Cảnh sát Indonesia gây phẫn nộ khi dùng rắn hỏi cung nghi phạm

SONG HY |

Cảnh sát Indonesia thừa nhận một số sỹ quan đã sử dụng con rắn sống dài gần 2 mét để thẩm vấn một người đàn ông sau khi đoạn video ghi lại cảnh người này la hét trong sợ hãi được đăng tải lên các trang mạng xã hội.

Cảnh sát Papua, vùng cực đông của Indonesia đã gửi lời xin lỗi về vụ việc, nhưng cũng biện minh rằng hình thức thẩm vấn này không gây hại tới người đàn ông bị nghi trộm cắp vì con rắn không có độc và bản thân họ cũng không đánh đập nghi phạm.

Cảnh sát Indonesia gây phẫn nộ khi dùng rắn hỏi cung nghi phạm - Ảnh 1.

Hình ảnh cắt từ clip. (Ảnh: Twitter)

Tuy nhiên luật sư nhân quyền Veronica Koman khẳng định rằng hành động này là tra tấn và vi phạm các chính sách của cảnh sát cũng như nhiều luật khác. 

Bà này nói thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin cảnh sát và quân đội sử dụng rắn để tra khảo ở Papua, hành vi cho thấy thái độ phân biệt chủng tộc với nhóm người tới từ cực đông Indonesia.

Ông Sam Lokon, một thành viên của Ủy ban Quốc gia Tây Papua, tổ chức kêu gọi tách khỏi Indonesia từng bị giam vào một căn phòng chứa rắn sau khi bị bắt giữ vào tháng 1/2019, theo bà Koman.

Thời điểm đó, cảnh sát Papua không lên tiếng trước thông tin này, giống như nhiều lần bị chỉ trích trước đó. Tuy nhiên với video được lan truyền với tốc độ chóng mặt mới đây, họ đã phải lên tiếng xin lỗi.

Đoạn video dài 1 phút 20 giây ghi lại cảnh người đàn ông la hét trong sợ hãi khi bị một con rắn nâu dài gần 2 m quấn quanh cổ và ngực trong khi một cảnh sát tiếp tục dí đầu con rắn lại gần nghi phạm và hỏi anh này đã trộm điện thoại di động bao nhiêu lần.

Cảnh sát trưởng Jayawijaya, Tonny Ananda Swadaya cho biết các sỹ quan có liên quan tới vụ việc đã bị kỷ luật và điều chuyển công tác. 

Trong khi đó, người phát ngôn của lực lượng cảnh sát vùng Papua nói rằng các sỹ quan có liên đới đang bị thẩm vấn.

Vụ việc mới đây làm gia tăng căng thẳng ở khu vực từng chứng kiến một cuộc nổi dậy vào những năm 1960 khi Indonesia nắm quyền kiểm soát nửa phía tây đảo New Guinea, nơi từng là thuộc địa của Hà Lan.

(Nguồn: AP)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại