Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là trục giao thông quan trọng kết nối Thủ đô Hà Nội với TP.Hải Phòng, nối liền vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc… Sau 2 năm đi vào hoạt động dự án vẫn bị đánh giá chưa phát huy hiệu quả.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về xây dựng cao tốc Bắc Nam, ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường 5 chính là bài học thực tiễn cần tổng kết lại.
Ông Thiên cũng đưa ra câu hỏi với lãnh đạo bộ Giao thông Vận tải vì sao đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội chưa đông xe, không phát huy được hiệu quả cho nhà đầu tư?
Lý giải hiện tượng cao tốc "ế" khách, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho rằng có hai lý do khiến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa thu hút được nhiều xe.
Trước hết, tuyến đường này đang chờ các dự án lớn thúc đẩy kinh tế vùng, trong đó chờ cảng nước sâu Lạch Huyện, dự kiến trong tương lai lên đến trăm triệu tấn là cảng nước sâu lớn nhất toàn vùng Bắc Bộ.
Lý do thứ hai là chờ kết nối giữa Hải Phòng – Quảng Ninh với tuyến qua cầu Bạch Đằng 24 km và nối tiếp đoạn từ Quảng Ninh- Vân Đồn và kết nối từ Vân Đồn – Móng Cái đã nghiên cứu.
Như vậy là có trục cao tốc mới từ Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái để tới Trung Quốc.
Theo ông Sơn, hiện lưu lượng xe chưa có nhưng trong tương lai, lưu lượng xe tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng rất lớn, chắc chắn đây là tuyến đường tạo động lực để phát triển toàn vùng từ Hải Dương, Hưng Yên, cả vùng Quảng Ninh, Hải Phòng.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, khi triển khai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quá trình huy động vốn hết sức khó khăn.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ 4.000 tỷ cho giải phóng mặt bằng, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có. Làm đường cao tốc quy mô 6 làn xe nhưng doanh nghiệp phải lo hết nên chi phí nhiều lên, thời gian thu hồi vốn phải kéo dài hơn.
Trước đó, vào hồi tháng 5/2017, chính chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trong đó có hai vấn đề nổi cộm đó là tái cơ cấu các khoản vay và hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
VIDIFI cho biết, tổng các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 300 triệu USD, bao gồm 200 triệu USD từ ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức.
Số liệu từ doanh nghiệp cho thấy hiện số thu phí từ tuyến đường bình quân là 5,5 tỷ đồng mỗi ngày, trong khi lãi vay phải trả khoảng 8 tỷ đồng.
Như vậy, mỗi ngày số tiền hụt là 2,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 900 tỷ mỗi năm). Trong đó, lãi vay chiếm 94% chi phí trong giai đoạn vận hành tuyến đường cao tốc.
Cùng với đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án trong khi Nhà nước chưa cấp kinh phí, VIDIFI đã vay vốn VDB để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nhưng đến nay khoản hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án (gần 4.100 tỷ đồng) vẫn chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Chính vì vậy, đối với dự án đường cao tốc, VIDIFI chưa được Nhà nước cấp vốn tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng mà đã phải bỏ vốn thực hiện trong 8 năm và hiện đã phải trả lãi vay với mức 10% mỗi năm.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 12/2015 với 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Tuyến cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105 km. Đây cũng được xem là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ mãn tải sau 18 năm khai thác.