Ban đầu, các nhà khoa học đã không thể tin vào những gì mình nhận được, rằng tất cả chỉ là sự nhầm lẫn. Chỉ 21 ngày sau khi rời đảo Spitsbergen của Na-Uy, con cáo Bắc Cực họ đang theo dõi đã xuất hiện tại đảo Greenland. Chưa đầy 3 tháng sau, nó đến Canada. Tổng cộng, con cáo di chuyển ít nhất 50km/ngày, thậm chí có ngày con số lên tới 100.
"Khi các dữ liệu báo về, chúng tôi đã giật mình tự hỏi "có đúng không đấy"?" - trích lời Arnaud Tarroux, một trong những chuyên gia đang dõi theo cô cáo tuyết Bắc Cực. "Liệu có lỗi gì trong trích xuất dữ liệu không?"
Nhưng tất cả đều là thật, không những vậy con cáo vẫn đang tiếp tục di chuyển. Theo các báo cáo gần đây thì chuyến đi của nó bắt đầu từ năm 2018, và thông tin này đã khiến Tarroux cùng cộng sự người Na-Uy là Eva Fuglei phải tròn mắt ngạc nhiên. Ai cũng ngỡ ngàng trước sức chịu đựng và khả năng sinh tồn của sinh vật nhỏ bé ấy.
Con cáo xuất hiện tại Canada
Trên thực tế, các nhà khoa học cũng biết rằng một số loài cáo bản địa tại Bắc Cực và khu vực xung quanh Bắc bán cầu thường có những chuyến du hành rất dài. Các mẫu ADN được tìm thấy cho thấy chúng vượt qua được cả những vùng biển băng.
Tuy nhiên, con cáo lần này đã khiến họ giật mình vì tốc độ di chuyển của nó: trong 76 ngày vượt qua quãng đường dài 4350km. Từ đây, một số dữ kiện từ thập niên 1800 về việc phát hiện cáo phương Bắc ở rất xa nơi ở của chúng cũng dần được làm sáng tỏ.
"Chúng tôi đã không biết làm cách nào và trong bao lâu chúng làm được việc đó," - Tarroux chia sẻ.
Được biết con cáo họ theo dõi thuộc họ cáo tuyết, nhưng hành trình dài qua các mùa đã khiến bộ lông của nó "bay màu", trở thành nâu xám ánh xanh. Đây là một cơ chế sinh tồn của họ cáo tuyết - giống như loài thỏ - để cho dễ nguỵ trang.
Con cáo đã đặt chân đến đảo Ellesmere (Canada) vào tháng 7/2018. Trong số 50 - 60 cá thể họ theo dõi, đây là con duy nhất vượt ra khỏi phạm vi của Na-Uy.
Các chuyên gia tin rằng con cáo buộc phải di cư vì thiếu thức ăn, nhưng không chắc chắn lắm. Bộ vòng theo dõi ngừng hoạt động vào tháng 2/2019, nhưng rồi tiếp tục phát tín hiệu cho thấy nó đang ở đảo Nunavut (Canada).
Trước kia, cũng từng có một con cáo Bắc Cực khác được ghi nhận di chuyển qua quãng đường tương tự, nhưng trong thời gian dài hơn hẳn - lên đến 6 tháng. Một số loài cáo tại đây cũng có tập tính như vậy.
Khoa học từ lâu đã cảm thấy khó hiểu vì khả năng di cư của cáo. Năm 1885, nhà thám hiểm Fridtjof Nansen người Na-Uy đã phải kinh ngạc khi theo dõi dấu vết của một con cáo trong chuyến thám hiểm Bắc Cực. "Một con cáo làm gì ở đây chứ, vượt qua cả một eo biển?" - Nansen đã viết như vậy trong nhật ký hành trình của mình.
Hành trình 4300km của con cáo tuyết
Khoa học hiện đại đã giúp Nansen trả lời những câu hỏi. Họ xác nhận rằng những con cáo ở Bắc Cực có bộ gene được chia sẻ từ nhiều nhóm cáo, trải rộng khắp lục địa. Nghĩa là chúng có khả năng di chuyển cực kỳ xa.
Một số chuyên gia đặt giả thuyết rằng có ai đó đã nhặt được chiếc vòng theo dõi, hoặc con cáo lạc lên một con thuyền nào đó. Nhưng các dấu vết cho thấy chúng đã đi bộ, vượt qua cả những vùng biển băng và điều này càng khiến họ giật mình hơn.
"Những vùng biển băng là thứ quan trọng để hành trình này có thể diễn ra. Nhưng nếu biến đổi khí hậu tiếp tục nghiêm trọng, nhiều khả năng các loài cáo không thể làm như vậy nữa trong tương lai."
Tham khảo: Science Alert, Washington Post