Cắt giảm sản lượng dầu, Ả Rập Saudi chấp nhận chịu thiệt trước Nga và Iran?

Nhàn Đàm |

Đến thời điểm hiện tại, việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng ở Vienna ngày 30.11 dường như vẫn là một điều khó tin với cả thế giới, khi Ả Rập Saudi – tác nhân chính quyết định thành bại của thỏa thuận, đã chấp nhận chịu phần thiệt thòi nhất khi là quốc gia có mức cắt giảm sản lượng lớn nhất.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu tại Vienna ngày 30.11 giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước ngoài OPEC đang đạt hiệu quả sớm hơn nhiều so với dự đoán.

Chỉ đến ngày thứ hai (5.12), tức chưa đầy một tuần sau, giá dầu thô trên thị trường đã đạt mức trên 55 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua.

Chỉ trong vòng 6 ngày sau khi thỏa thuận được hoàn tất, giá dầu thô đã tăng tới 19% - mức tăng cao nhất trong vòng gần 8 năm qua, và nó được dự đoán sẽ tiếp tục đà tăng giá đến khi chạm mốc 60 USD/thùng.

Đến thời điểm hiện tại, việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng ở Vienna ngày 30.11 dường như vẫn là một điều khó tin với cả thế giới, khi Ả Rập Saudi – tác nhân chính quyết định thành bại của thỏa thuận, đã chấp nhận chịu phần thiệt thòi nhất khi là quốc gia có mức cắt giảm sản lượng lớn nhất.

Xét trên khía cạnh tỷ lệ cắt giảm giữa các nước tham gia thỏa thuận Vienna cũng như lợi nhuận thu được, Ả Rập Saudi có lẽ là quốc gia chịu thiệt thòi lớn nhất.

Trước hết, Saudi là nước có mức sản lượng phải cắt giảm lớn nhất, lên tới 486.000 thùng/ngày, trong khi đó kình địch của Saudi là Iran không những không phải cắt giảm mà còn được phép tăng nhẹ sản lượng so với thời điểm tháng 10.2016.

Về lợi nhuận thu được từ những đợt tăng giá nhẹ trước đó do thị trường dự báo thỏa thuận cắt giảm sẽ diễn ra, thì Nga mới là quốc gia thu lợi lớn nhất, với khoản lời lên tới 6 tỉ USD. Mức cắt giảm sản lượng của Nga cũng thấp hơn Saudi, chỉ khoảng 300.000 thùng/ngày.

Chính sự bất đồng nghiêm trọng về tỷ lệ cắt giảm giữa các nước tham gia thỏa thuận là nguyên nhân khiến các hội nghị trước đó như tại Doha đã thất bại, trong đó Ả Rập Saudi buộc Nga và Iran phải chấp nhận mức cắt giảm lớn hơn.

Vậy, đâu là lý do khiến Riyadh xuống nước, chấp nhận phần thiệt thòi trong hội nghị Doha lần này?

Theo các nhà phân tích của hãng tin Reuters, việc Ả Rập Saudi chấp nhận chịu một số thiệt thòi để thúc đẩy thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần này là kết quả của một tính toán cực kỳ phức tạp và tinh vi.

Trước hết, thỏa thuận cắt giảm ở Vienna lần này sẽ không làm xáo trộn thị phần trên thị trường thế giới, khi tất cả các cường quốc xuất khẩu lớn nhất như Nga, Iraq và Iran đều đã tới giới hạn cao nhất có thể.

Theo đó, lý do khiến Riyadh khăng khăng từ chối một thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu trong 2 năm từ 2014-2016 bao gồm 2 nguyên nhân chính: loại bỏ sự cạnh tranh của dầu đá phiến Mỹ thông qua sức ép giảm giá dầu, và bảo vệ thị phần của OPEC nói chung và Saudi nói riêng trên thị trường thế giới.

Nếu OPEC và Ả Rập Saudi giảm sản lượng thì rất có thể dẫn đến nguy cơ một quốc gia ngoài OPEC như Nga có thể chiếm thị phần khi khả năng tăng sản lượng của Moscow vẫn còn.

Đó là lý do vì sao dù các công ty dầu đá phiến Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng giá dầu thô quá thấp, khiến cho sản lượng dầu thô khai thác của Mỹ sụt giảm mạnh từ cuối tháng 6.2015, mà Saudi và OPEC vẫn tiếp tục từ chối cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu trong hơn 1 năm tiếp theo.

Đó là vì những nước cạnh tranh thị phần với Saudi như Nga và Iran vẫn còn khả năng thúc đẩy sản lượng khai thác của mình.

Chỉ đến thời điểm hiện tại, khi sản lượng khai thác của cả Nga lẫn Iran được dự báo đã chạm mức đỉnh (với Iran là cuối tháng 12.2016) và không thể tăng thêm nữa, thì Riyadh mới đồng ý một thỏa thuận cắt giảm toàn cầu.

Trên thực tế, khoản cắt giảm 486.000 thùng/ngày không có nhiều ý nghĩa với Saudi khi nước này đã tăng sản lượng khai thác của mình hơn 1 triệu thùng/ngày trong vòng 1 năm trở lại đây (cũng tương tự như Nga khi Moscow đã tăng sản lượng hơn 600.000 thùng/ngày trước khi chấp nhận mức cắt giảm 300.000 thùng/ngày).

Nói cách khác, một thỏa thuận cắt giảm toàn cầu ở thời điểm hiện tại đảm bảo 2 lợi ích quan trọng nhất với Saudi: giá dầu tăng cao trở lại, và thị phần của nước này trên thị trường thế giới không bị đe dọa.

Ngoài ra, giá dầu tăng cao ở thời điểm hiện tại cũng đem lại những lợi ích lớn khác cho Saudi, khi 2 kế hoạch cải cách kinh tế quy mô lớn của nước này là dự án “Tầm nhìn 2030” (chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Saudi từ phụ thuộc vào dầu lửa sang một mô hình đa dạng hơn) và dự án IPO công ty dầu khí quốc gia (và cũng là tập đoàn dầu lớn nhất thế giới) Aramco sẽ bắt đầu tiến hành trong năm nay.

Cả 2 kế hoạch này đạt được mức độ thành công đến đâu phụ thuộc khá lớn vào giá dầu trên thị trường.

Vì thế, nếu nhìn vào con số cắt giảm và lợi nhuận thu được từ thỏa thuận Vienna lần này, thế giới dễ lầm tưởng rằng Iran và Nga mới là những nước thu được nhiều lợi ích nhất. Nhưng trên thực tế, Ả Rập Saudi vẫn là người đứng sau đạo diễn và giật dây toàn bộ để đảm bảo lợi ích lớn nhất cho mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại