Theo kế hoạch, 6 đảng đối lập tại Hungary sẽ triệu tập phiên họp quốc hội khẩn cấp hôm 5/2 để tiến hành bỏ phiếu về phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban đã không có mặt khiến cuộc bỏ phiếu không thể diễn ra.
Hành động của các nghị sĩ đảng cầm quyền đã khiến dư luận trong và ngoài nước không khỏi bất ngờ. Bởi thực tế, đảng Fidesz cầm quyền, chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội. Trong khi nghị sĩ các đảng khác đều có mặt, nghị sĩ đảng cầm quyền lại không có mặt. Trước đó, người đứng đầu đảng đảng Fidesz - Thủ tướng Orban đã nhiều lần hứa hẹn với NATO rằng ông sẽ thúc đẩy đảng của mình phê chuẩn đơn xin của Thụy Điển “ngay khi có cơ hội đầu tiên”.
Các nghị sĩ đối lập đã ngay lập tức chỉ trích hành động của các nghị sĩ đảng cầm quyền. Trong một tuyên bố, nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ đối lập Agnes Vadai chỉ trích động thái của đảng cầm quyền đã khiến Hungary bị "bẽ mặt".
"Không có lý do gì chính phủ của ông Orban lại chặn Thụy Điển vào NATO. Tôi nghĩ đây là vấn đề của cá nhân ông Orban. Việc ông ấy đang làm thực sự rất phi lý. Ông ấy phải hiểu rằng Thụy Điển gia nhập NATO sẽ phục vụ cho lợi ích và an ninh của Hungary. Hành động của ông Orban sẽ phá vỡ sự đoàn kết của NATO”.
Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman cho biết, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này và mong muốn Hungary hành động một cách nhanh chóng. Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel tại cuộc họp báo hôm qua đã bày tỏ lấy làm tiếc về hành động của Hungary: “Hungary là đồng minh cuối cùng của NATO chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển và chúng tôi rất vui vì quốc hội Hungary đã tổ chức phiên họp. Tuy nhiên, chúng tôi thất vọng vì đảng cầm quyền đã chặn cơ hội bỏ phiếu bằng cách tẩy chay phiên họp
Các thành viên khác của NATO hiện chưa có bình luận gì về quyết định của Hungary. Tuy nhiên, trước đó Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần hối thúc Hungary phê chuẩn quyết định cho phép Thụy Điển gia nhập NATO: “Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ làm cho toàn bộ liên minh trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy, tôi mong rằng Quốc hội Hungary sẽ sớm phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 25/1 vừa qua ký phê duyệt nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển, hiện chỉ còn Hungary là thành viên duy nhất của NATO chưa phê chuẩn kết nạp Thụy Điển. Với quyết định trên của Quốc hội Hungary, cảnh cửa gia nhập tổ chức quân sự lớn nhất thế giới này của Thụy Điển tạm thời bị đóng lại.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, Hungary có hành động được cho là gây bất ngờ này. Các nghị sĩ đảng cầm quyền Hungary thực tế đã trì hoãn bỏ phiếu kết nạp Thụy Điển kể từ tháng 7 năm 2022, với cáo buộc rằng các nhà chính trị Thụy Điển đã có thái độ thù địch công khai khi nhiều lần chỉ trích về các vấn đề pháp quyền của nước này.
Theo kế hoạch, phiên họp thường kỳ tiếp theo của quốc hội Hungary dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/2, song theo đánh giá của giới phân tích, không có gì đảm bảo đảng của Thủ tướng Ô-ban sẽ nhanh chóng duyệt Thụy Điển vào NATO. Mới đây khi Thủ tướng Hungary mời Thủ tướng Thụy Điển tới nước này, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson đã khước từ và nói rằng ông sẵn sàng tới thăm Hungary, song chỉ sau khi Hungary đã chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO. Điều này có nghĩa là việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ cần chờ thêm một thời gian nữa và cần cả những nỗ lực ngoại giao từ 2 phía.