Trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, các nhân vật chính được xây dựng đa số đều may mắn trong con đường võ học. Có thể kể đến như Đoàn Dự, Hư Trúc, Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung… đều là kiểu "mèo mù vớ cá rán" tình cờ có được võ công vô địch trong cuộc phiêu lưu của mình. Tuy nhiên, trên trang Sohu, nhiều đôc giả lại cho rằng có một nhân vật chính tuy vô tình luyện được bí kíp mạnh nhất thiên hạ nhưng thực lực không hề cao. Đó chính là Trương Vô Kỵ trong bộ tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long ký. Vì sao họ lại nhận định như vậy?
Trở thành cao thủ nhờ may mắn
Trước hết, hãy cùng nhìn lại hai nhân vật Đoàn Dự và Hư Trúc trong Thiên long bát bộ.
Hư Trúc vốn là một tiểu hòa thượng có võ công rất thấp ở Thiếu Lâm tự. Thế nhưng, sau khi tình cờ giải được thế cờ Trân lung, Hư Trúc có cơ duyên trở thành chưởng môn phái Tiêu Dao và được Vô Nhai Tử truyền cho nội công 70 năm của ông. Sau đó, vì lòng nhân từ cứu Thiên Sơn Đồng Lão và 108 vị động chủ, đảo chủ, Hư Trúc đã học võ công thượng thừa như kinh công, Tiểu vô tướng công hay Thiên Sơn chiết mai thủ, nhiều võ công trong Linh Thứu cung. Vì vậy, Hư Trúc từ một kẻ yếu ớt bỗng thành người có công lực mạnh nhất nhì thiên hạ.
Đoàn Dự vô tình rơi vào Vô Lượng động và may mắn tìm được hai bộ bí kíp võ công thượng thừa là Bắc Minh thần công và Lăng ba vi bộ. Ở chùa Thiên Long, trước khi đốt bộ Lục Mạch thần kiếm để khỏi lọt vào tay Cưu Ma Trí, Khô Vinh thiền sư đã kịp hướng dẫn Đoàn Dự cách luyện tập. Tất cả các môn võ công đệ nhất đều đến với Đoàn Dự một cách tình cờ. Sau này, nhờ Bắc Minh thần công, Đoàn Dự hút được nội lực của nhiều cao thủ và thực lực trở nên vô cùng mạnh mẽ.
Về phần Trương Vô Kỵ, anh ta trong lúc chạy trốn cha con Chu Trường Linh mà rơi xuống vực thẳm và may mắn bò được vào một sơn cốc thông qua một cái hang. Tại đây Trương Vô Kỵ đã vô tình luyện được Cửu Dương chân kinh lấy được trong bụng con vượn trắng. Từ đó Vô Kỵ luyện theo và có được nội công Cửu Dương thần công nổi tiếng khắp thiên hạ.
Thực lực Trương Vô Kỵ không hơn các cao thủ hạng 2?
Nhờ có Cửu Dương thần công cùng với hiểu biết tinh thông y lý, Vô Kỵ đã học được đến tầng thứ 7 của tâm pháp thượng thừa Càn khôn đại na di uy trấn của Minh giáo, và cũng từ đó hiểu biết về võ công của Vô Kỵ không ngừng tăng tiến.
Trong trận chiến bảo vệ núi Võ Đang, Vô Kỵ được tôn sư Trương Tam Phong truyền thụ hai tuyệt kỹ võ công mà ông vô cùng tâm đắc là Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm.
Thế nhưng, Trương Vô Kỵ khi đụng độ với 2 trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo là Dương Tiêu và Vi Nhất Tiếu chỉ nhỉnh hơn một chút. Thậm chí, Trương Vô Kỵ khi đấu với Tam Độ là Độ Ách, Độ Kiếp và Độ Nạn cũng vô cùng chật vật. Hơn nữa, những nhân vật này vốn chỉ là cao thủ tầm trung trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Từ đây, có thể thấy, Trương Vô Kỵ dù có đủ Cửu Dương thần công, Càn khôn đại na di lẫn Thái cực quyền nhưng thực lực không phải quá mạnh.
Bên cạnh đó, ngoài Trương Vô Kỵ, một số nhân vật khác trong các tác phẩm của Kim Dung tuy học Cửu dương thần công bản chưa hoàn chỉnh nhưng họ đều đạt tới cảnh giới phi thường. Ví dụ như Vô Sắc đại sư của Thiếu Lâm, Quách Tương và Trương Quân Bảo (sau này Trương Tam Phong) được Giác Viễn đại sự đọc lại cho nghe Cửu Dương thần công trước khi qua đời và mỗi người ghi nhớ được một phần của bộ kinh này. Sau đó, họ tập luyện từ phần mình nhớ và đạt được thành tựu như Trương Quân Bảo luyện được nội công tối thuần, Vô Sắc đại sư luyện được nội công tối cao, Quách Tương luyện được nội công tối bác.
Về sau, Trương Quân Bảo sáng lập phái Võ Đang và tạo ra Võ Đang Cửu Dương công, Quách Tương sáng lập phái Nga Mi và Nga Mi Cửu Dương công còn Vô Sắc đại sư sáng tạo ra môn võ Thiếu Lâm Cửu Dương công. Ba nhân vật này đều trở thành những cao thủ rất mạnh trong giới võ thuật.
Nếu so sánh, quỹ đạo phát triển của Trương Vô Kỵ không đáng kể. Anh ta không sáng tạo được môn võ nào từ Cửu Dương thần công mà còn đánh thua một số cao thủ hạng 2. Điều này cho thấy Trương Vô Kỵ không phát huy được hết sức mạnh của bí kíp này cũng như khả năng chiến đấu của anh ta không thực sự đạt đến mức vô địch thiên hạ.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung từ trang tin Sina, Sohu.