Cao tốc chạy 300 km/h: Dân mong nộp phí để đi

Hoàng Hiệp |

Trong khi người ở Việt Nam đang tranh cãi về vấn đề thu phí ở các dự án BOT thì tại châu Âu, mọi người chỉ mong được bỏ tiền ra để trải nghiệm hệ thống đường cao tốc Autobahn nước Đức.

Đường cao tốc "nhà người ta"

Có lẽ, ngoài bia và bóng đá, xe hơi, Autobahn là thứ mà mọi người nhắc đến nhiều nhất khi nói về nước Đức.

Những người đam mê tốc độ trên khắp thế giới tụ tập về đây để trải nghiệm cảm giác “đạp hết ga” mà không nơi nào có được.

Trên Autobahn sẽ không ai cấm bạn chạy với tốc độ 300 km/h. Miễn là xe bạn đủ khỏe và tay lái bạn đủ trình. Vậy người Đức làm thế nào để giải quyết vấn đề an toàn giao thông?

Cao tốc chạy 300 km/h: Dân mong nộp phí để đi - Ảnh 1.

Đường cao tốc thần thánh của những người mê xe

Được khởi công xây dựng từ năm 1929, với chiều dài gần 13.000 km nối liền các bang của Đức, Autobahn là hệ thống đường cao tốc dài nhất và hiện đại nhất thế giới.

Công trình là kết tinh của những thành tựu khoa học tiên tiến nhất hiện nay.

Mọi tứ, từ kiến trúc quy hoạch, công nghệ xây dựng, các trung tâm điều khiển giao thông tối tân,... đến các chi tiết nhỏ như kích thước font chữ ở các biển báo hiệu,... đều được tính toán kỹ càng để góp phần tạo nên sự hoạt động trơn tru của toàn hệ thống.

Nhân tố chính và tạo thành sự nổi tiếng của Autobahn chính là những dải đường xuyên suốt, hoàn toàn không có ngã tư cắt ngang, không có đèn đỏ tạm dừng. Mọi sự điều hướng đều được thực hiện bằng cầu vượt.

Mỗi hướng chạy có từ 2 đến 5 làn xe, cộng thêm một làn đỗ xe trong trường hợp khẩn cấp. Giữa hai hướng chạy đều có giải phân cách tách ngang.

Mỗi 2 km bên lề của làn đỗ khẩn cấp đều có một cột điện thoại cấp cứu.

Tưởng chừng như vậy đã là quá hoàn hảo, thế nhưng nó vẫn chưa thỏa mãn được sự khó tính của người Đức.

Để chịu được tải trọng của các xe tải cỡ lớn, Autobahn được trải một lớp nhựa đường chất lượng cao và có độ dày gấp 2 lần so với hệ thống đường cao tốc của Mỹ.

Ngoài ra, để nâng cao tốc độ lưu thông trên đường, các yếu tố lồi lõm của địa hình cũng được khắc phục triệt để.

Ví dụ: khi thi công gặp phải vùng đất cao, các kỹ sư cầu đường của Đức sẵn sàng san phẳng nó chứ nhất quyết không trải nhựa đè lên trên.

Độ dốc toàn tuyến được duy trì không vượt quá 4%. Và để đảm bảo được tiêu chuẩn này theo hết chiều dài nước Đức, đội ngũ xây dựng thường xuyên phải đóng vai trò như những thần đèn “dời núi, lấp bể”.

Cao tốc chạy 300 km/h: Dân mong nộp phí để đi - Ảnh 2.

Duy trì độ dốc không quá 4% không hề đơn giản

Tuy độ dốc theo dọc con đường được giảm thiểu hết mức có thể, độ dốc ngang lại phải giữ ở mức 2,5%.

Người Đức đã phát hiện ra rằng nước mưa là nguyên nhân tàn phá mặt đường nhiều nhất chứ không phải tải trọng của xe. Độ dốc ngang giúp nước mưa thoát nhanh xuống các rãnh ở vệ đường và chảy ra hồ chứa.

Điều cuối cùng tạo nên thương hiệu Autobahn, chính là hệ thống điều khiển giao thông, báo hiệu thông minh. Vô số camera và cảm biến tốc độ được lắp theo dọc toàn tuyến.

Trong trường hợp cảm biến tốc độ phát hiện các xe đang di chuyển với tốc độ rùa bò, tắc nghẽn cục bộ xảy ra.

Hệ thống báo hiệu bên vệ đường sẽ hiện cảnh báo cho các lái xe, cho phép sử dụng làn đường khẩn cấp để di chuyển. Tất nhiên, cái giá để vận hành hệ thống thông minh này không hề rẻ.

Hiện tại, khoảng 1/3 quãng đường trên Autobahn không hạn chế tốc độ tối đa. Những đoạn còn lại có tốc độ giới hạn 120-160 km/h tùy theo quy định của từng bang.

Thế nhưng những tay lái lụa chẳng mấy khi quan tâm đến điều đó. Khi bạn đang phóng với tốc độ 200 km/h sẽ rất khó chịu nếu phải giảm xuống tốc độ “rùa bò” 120 km/h.

Hiện tượng vi phạm xảy ra thường xuyên và cảnh sát giao thông Đức có rất nhiều việc để làm. Họ được trang bị những cỗ xe cao cấp từ Mercedes, BMW, Audi để khống chế những kẻ vi phạm.

Cao tốc chạy 300 km/h: Dân mong nộp phí để đi - Ảnh 3.

Một chiếc BMW của cảnh sát Đức

“Chiếc xe vi phạm chạy nhanh nhất mà tôi từng đuổi theo đạt vận tốc 245 km/h trên cung đường chỉ cho phép 120 km/h” - Wolfgang Steiner, một viên cảnh sát giao thông cho biết.

Nhìn chung, nếu tính về số vụ tai nạn trên quãng đường lưu thông, Autobahn vẫn được coi là một trong những hệ thống đường cao tốc an toàn nhất thế giới.

Sẵn sàng bỏ phí đi cao tốc

Trước kia, người dân châu Âu khi lái xe qua Đức sẽ được miễn phí hoàn toàn phí sử dụng. Nhưng kể từ 2015, mức phí sẽ là 10 Euro (250.000 đồng) cho 10 ngày lưu thông và khoảng 130 Euro (3,27 triệu đồng) cho vé trọn gói 1 năm.

Đây có thể nói là mức giá rất phải chăng đối với các nước châu Âu thu nhập cao. Bởi với 10 Euro, bạn chỉ có thể đi một lượt trọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (210.000 đồng) hoặc chỉ có 130 Euro thì chưa đủ mua vé quý Quốc lộ 5, hiện đang có giá 3 triệu 640 ngàn.

Cao tốc chạy 300 km/h: Dân mong nộp phí để đi - Ảnh 4.

Vé quý quốc lộ 5 đắt hơn vé năm ở Đức (ảnh: Tiến Thắng)

Đòi hỏi thu phí dự án BOT thấp dựa theo mức bình quân thu nhập là việc khó khả thi, bởi dù là đơn vị kinh doanh nào cũng phải có lợi nhuận mới có thể hoạt động được.

Chi phí xây dựng cao thì lệ phí cao, đó là việc tất nhiên. Nhưng quan trọng hơn cả là việc đưa giá xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam về giá trị thực.

Đã có những câu hỏi đặt ra, liệu rằng đường cao tốc Việt Nam đang đắt gấp nhiều lần Mỹ và châu Âu? Rất khó để có thể làm được phép tính chính xác bởi điều kiện địa chất của chúng ta khác với họ.

Nếu mức giá xây dựng hợp lý, minh bạch, chất lượng tương xứng với số tiền bỏ ra thì có lẽ dù mức thu nhập không cao, người dân Việt Nam vẫn vui vẻ trả phí chứ không phải lâm vào tình trạng cò kè mặc cả, nâng giá lên, hạ giá xuống như hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại