, hy vọng "kỳ án Ferrari" của người thừa kế sáng giá gia tộc Red Bull sẽ được làm sáng tỏ.