Theo tính toán ban đầu, tôi sẽ viết 4 kỳ của chuyên đề "Cảnh sát Hình sự Hà Nội bắt cướp". Trong đó, mỗi kỳ là một chuyên án đặc biệt. Trong tính toán của mình, tôi dự định sẽ diễn tả sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát hình sự trong từng bài, đan xen với câu chuyện phá án ly kỳ.
Nhưng tính toán trên... "phá sản" nhanh chóng! Bởi để mang tới câu chuyện đầy đủ với toàn bộ quá trình từ thu thập dữ liệu, tổ chức rà soát, trinh sát đối tượng, cho tới lên kế hoạch bắt giữ... là quá nhiều chi tiết.
Chỉ nghe, chỉ viết, chỉ đọc mà đã cảm thấy hồi hộp, căng thẳng và thậm chí là "quá tải" chi tiết! Bởi thế, tôi đã không thể thực hiện tính toán ban đầu của mình, và đó là lý do chuyên đề "Cảnh sát Hình sự Hà Nội bắt cướp" có thêm kỳ 5 - kỳ cuối cùng - để chia sẻ những kỷ niệm phá án khó quên của các cán bộ ở Đội 8 (Phòng CSHS, CATP Hà Nội).
Trinh sát theo dấu tên cướp Đặng Hữu Lâm gần tới mức đối tượng này cũng không ngờ. Trong ảnh là tên Lâm đèo bạn gái đi chơi
Trong suốt những cuộc làm việc với các anh, tôi ấn tượng với khả năng nhớ tài tình của từng trinh sát. Không cần bất kỳ giấy tờ, sổ sách nào, mỗi trinh sát có thể kể "vanh vách" toàn bộ lý lịch của đối tượng, rồi tới từng vụ cướp, từng chi tiết đeo bám, từng khoảnh khắc cân nhắc cho tới lúc bắt giữ, đấu tranh...
Rồi tôi tự tìm ra câu trả lời để giải mã cho sự bất ngờ và ấn tượng đó. Là do mỗi chuyên án được mở, lực lượng trinh sát lại phải đấu trí căng thẳng ngày đêm với đối tượng - những kẻ lọc lõi, tinh vi, vào tù ra tội và có vô số kinh nghiệm đối phó với cảnh sát.
Nói như cán bộ CSHS từng tham gia 3 chuyên án đặc biệt trong năm qua, thì "mỗi khi có vụ cướp xảy ra, kẻ gây án trong tối còn cảnh sát ở phía ngoài sáng, nên lần tìm manh mối luôn rất khó khăn.
Khi ngủ, mơ về người yêu thì ít chứ mơ về việc đấu tranh với kẻ cướp thì thường xuyên". Bởi thế, nên đừng hỏi tại sao trinh sát lại nhớ kỹ từng chi tiết phá án đến như vậy!
"Kẻ bị ruồng bỏ" Lê Mạnh Cường luôn giắt 3 con dao và lọ ớt bột trên người và xe. Chiếc túi vải màu xanh (x) đựng con dao bầu để hắn tiện rút chống trả. Quá trình trinh sát theo dấu tên Cường kéo dài rất lâu và khó khăn
"Lính hình sự" cũng là một trong những lực lượng ít khi mặc cảnh phục nhất. Cả ngày, họ có thể "lăn lê" ngoài đường trong bộ dạng của người lao động, mọi sinh hoạt ăn uống đều là "tiện đâu, dùng đó". Vất vả và thầm lặng có lẽ là những từ mô tả đúng nhất về công việc hằng ngày của những người lính hình sự này.
Nói về quá trình trinh sát ngoại tuyến, các anh chia sẻ những kỷ niệm bi hài mà có lẽ người ngoài cuộc chưa bao giờ biết. Như trong vụ theo dấu tên Lê Mạnh Cường (SN 1971) - đối tượng gắn với biệt danh "kẻ bị ruồng bỏ" ở kỳ 4 - thì trinh sát thường xuyên phải chạy xe máy kiểu "phóng nhanh, phanh gấp" để không mất dấu kẻ cướp đặc biệt nguy hiểm.
