Cập nhật tình hình mưa lũ: 30 người chết, mất tích; hàng ngàn hecta lúa bị mất trắng

KH.V |

Theo báo cáo chính thức từ Ban chỉ đạoTrung ương về Phòng, chống thiên tai đến 13h ngày 22.7, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 đã khiến 19 người chết, 11 người mất tích, 11 người bị thương, khoảng 15.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, trong đó trên 5.500 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp.

Báo cáo về thiệt hại do mưa lũ , Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết: Trong số 19 người bị thiệt mạng do hoàn lưu bão số 3 , tỉnh Yên Bái có 11 người, Sơn La: 2 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Hòa Bình: 1 người.

Thanh Hóa: 2 người; 11 người mất tích: (Yên Bái: 6 người, Sơn La: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 3 người). Ngoài ra, còn 17 người bị thương; 217 ngôi nhà bị sập, 9.591 ngôi nhà bị ngập, 5.549 ngôi nhà bị hư hỏng và phải di dời khẩn cấp...

Mưa lũ đã khiến 59.038ha lúa ở khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng bị ngập úng. Trong đó nặng nề nhất là Thái Bình: 20.000ha, Nam Định: 17.733ha, Hải Dương: 10.166ha, Ninh Bình: 5.290ha, Hải Phòng: 4.419ha, (Hà Nội: 700ha, Hà Nam: 430ha...).

Mưa lũ cũng khiến 2.003ha ngô và hoa màu bị thiệt hại; 1.313 con gia súc, 27.649 con gia cầm chết, cuốn trôi; 5.415ha thúy sản thiệt hại.

Về GTVT, tính đến 18h00 ngày 21.7.2018, còn nhiều điểm bị ách tắc tại Phú Thọ, Sơn La..., chính quyền các địa phương đang huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp trong những ngày qua, sáng 22.7, Bộ trưởng – Trưởng ban BCĐ Trung ương về PPCTT Nguyễn Xuân Cường đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành hồ Hòa Bình, chủ động ứng phó với thiên tai của dân cư khu vực hạ lưu đập và tình hình sạt lở đồi ông Tượng khu vực phường Chăm Mát, TP.Hòa Bình.

Tiếp tục chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai, Trưởng BCĐ Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và các tình thế thời tiết nguy hiểm để chỉ đạo các biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trước hết tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu. Tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng.

Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông tin về một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trên biển Đông, đồng thời cảnh báo khả năng xuất hiện thêm một ATNĐ khác tại Vịnh Bắc Bộ.

Đối với ATNĐ gần bờ, đến 10 giờ ngày 23.7, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng cùa hoàn lưu ATNĐ, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió giật cấp 6-7; ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động mạnh.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại