Cặp vợ chồng gửi tiết kiệm 65 tỷ đồng, sau 5 năm số dư chỉ còn hơn 100 nghìn: Cảnh sát vào cuộc điều tra, ngân hàng khẳng định không liên quan

Ánh Lê |

Đặt niềm tin sai chỗ, cặp vợ chồng Trung Quốc nhận về bài học nhớ đời.

Cặp vợ chồng gửi tiết kiệm 65 tỷ đồng, sau 5 năm số dư chỉ còn hơn 100 nghìn: Cảnh sát vào cuộc điều tra, ngân hàng khẳng định không liên quan- Ảnh 1.

Năm 2010, một người phụ nữ tên Diệp Tiểu Phân đến từ Chiết Giang, Trung Quốc, đã cùng chồng là ông Hồ gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm trị giá hơn 19 triệu NDT (hơn 65 tỷ đồng) vào chi nhánh ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc ở Thanh Điền, Lệ Thủy, Chiết Giang. Tuy nhiên 5 năm sau đó, số tiền tiết kiệm trên của bà Diệp bỗng nhiên bốc hơi, chỉ còn lại 34 NDT (hơn 100 nghìn đồng) trong tài khoản.

Sự việc xảy ra đã khiến dư luận đất nước tỷ dân xôn xao, bàn tán trong một thời gian dài. Câu hỏi đặt ra là vì sao số tiền lớn như vậy lại có thể biến mất khi được gửi ở một ngân hàng uy tín? Cuối cùng, cảnh sát đã vào cuộc điều tra và làm sáng tỏ vụ việc.

Sai lầm từ 2 chữ “tin tưởng”

Theo Sohu, vợ chồng bà Diệp vốn là doanh nhân. Khi công việc kinh doanh được phát triển và mở rộng, cả hai đã ra nước ngoài sinh sống. Năm 2010, vợ chồng bà Diệp trở về Trung Quốc để thăm họ hàng. Thông qua sự giới thiệu của người thân, họ quen một người đàn ông tên Diệp Quốc Cường là giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tại Thanh Điền, huyện Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang.

Vốn là người làm ăn kinh doanh, thế nhưng vợ chồng bà Diệp lại không có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý tài chính. Cũng vì thế nên khi nghe giám đốc Diệp Quốc Cường chia sẻ bí quyết giúp tiền đẻ ra tiền khi gửi vào ngân hàng, họ nhanh chóng trở thành khách hàng của người đàn ông này.

Cặp vợ chồng gửi tiết kiệm 65 tỷ đồng, sau 5 năm số dư chỉ còn hơn 100 nghìn: Cảnh sát vào cuộc điều tra, ngân hàng khẳng định không liên quan- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

Sau khi bàn bạc, vợ chồng bà Diệp cho rằng tiền gửi ngân hàng Trung Quốc dù không sinh lãi nhiều nhưng vẫn an toàn hơn việc gửi ở ngân hàng nước ngoài. Hơn nữa, chi nhánh ngân hàng mà vị giám đốc Diệp kia quản lý cũng rất uy tín nên cả hai bên đã nhanh chóng ký hợp đồng và tiến hành gửi tiền ngay.

Ngày 7 tháng 4 năm 2010, theo sự hướng dẫn của chồng là ông Hồ, bà Diệp đã dùng hộ chiếu của mình mở tài khoản ngân hàng tại chi nhánh Thanh Điền nơi giám đốc Diệp Quốc Cường làm việc. Không những thế, vì ở xa và tin tưởng “người quen” nên cả hai còn ủy quyền thẻ ngân hàng và cho giám đốc này biết thông tin tài khoản của mình để giúp họ quản lý.

Mỗi khi nhận được một khoản tiền, Diệp Quốc Cường sẽ lần lượt gọi điện cho vợ chồng bà Diệp để báo cáo chi tiết số tiền đã nhận. Thấy người bạn này rất cẩn thận lại chu đáo nên vợ chồng bà Diệp hoàn toàn yên tâm giao phó toàn bộ tiền bạc gửi trong ngân hàng cho ông ta. Tuy nhiên, cũng chính vì sự tin tưởng này đã khiến họ phải trả một cái giá rất đắt.

Theo đó, năm 2015, bà Diệp liên lạc với Diệp Quốc Cường để hỏi về khoản tiền gửi của mình thì phát hiện số điện thoại của người này không thể liên lạc được. Vì quá lo lắng, 2 vợ chồng bà lập tức quyết định trở về Trung Quốc và đến ngay Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc chi nhánh Thanh Điền để tìm hiểu lý do.

Cũng tại đây, vợ chồng bà mới biết rằng người bạn Diệp Quốc Cường đã từ chức từ nửa năm trước. Bà Diệp lập tức lấy thẻ ngân hàng trong túi ra và nhờ nhân viên kiểm tra giúp thì thấy số dư trong thẻ chỉ còn hơn 34 NDT. Nhận được tin sốc, bà Diệp ngất đi và phải nhập viện. Chồng bà ngay sau đó cũng gọi điện báo cảnh sát Trung Quốc. Vì số tiền liên quan quá lớn nên Cục Công an Lệ Thủy ngay lập tức thành lập một đội đặc nhiệm và phát động truy lùng đối tượng Diệp Quốc Cường trên toàn quốc.

Sự việc sáng tỏ, kẻ gian bị bắt

Không lâu sau đó, đối tượng họ Diệp đã bị cảnh sát bắt giữ khi đang bỏ trốn ở Quảng Châu. Qua thẩm tra, người này khai nhận chiếm đoạt tiền tiết kiệm của vợ chồng bà Diệp, đồng thời thể hiện thái độ hối cải và cầu xin sự khoan hồng của pháp luật.

Theo lời khai, để theo đuổi lợi nhuận cao, Diệp Quốc Cường đã “tất tay” đầu tư toàn bộ 19 triệu NDT của vợ chồng bà Diệp vào các dự án có rủi ro cao. Thậm chí, người này còn chiếm đoạt một phần tiền làm của riêng mà không có sự đồng ý của người gửi tiền.

Tính đến tháng 10 năm 2010, Diệp Quốc Cường đã phải gánh chịu khoản lỗ nghiêm trọng ngay sau khi “xuống tay” hàng triệu NDT vào những khoản đầu tư của mình. Để không bị phát hiện, người này bịa đặt nhiều thông tin và xúi giục vợ chồng bà Diệp đầu tư nhiều hơn rồi “bỏ trứng vào một rổ” với hy vọng trúng mánh trong một lần. Đáng tiếc, thay vì sinh lãi, số tiền đầu tư mà Diệp Quốc Cường bỏ ra “bốc hơi” ngày càng nhiều khiến hắn rơi vào ngõ cụt.

Cặp vợ chồng gửi tiết kiệm 65 tỷ đồng, sau 5 năm số dư chỉ còn hơn 100 nghìn: Cảnh sát vào cuộc điều tra, ngân hàng khẳng định không liên quan- Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Internet

Vào cuối năm 2014, vợ chồng bà Diệp cảm thấy nhiều số tiền thu về từ việc nhờ Diệp Quốc Cường đầu tư và quản lý đã thu về lợi nhuận lớn nên lên kế hoạch rút toàn bộ gốc và lãi để đầu tư vào dự án khác. Sợ hành vi của mình bị lộ tẩy, người này ra sức khuyên nhủ vợ chồng bà Diệp không nên rút tiền vội kẻo lỗ nặng. Cứ thế, họ chần chừ đến mùa hè năm 2015 mới liên lạc với Diệp Quốc Cường để rút tiền thì phát hiện tiền mình đã không cánh mà bay.

Theo thông tin từ phía cảnh sát Trung Quốc, không chỉ vợ chồng bà Diệp, Diệp Quốc Cường còn lừa nhiều người khác mở tài khoản ngân hàng và thực hiện hành vi tương tự. Vào cuối tháng 11 năm 2015, tòa án sơ thẩm đã tuyên án 15 năm tù và phạt 100.000 NDT ( hơn 344 triệu đồng) với Diệp Quốc Cường. Đồng thời, tòa án yêu cầu đối tượng lừa đảo này phải trả lại hơn 19 triệu NDT cho người bị hại là vợ chồng bà Diệp.

Biết Diệp Quốc Cường không có đủ tiền để trả cho mình, vợ chồng bà Diệp đã đến chi nhánh nhân hàng liên quan tại huyện Thanh Điền để yêu cầu giải thích. Họ tin rằng Diệp Quốc Cường với tư cách là người quản lý ngân hàng đã lừa gạt tiền của khách hàng nên ngân hàng này cũng phải chịu trách nhiệm chung và phải bồi thường thiệt hại cho họ. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết đây là chuyện cá nhân của Diệp Quốc Cường và không liên quan gì đến ngân hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại