Trong các tác phẩm của Kim Dung, có rất nhiều môn phái nổi tiếng với các tuyệt thế võ công cùng nhiều cao thủ hàng đầu võ lâm. Tuy nhiên, nhiều fan nguyên tác phát hiện ra rằng, thế giới kiếm hiệp của vị tác giả nổi tiếng này còn có những môn phái được ông tạo ra chỉ để làm "đá lót đường" cho các nhân vật trong truyện.
Hãy cùng tìm hiểu xem đó là những môn phái nào nhé!
3 môn phái không được Kim Dung đánh giá cao
Phái Côn Luân
Trong truyện của Kim Dung, phái Côn Luân khá nổi tiếng nhưng họ chủ yếu xuất hiện qua lời kể của các nhân vật. Phái Côn Luân tọa lạc trên dãy núi Côn Lôn hùng vĩ tuyết trắng quanh năm. Phái Côn Luân thành lập bởi Hà Túc Đạo – một trong những vị tôn sư được nhân sĩ võ lâm kính phục.
Hà Túc Đạo là người ở xứ Côn Luân hay Côn Lôn giáp Tây Vực (cùng nơi với Âu Dương Phong, cách rất xa Trung Nguyên. Chàng được người đời tán tụng đặt cho danh hiệu Tam Thánh (Cầm Thánh – Kỳ Thánh – Kiếm Thánh ). Hà Túc Đạo được Kim Dung xây dựng với hình tượng của một cao thủ võ lâm.
Khi Hà Túc Đạo đến Thiếu Lâm và muốn tranh tài cao thấp với môn phái này, chàng ta đã bí mật đột nhập vào Đại Hùng bảo điện chùa Thiếu Lâm, dán lên tay bức tượng phật Giáng Long một bức thư khiêu chiến: "Võ công Thiếu Lâm xưng hùng Trung Nguyên và Tây Vực đã lâu. Trong 10 hôm nữa, Côn Luân Tam Thánh sẽ liều mình đến xin thỉnh giáo". Tay của Hàng Long La Hán tại chùa Thiếu Lam cao đến 13 trượng, Hà Túc Đạo để lại tờ giấy trên đó thần không biết quỷ không hay, khiến cho quần tăng Thiếu Lâm đều thất sắc.
Ngoài ra, chưởng của Hà Túc Đạo va chạm với Vệ Thiên Vọng làm nóc thạch đình rung chuyển, kêu lên mấy tiếng "rắc rắc" cát bụi rớt xuống mù mịt. Hay khi Hà Túc Đạo truyền kình lực vào đoản kiếm, chỉ nghe "coong" một tiếng, làm trường kiếm của Phan Thiên Canh bị gãy đôi.
Qua những đoạn miêu tả này, ta có thể thấy Hà Túc Đạo có võ công cao cường, đáng tiếc phái Côn Luân do ông lập ra lại không quá nổi tiếng trong các tác phẩm của Kim Dung.
Phái Thanh Thành
Phái Thanh Thành là một môn phái trên núi Thanh Thành ở Tứ Xuyên, theo giáo lý đạo Giáo. Phái Thanh Thành nổi danh với môn Thôi Tâm chưởng. Ngoài ra còn có tuyệt kĩ "Vô ảnh ảo cước" và "Tùng Phong Kiếm pháp".
Môn phái này xuất hiện khá nhiều trong truyện Kim Dung, nhưng cũng chỉ có vai trò là "lót đường" cho nhiều danh môn chính phái khác như Thiếu Lâm, Nga My, Võ Đang... Trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, tại thời điểm này người đứng đầu Thanh Thành là Dư Thương Hải. Nhân vật Dư Thương Hải, còn được gọi là Dư quán chủ (Dư Thương Hải tu đạo trên đạo quán Tùng Phong, núi Thanh Thành), có nhiều vợ, tì thiếp và có một con trai.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Dư Thương Hải đã âm thầm tìm cách chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ, sai con trai đến Phúc Châu và vô tình bị Lâm Bình Chi giết. Y đã mượn cớ đó tàn sát toàn bộ Phước Oai tiêu cục, bắt vợ chồng Lâm Chấn Nam tra khảo để tìm ra Tịch tà kiếm pháp.
Dư Thương Hải bản tính nhỏ nhen, thâm hiểm và đồi bại nên dù được coi là chính phái nhưng vẫn bị nhiều người khinh thường. Dư Thương Hải cuối cùng bị Lâm Bình Chi đánh bại một cách nhục nhã bằng chính Tịch Tà kiếm pháp, bị giết chết trong nỗi sợ hãi cùng với Mộc Cao Phong.
Ngũ Nhạc kiếm phái
Ngũ Nhạc kiếm phái xuất hiện trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ với công cuộc hợp nhất năm phái thành một môn phái của Tả Lãnh Thiền. Theo mô tả của Kim Dung, "Ngũ Nhạc kiếm phái" gồm: Tây Nhạc Hoa Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Đông Nhạc Thái Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn. Tuy nhiên, Kim Dung lại chỉ coi đây là môn phái "lót đường" của các môn phái khác.
Mặc dù đông nhân lực, nhưng "Ngũ Nhạc Kiếm phái" chưa bao giờ mạnh trong các trận đại chiến. Ngoài Phong Thanh Dương, Lệnh Hồ Xung, Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần thì Ngũ Nhạc Kiếm phái không còn cao thủ nổi tiếng giang hồ.
Đặc điểm chung của "Ngũ Nhạc kiếm phái" là các môn phái đều lấy kiếm thuật làm môn võ học trung tâm. Dù vậy, mỗi một môn phái này đều mang trong mình sở trường riêng. Phái Hoa Sơn nổi tiếng với "Hoa Sơn kiếm pháp" và "Tử hà thần công", cùng 2 trường phái kiếm tông (lấy chiêu số kiếm thuật làm trung tâm) và khí tông (lấy việc rèn luyện nội công làm điểm mạnh).
Phái Hành Sơn nổi tiếng với các cao thủ kiếm thuật đều mê âm nhạc, những chiêu thức đều gắn liền với âm nhạc. Phái Hành Sơn là kiếm phái được sáng lập bởi những nhà nữ tu hành (hay các ni cô), đời đời đệ tử đều là nữ giới (bao gồm cả các nữ tu và đệ tử tục gia).
Phái Thái Sơn nằm ở núi Thái Sơn, trung tâm của đạo giáo, cũng là kiếm phái của những người theo đạo giáo. Phái Tung Sơn nằm ở trên đỉnh Thái Thất thuộc dãy Tung Sơn ở tỉnh Hà Nam (cùng với phái Thiếu Lâm trên đỉnh Thiếu Thất), đứng đầu là chưởng môn Tả Lãnh Thiền.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung từ trang tin Sina, Sohu.