Vừa chạy xe, vừa quan sát, theo dõi đối tượng, đã có lần trinh sát bị va chạm giao thông với người đi đường. Dù va chạm rất nhỏ, không gây bất kỳ ảnh hưởng gì, song người dân đó vẫn đứng lại mắng, buông ra rất nhiều lời nặng nề đối với người "không chịu nhìn".
Dẫu vất vả, căng thẳng nhưng trinh sát vẫn bình tĩnh xin lỗi, bởi tình huống này đơn giản là do mọi người không biết, và không thể biết về công việc của các anh...
Để ghi lại bằng chứng phạm pháp của Lê Mạnh Cường, trinh sát đã phải hóa trang và đeo bám rất vất vả suốt nhiều ngày
Rồi một trinh sát cắt ngang câu chuyện, gửi cho tôi một đoạn nội dung khá lạ. Đó là nội dung cảnh báo về "những đối tượng nghi bắt cóc trẻ con". Nội dung này viết như sau: "Góc cảnh báo! Mọi người xin hãy dành 1 phút đọc thông tin này ạ.
Mấy hôm nay, khu vực Đầm Bầu thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội có một vài đối tượng đi nhiều loại xe máy và biển số khác nhau thường đỗ tại những cung đường dân sinh vắng vẻ..."
Khi thấy vẻ mặt khó hiểu của tôi, các trinh sát vừa cười, vừa nói, đó là một nội dung cảnh báo do người dùng mạng xã hội đăng lên.
Và "những đối tượng nghi bắt cóc trẻ con" đó, không ai khác ngoài các trinh sát hình sự cải trang đang theo dõi tên cướp manh động và nguy hiểm. Trong quá trình các anh mật phục, một người dân dẫn theo trẻ nhỏ đi qua và đã... "cảnh giác thái quá" như vậy!
Hay như vụ đeo bám tên cướp "hạng sang" Đặng Hữu Lâm (SN 1978) - kẻ thường xuyên đi xe máy SH để gây án, trinh sát đã phải ngồi ăn uống, đi cổ vũ bóng đá... cùng đối tượng!
Và hành trình theo dấu này kỹ tới mức, khi Lâm vào nhà nghỉ với bạn gái, trinh sát cũng phải tìm cách đi theo, để xác minh chiếc xe nghi vấn, và từ đó củng cố thêm chứng cứ đấu tranh.
Trinh sát theo chân Đặng Hữu Lâm vào nhà nghỉ, để xác minh chiếc xe máy SH gây án của y
Còn rất, rất nhiều chi tiết đặc biệt, thú vị khác, nhưng tôi đã không thể liệt kê hết ra đây, phần vì yếu tố nghiệp vụ, phần vì bản thân các trinh sát hình sự đều ngại nói nhiều về bản thân.
"Chắc do chúng tôi quen với sự thầm lặng rồi, anh ạ!", một cán bộ trinh sát giãi bày.
Khi khép lại chuyên đề "Cảnh sát Hình sự Hà Nội bắt cướp", tôi đã dành lời cảm ơn đặc biệt để gửi tới các anh - những trinh sát dũng cảm thường xuyên phải đối mặt với các đối tượng manh động và nguy hiểm mà bất kỳ ai cũng muốn tránh.
Đánh đổi cho sự hy sinh thầm lặng đó là bình yên trên mỗi con phố, nẻo đường của Thủ đô. Xin cảm ơn các anh!
Kỳ 4: Cảnh sát Hình sự Hà Nội bắt cướp (4): Đấu trí căng thẳng với 'kẻ bị ruồng bỏ'
Kỳ 3: Cảnh sát Hình sự Hà Nội bắt cướp (3): Những pha ra tay lạnh lùng của 'gã cô độc'
Kỳ 2: Cảnh sát Hình sự Hà Nội bắt cướp (2): Tội phạm 'sang chảnh' luôn đi xe SH gây án
Kỳ 1: Cảnh sát Hình sự Hà Nội bắt cướp (1): Cặp đôi "săn mồi" luôn thủ sẵn dao nhọn
Xem bài gốc Tại Đây