Bất cập trên khiến cho nhiều lái xe trên tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn rơi vào cảnh khóc dở mếu dở. Nhiều trường hợp phương tiện bị hỏng hóc nhẹ, lái xe tìm “đỏ mắt” một số điện thoại dịch vụ nhưng không có.
Trường hợp lái xe đi từ Hà Nội đến Vân Đồn, nếu không đổ đầy bình xăng thì nguy cơ chết máy giữa cao tốc vì hết nhiên liệu là khó tránh khỏi. Hay trường hợp người trên phương tiện giao thông muốn đi vệ sinh, đành liều lĩnh đỗ xe bên đường để giải quyết “sự cố” bất đắc dĩ.
Anh Nguyễn Ngọc Mỹ, người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, hiện đang công tác tại huyện Vân Đồn, cho hay: “Là người thường xuyên đi lại trên tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Vân Đồn, trước đây tôi đã nhiều lần gặp sự cố, cần phải giải quyết gấp nhưng từ Hải Phòng đến Vân Đồn không hề có một trạm dừng nghỉ nào. Nay thì tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề sức khỏe cho cả người và phương tiện khi chuẩn bị vào cao tốc Hạ Long – Vân Đồn”.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đẹp và hiện đại bậc nhất nhưng lại thiếu trạm dừng nghỉ. Ảnh: Đỗ Phương.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Trong một chuyến kiểm tra thi công xây dựng trên cao tốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã chỉ đạo huyện Vân Đồn phải tiến hành xây dựng trạm dịch vụ trên tuyến. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn cho rằng: Nội dung xây dựng trạm dừng nghỉ không thuộc thẩm quyền của huyện. Huyện chỉ phối hợp trong thỏa thuận quy hoạch, GPMB sau khi lựa chọn được doanh nghiệp vào đầu tư.
Ông Hoàng Đình Sáu, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho hay: “Theo quy hoạch ban đầu thì đưa ra 4, 5 vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ, sau thống nhất 2 vị trí. Nhưng quá trình xây dựng không đưa vào triển khai được ngay vì không tính toán được phương án tài chính. Hiện nay chúng tôi đang kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, sau đó tổ chức đấu thầu xây dựng 2 trạm dịch vụ tại huyện Vân Đồn và huyện Hải Hà. Tuy nhiên để xây dựng một trạm dịch vụ trên cao tốc yêu cầu chi phí lớn, không như trên quốc lộ thông thường. Nhiều nhà đầu tư còn lo ngại về vấn đề thu hồi vốn khi triển khai trạm dịch vụ trên tuyến cao tốc này”.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 1/9, cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,3 km, Vân Đồn - Tiên Yên (16,1 km) sẽ thông xe, liên thông với các tuyến đã khai thác là cầu Bạch Đằng - Đại Yên (25 km), Hạ Long - Vân Đồn (71,2 km). Như vậy, Quảng Ninh sẽ là địa phương có tuyến cao tốc dài nhất cả nước với 176 km từ cầu Bạch Đằng tới Móng Cái.
Trong khi đó, theo Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác. Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN5729:2012, dọc cao tốc nên xây dựng các cơ sở phục vụ cho mọi đối tượng sử dụng đường.
Cụ thể, cứ khoảng 15 - 25 km có một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe. Vị trí chỗ dừng xe có thể được chọn xa đường từ vài chục mét đến hàng trăm mét.
Trong khoảng 50 - 60 km có một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn); cứ khoảng 120 - 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay việc khai thác tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn (72 km) vẫn còn khá hạn chế, chỉ khoảng 6.000 đến 8.000 lượt/ngày, thấp hơn nhiều lần so với một số tuyến cao tốc lân cận. Tuyến cao tốc này có được lưu lượng người tham gia giao thông lớn hay không phụ thuộc vào việc giao thương các cửa khẩu ở Quảng Ninh – Đông Hưng (Trung Quốc). Bên cạnh đó, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn không phải là con đường độc đạo, lái xe có thể chọn Quốc lộ 18 để di chuyển tới Vân Đồn, Móng Cái.
Giải pháp lợi nhuận trong kinh doanh đang đặt ra với nhà đầu tư, nên chăng cần một giải pháp dự phòng khác để nhanh chóng giải quyết vấn đề an toàn giao thông trên cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái.