Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Gazprom Alexey Miller
Sếp Gazprom: "Hàng của Nga, luật của Nga"
Theo trang The Moscow Times và đài BBC (Anh), người đứng đầu tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom hôm 16/6 vừa khẳng định rằng Moskva sẽ "chơi theo luật của mình" - sau khi tập đoàn này cắt giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp hàng ngày cho EU thông qua đường ống Nord Stream sang Đức.
"Hàng của Nga, luật của Nga. Chúng tôi không chơi theo những quy tắc không phải do chúng tôi tạo ra", Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Gazprom Alexey Miller phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg.
Đầu tuần này, Gazprom đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt tự nhiên được cung cấp cho EU thông qua đường ống Nord Stream. Lý do được Gazprom đưa ra là do công ty Siemens của Đức không đưa các thiết bị bơm khí đốt trở lại các trạm nén khí đúng hạn.
Theo thông báo của Gazprom trên Telegram: "Nguồn cung khí đốt cho đường ống dẫn khí Nord Stream hiện có thể được cung cấp với số lượng lên đến 100 triệu mét khối/ngày".
Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Gazprom Alexey Miller
So với khối lượng giao hàng theo kế hoạch hàng ngày của Gazprom là 167 triệu mét khối, thì lượng khí đốt được giao sang EU bị cắt giảm 40%.
Ông Miller cho hay: "Hiện tại không có cách nào để giải quyết vấn đề phát sinh với trạm nén khí. Siemens vẫn im lặng, cố gắng tìm kiếm một giải pháp."
Cũng trong ngày 16/6, Gazprom cho biết lượng khí đốt xuất khẩu sang các quốc gia ngoài khối Liên Xô cũ đã giảm 28,9% từ đầu năm nay đến ngày 15/6, so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tất nhiên, Gazprom đang giảm khối lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu", ông Miller cho biết thêm rằng tuy nguồn cung giảm, nhưng giá khí đốt đã tăng lên vài lần.
Moskva đã mất đi một số khách mua khí đốt ở châu Âu sau khi nước này yêu cầu tất cả các quốc gia "không thân thiện" phải mua khí đốt Nga bằng đồng rúp, một động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Nga đã "khóa van" sang Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan do các nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Các nước EU đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng lại chia rẽ về việc áp đặt lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên vì một số nước thành viên phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Moskva.
Đức chỉ trích, Nga cảnh báo "thảm họa khí đốt"
Đài RT đưa tin, sau khi Gazprom cắt giảm 40% khối lượng khí đốt giao hàng ngày cho EU, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã chỉ trích hành động của Nga là "có động cơ chính trị".
Theo đó, ông Habeck cũng bày tỏ nghi ngờ rằng việc Nga tắt một tổ máy thực sự có thể ảnh hưởng tới 40% khối lượng khí đốt giao hàng ngày của EU, trong khi việc bảo trì không chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
Ảnh minh họa
Về phía Nga, trả lời đài RIA Novosti tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg, Đại sứ của Nga tại EU Vladimir Chizhov hôm 16/6 cảnh báo rằng những vấn đề liên quan đến bảo trì thiết bị bơm của đường ống Nord Stream có thể dẫn đến hậu quả là Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên cho EU.
"Đó sẽ là một thảm họa" đối với Đức, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt thông qua đường ống của Nga, Đại sứ Chizhov nhấn mạnh.
"Chúng ta nên hỏi Siemens, vì sao họ phải đưa thiết bị bơm sang tận Canada để sửa chữa", ông Chizhov nói.
Hôm 16/6, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu lần đầu tiên tăng vọt lên mức hơn 1.500 USD/1.000 mét khối kể từ tháng 4, theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE London.
Thêm một khách hàng EU nói Nga giảm nguồn cung khí đốt
Hãng tin Bloomberg đưa tin, tập đoàn năng lượng đa quốc gia Engie của Pháp hôm 16/6 vừa thông báo rằng Nga đã giảm khối lượng khí đốt giao cho công ty này.
Một số công ty năng lượng của châu  như Uniper (Đức), Eni (Italy), và OMV (Áo), cũng đã đưa ra thông báo tương tự.
Việc Nga cắt giảm mạnh khối lượng khí đốt giao sang châu Âu dự kiến sẽ khiến giá khí đốt tự nhiên trên lục địa này tăng cao hơn nữa.
EU ký thỏa thuận khí đốt với Ai Cập và Israel
Mới đây, trong chuyến thăm Cairo của Chủ tịch Ủy an Châu Âu Ursula von der Leyen, EU cùng Ai Cập và Israel đã ký thỏa thuận tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Đây là thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh EU đang tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga
Bà Ursula von der Leyen cũng đã cam kết cung cấp cho Ai Cập gói cứu trợ trị giá 100 triệu Euro (104 triệu USD) cho an ninh lương thực, do Ai Cập đang thiếu ngũ cốc do hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
"Chúng tôi muốn thoát phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga bằng cách đa dạng hóa các nhà cung cấp đáng tin cậy, và Ai Cập là một trong những đối tác đáng tin cậy ấy", bà Von der Leyen tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.
Lễ ký biên bản ghi nhớ về xuất khẩu khí đốt giữa Ai Cập, Israel và EU tại Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải.
Theo Bộ Dầu khí Ai Cập, biên bản ghi nhớ về xuất khẩu khí đốt giữa Ai Cập, Israel và EU đã được ký kết tại Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải.
Theo thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD vào năm 2020, Israel đã xuất khẩu khí đốt từ một mỏ ngoài khơi sang Ai Cập, nơi nó được hóa lỏng và vận chuyển đến các nước châu Âu.
Tuy nhiên, việc gia tăng đáng kể lượng khí đốt xuất khẩu từ Israel qua Ai Cập sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn lớn.
Bà Von der Leyen cũng nói thêm rằng Ai Cập sở hữu nguồn năng lượng mặt trời và gió rất dồi dào - thứ mà bà gọi là "nguồn năng lượng của tương lai", và việc EU và Ai Cập cùng nghiên cứu về các nguồn năng lượng này là vì "lợi ích chung của hai bên"./.