Cảnh giác với “đường lưỡi bò” và bẫy pháp lý tinh vi của Trung Quốc

Thanh Trường |

Từng người dân, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương cần hết sức thận trọng trước những tài liệu, những ấn phẩm của Trung Quốc.

Dư luận chưa hết dậy sóng về chuyện bộ phim hoạt hình “Everest- Người tuyết bé nhỏ” bị dừng chiếu sau khi khán giả phát hiện cảnh phim có hình “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông thì mới đây cơ quan chức năng lại phát hiện ô tô Trung Quốc bán tại nước ta có bản đồ định vị cài cắm “đường lưỡi bò”.

“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là khái niệm Trung Quốc vin vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế.

Trên thực tế, vào năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Vụ việc một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của chính sách tuyên truyền mà Trung Quốc đang thực hiện về một thứ mà thậm chí ngay cả bản thân họ cũng mơ hồ về nguồn gốc.

Cảnh giác với “đường lưỡi bò” và bẫy pháp lý tinh vi của Trung Quốc - Ảnh 1.

PGS-TS Vũ Thanh Ca - chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Từng người dân, đơn vị và từng cơ quan doanh nghiệp cần nhận diện các thủ đoạn tinh vi của Trung Quốc để ngăn ngừa và đấu tranh hiệu quả. Phóng viên VOV phỏng vấn PGS-TS Vũ Thanh Ca - chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

PV: Chỉ 4 giây xuất hiện “đường lưỡi bò” trong bộ phim “Everest- Người tuyết bé nhỏ” dài hơn tiếng rưỡi, nhưng đã cho thấy cách thức tuyên truyền của Trung Quốc rất tinh vi khi lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp vào các sản phẩm văn hóa. Ông có ý kiến gì về vụ việc này?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Trung Quốc thực hiện vấn đề này một cách chiến lược, tức họ đã hoạch định rất rõ rằng, họ phải tuyên truyền cho cả thế giới về “đường lưỡi bò”. “Đường lưỡi bò” là một yêu sách cực kỳ phi lý và nực cười của Trung Quốc, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế bác bỏ.

Để chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật, tìm mọi cách để lồng ghép “đường lưỡi bò” vào các ấn phẩm tuyên truyền nhằm mục đích thay đổi nhận thức của người dân thế giới về chủ quyền của Trung Quốc đối với biển.

PV: Có thể thấy, Trung Quốc đang dùng mọi chiêu thức để lồng ghép, tuyên truyền cho bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp. Hành vi này sẽ nguy hiểm ra sao nếu nó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Xét về mặt luật pháp quốc tế, đây là một bẫy pháp lý rất tinh vi của Trung Quốc. Trong luật pháp quốc tế có một nguyên tắc là các cá nhân hoặc quốc gia không được nói ngược lại những điều mình đã nói hoặc thực hiện trước đó. Nếu như một cá nhân hay một quốc gia nào đó mà không có phản kháng về những điều trái với quan điểm của mình thì có nghĩa quốc gia đó đã ngầm thừa nhận điều đó.

Như vậy, bằng cách lồng ghép những tài liệu, những ấn phẩm có chứa “đường lưỡi bò”, dù có thời gian xuất hiện rất ngắn như trong bộ phim "Everest- Người tuyết bé nhỏ", chỉ có 4 giây thôi nhưng nếu ta sơ suất bỏ qua thì ta đã mắc bẫy pháp lý của Trung Quốc, nghĩa là hội đồng duyệt phim của chúng ta đã thông qua nội dung này, công nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Có thể nói đây là một bẫy pháp lý rất nguy hiểm, rất may mắn chúng ta đã phát hiện, phản đối và đã tạo nên một làn sóng trong khu vực. Phản đối của Việt Nam tạo nên chứng cứ pháp lý cho ta để ta đấu tranh với Trung Quốc trong tương lai.

Cảnh giác với “đường lưỡi bò” và bẫy pháp lý tinh vi của Trung Quốc - Ảnh 2.

Hình ảnh "đường 9 đoạn" được cài cắm trong phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất.

PV: Đây rõ ràng là một bài học kinh nghiệm cho chúng ta. Xâu chuỗi tất cả hành vi và phương thức thủ đoạn của Trung Quốc, cả việc tuyên truyền cũng như trên thực địa, vậy chúng ta phải làm gì để chủ động đấu tranh và phản bác?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Tôi cho rằng, đây là một chiến lược xuyên suốt, cho nên khi ta nhận các tài liệu tuyên truyền hoặc các ấn phẩm từ Trung Quốc thì ta đều phải cực kỳ cảnh giác, chú ý đến từng chi tiết một, để không lọt những thủ đoạn tuyên truyền tinh vi của Trung Quốc.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước là quan trọng nhất, vì họ thể hiện quan điểm của Đảng, do vậy cần hết sức cẩn trọng. Đối với các doanh nghiệp, do nghiệp vụ không được như các cơ quan quản lý Nhà nước cho nên đôi khi sơ xuất và để lọt qua các tài liệu ấn phẩm này. Cho nên cần hết sức thận trọng trước những tài liệu, những ấn phẩm của Trung Quốc.

PV: Trở lại sự kiện triển lãm hồi tháng 9 ở TPHCM, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã tuồn những ấn phẩm cài cắm “đường lưỡi bò” vào hội chợ và may mắn BTC đã phát hiện kịp thời và ngăn chặn.

Trước đó, nhiều ấn phẩm văn hóa, phim ảnh khác cũng bị lọt vào nước ta, thực tế này phải chăng cho thấy một bộ phận cơ quan, cán bộ quản lý của ta còn có phần chủ quan, hạn chế trước các chiêu thức tuyên truyền của Trung Quốc?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Đúng như vậy, vấn đề Hội đồng duyệt phim vừa rồi cho qua bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" sau đó là bộ phim "Everest- Người tuyết bé nhỏ" là những sai lầm rất đáng tiếc.

Tôi rất mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hội đồng, đặc biệt là Hội đồng do Nhà nước thành lập, bởi vì bằng chứng về chủ quyền thì vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng.

Luôn luôn phải chú ý những ấn phẩm lồng ghép những ý đồ vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển của Việt Nam. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ tài liệu nào mà phía Trung Quốc mang vào Việt Nam.

PV: Nhìn rộng ra, theo ông đâu là những việc cần phải làm ngay, chúng ta phải có chiến lược như thế nào để hạn chế tối đa cách thức tuyên truyền phi pháp từ phái Trung Quốc?

PGS-TS Vũ Thanh Ca: Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khác có những quy định rất rõ ràng, lưu ý không để lọt những ấn phẩm cũng như những tài liệu hoặc ngay cả những tuyên truyền của hướng dẫn viên du lịch của Trung Quốc mà vi phạm chủ quyền, quyền tài phán và các quyền và lợi ích khác của Việt Nam trên biển.

Thứ hai, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước cũng như của người dân về những thủ đoạn của Trung Quốc qua các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí là qua mạng xã hội để người dân và cơ quan quản lý Nhà nước hiểu về những âm mưu, hành động tinh vi của Trung Quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Năm ngoái một nhóm du khách Trung Quốc bị phát hiện mặc áo in hình "lưỡi bò"tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu những người này cởi bỏ và tịch thu toàn bộ số áo này. Nhiều năm qua Trung Quốc bằng nhiều hình thức khác nhau đã cài cắm vào Việt Nam và các nước trên thế giới các ấn phẩm như sách, báo, phim ảnh có hình "lưỡi bò" phi pháp.

Điển hình là tháng 9 năm ngoái bộ sách "Wow! Những bí mật kỳ diệu" của tác giả Trung Quốc dành cho học sinh từ 6-16 tuổi bị phát hiện có hình ảnh minh họa "đường lưỡi bò", mới đây là phim hoạt hình và phần mềm định vị trong ô tô xuất xứ Trung Quốc cũng cài cắm "đường lưỡi bò". Cuối tháng 9 vừa qua cơ quan chức năng đã phát hiện một doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng ấn phẩm có in hình "đường lưỡi bò" để phát cho khách tham gia Hội chợ quốc tế TPHCM.

Không chỉ ở Việt Nam, chiến lược tuyên truyền cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp cũng được phía Trung Quốc áp dụng ở nhiều nước, nhiều tổ chức. Từ năm 2012, Trung Quốc đã phát hành mẫu hộ chiếu mới gắn chip điện tử với các trang bên trong có in hình bản đồ "đường lưỡi bò".

Một loạt nước trên thế giới ngay sau đó đã phản đối hành vi này của Trung Quốc. Mới đây kênh truyền hình thể thao ESPN đã hứng chịu chỉ trích của dư luận khi để hình "đường lưỡi bò" xuất hiện trong khi đưa tin./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại