Cảnh tượng siêu hiếm: Bắt gặp cảnh "liên hoan xác thịt" dưới đáy đại dương cùng cú twist cực mạnh về số phận của "vua săn mồi"

J.D |

Kẻ đi săn cũng có thể trở thành con mồi bất kỳ lúc nào - đó chính là sự thực đáng sợ của thế giới tự nhiên.

Bạn có biết một trong những cảnh tượng hiếm bậc nhất thế giới tự nhiên là gì không? Chính là những bữa đại tiệc "xác thịt" dưới đáy đại dương, khi một sinh vật chết đi trở thành mồi cho vô số những loài vật nhỏ hơn xông vào cấu xé.

Chính xác hơn, cảnh tượng ấy rất hiếm đối với con người, bởi xét cho cùng đại dương vẫn đang là một thế giới bí ẩn với rất nhiều trở ngại cho chúng ta khám phá. Bởi vậy mà khi mới tìm ra một "buổi tiệc" như vậy thời gian gần đây, giới khoa học đã cực kỳ vui mừng vì không thể tin nổi họ đã may mắn đến như vậy.

Cụ thể, các chuyên gia từ NOAA (Cơ quan khí quyển đại dương Quốc gia Mỹ) đã có một chuyến thám hiểm bằng tàu ngầm ở độ sâu 450m, cách ngoài khơi bang South Carolina 130km. Mục đích của chuyến thám hiểm là truy tìm dấu vết của các thùng dầu từ tàu SS Bloddy Marsh. Nhưng trước khi tìm ra dầu, họ lại trông thấy xác của một con cá kiếm.

Con cá kiếm dài khoảng 2,5m, và thi thể đáng thương ấy nằm chìm dưới đáy biển, xung quanh là một bầy cá mập đang làm một bữa "đại tiệc xác thịt" theo đúng nghĩa đen.

"Nguyên nhân gây ra cái chết của con cá kiếm khổng lồ vẫn chưa được làm rõ, có thể do nó đã quá già, do mắc bệnh, hoặc bị thương," - Peter J. Auster, chuyên gia hải dương từ ĐH Connecticut.

"Qua quan sát, chưa thấy có dấu vết của móc câu hay lưới từ loài người. Tuy nhiên, cái xác ấy đã bị xé nát bởi hàng trăm vết cắn từ lũ cá mập."

Nói về cá mập, thực ra trên thế giới có rất nhiều loài thuộc họ này. Nổi tiếng nhất có lẽ là cá mập trắng - sinh vật được mệnh danh là "hung thần đại dương" với thể hình to lớn cùng hàm răng không khác gì một cỗ máy xay thịt. Ngoài ra còn vô số loài cá mập nhỏ hơn, như trong trường hợp này là 2 loài "cá mập ngủ". Một là loài cá mập ngủ da thô (Centroscymnus owstonii), và loài còn lại thì mới được tìm thấy năm 2018 là cá mập ngủ Genie (Squalus clarke).

Cả hai loài cá mập trên rất hay được tìm thấy ở độ sâu khoảng 450m trở lên. Bình thường, chúng di chuyển chậm rì, cho đến khi phát hiện ra con mồi thì giống như ong vỡ tổ, xông vào cấu xé liên tục. Mà tựu chung, đã là cá mập thì thường luôn được xem là những kẻ săn mồi thượng thừa rồi.

Tuy nhiên trong lúc say sưa ngắm nhìn cảnh tượng cá mập liên hoan, các nhà khoa học bỗng phát hiện ra một cú twist lạ: một sinh vật khác xuất hiện ở góc camera, và nằm gọn trong miệng nó là một trong những con cá mập đang hân hoan tận hưởng bữa đại tiệc kia.

Bạn thấy gì ở góc phải màn hình không?

Cận cảnh nè...

Trên thực tế, đa số các loài khác sẽ chẳng dám lại gần khi một đàn cá mập đang say sưa cấu xé con mồi. Nhưng sinh vật vừa thò mặt ra thì khác. Đó là một con cá vược đá - loài vật có khả năng săn mồi khá gớm. Chúng có thể dài tới 2m, thể hình vượt trội hơn so với lũ cá mập bé nhỏ kia. Và khi nhìn thấy cảnh tượng liên hoan của lũ cá mập, con cá vược chỉ rình rập cơ hội để kiếm cho mình một bữa tối mà thôi.

Cú twist cực mạnh từ phút 1:42

Được biết, cá vược đá thường xuyên quanh quẩn xung quanh các hang động và xác tàu đắm dưới biển sâu. Không rõ việc nó săn cá mập là thường xuyên, hay chỉ nhân dịp có đại tiệc. Chỉ biết rằng nếu bữa tiệc vẫn tiếp tục, khả năng sẽ có nhiều con cá mập khác chui vào họng đồng loại của sinh vật này mà thôi.

Quả thực là thế giới tự nhiên vẫn còn rất nhiều điều thú vị đang chờ chúng ta. Kẻ đi săn cũng có thể bị săn bất kỳ lúc nào, dù là cá mập đi chăng nữa.

Tham khảo: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại