Đảng cầm quyền Hungary tẩy chay phiên họp khẩn
Theo hãng thông tấn AP, các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã tẩy chay phiên họp khẩn của Quốc hội nước này trong ngày 5/2.
Vốn dĩ một cuộc bỏ phiếu đã được lên lịch trong phiên họp này để đẩy nhanh việc phê duyệt tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc đảng Fidesz đã vắng mặt, khiến cuộc bỏ phiếu không thể diễn ra.
Động thái của các thành viên đảng cầm quyền Hungary đã làm tăng thêm 18 tháng trì hoãn trong tiến trình Thụy Điển gia nhập NATO, khiến các quốc gia thành viên khác trong khối rất tức giận.
Đáng nói, theo tờ Guardian, việc này còn diễn ra bất chấp sự tham dự của 16 đại diện ngoại giao các nước thành viên NATO, trong đó có phái đoàn Mỹ - do Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman dẫn đầu, cùng các Đại sứ đến từ Đan Mạch và Ba Lan.
Khung cảnh với rất nhiều ghế bỏ trống tại phiên họp khẩn của Hungary ngày 5/2. Cuộc bỏ phiếu đã không dể diễn ra do các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Fidesz không có mặt.
Đảng Fidesz đã trì hoãn nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển từ tháng 7/2022 với lý do các chính trị gia Thụy Điển đã "có thái độ thù địch không khai" khi nhiều lần chỉ trích về tình trạng dân chủ của Hungary.
Sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 1 năm nay, Hungary đã trở thành quốc gia duy nhất trong số 31 nước thành viên NATO chưa chấp thuận Thụy Điển vào khối.
Dưới sức ép từ Mỹ và các quốc gia NATO, phiên họp ngày 5/2 đã được sắp xếp với sự ủng hộ từ 6 đảng đối lập của Hungary. Nhưng việc các thành viên đảng Fidesz đã không tham dự đã làm sụp đổ nỗ lực tổ chức bỏ phiếu. Đại sứ Mỹ David Pressman đã rời đi với biểu hiện không hài lòng.
Theo tờ Al Jazeera, Thụy Điển theo đuổi chính sách không liên kết quân sự từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine bùng nổ năm 2022 đã gây ra những biến động chính trị, khiến nước này quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO vào cùng năm.
Hungary vốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga và được gọi là "nước thân Nga nhất trong Liên minh châu Âu". Mặc dù bên ngoài, Hungary cho biết họ sẽ ủng hộ đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển nhưng thực tế cho thấy Budapest đã trì hoãn tiến trình này trong nhiều tháng qua.
Mong muốn lắt léo của Hungary
Một số quan chức Hungary cho biết, các nhà lập pháp đảng Fidesz sẽ không ủng hộ việc bỏ phiếu thông qua cho Thụy Điển, cho tới khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đến thăm Budapest để đàm phán về vấn đề này.
Trong khi đó, ông Kristersson nói rằng, ông sẽ tiến hành chuyến thăm, nhưng chỉ sau khi Hungary chấp thuận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Đại diện đảng Fidesz cho biết, việc phê chuẩn gia nhập NATO của Thụy Điển có thể diễn ra trong phiên họp thường kỳ sắp tới của Quốc hội Hungary, "nhưng chúng tôi đang đợi Thủ tướng Thụy Điển đến thăm Hungary trước tiên".
"Nếu đây là vấn đề quan trọng đối với Thụy Điển, Thủ tướng Kristersson đương nhiên cần đến Budapest" – Đại diện đảng Fidesz cho hay.
Nói một cách đơn giản, Hungary muốn tạo sự tương phản giữa tư cách của Thụy Điển trước và sau khi đã gia nhập NATO, từ đó thể hiện rõ sự khác biệt về vị thế ai cần ai hơn. Theo ý của Budapest, nếu muốn gia nhập NATO, ông Kristersson phải cất công đến thăm và "thỉnh cầu" Hungary.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kristersson thì hàm ý rằng, Hungary phải để cho Thụy Điển gia nhập NATO thì mới được đón tiếp Thủ tướng Thụy Điển.
Mỹ nổi giận với đồng minh
Trong tuần trước, một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Mỹ đã kêu gọi Thủ tướng Hungary Viktor Orbán phê chuẩn ngay lập tức đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển, đồng thời lưu ý rằng sự kiên nhẫn đối với Hungary "sắp hết", khi nước này liên tục trì hoãn việc phê duyệt cho Thụy Điển vào khối.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng Nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin, trong một tuyên bố riêng sau đó đã nêu ra khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Hungary, đồng thời gọi ông Orbán là "thành viên kém tin cậy nhất của NATO".
Nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen và nghị sĩ đảng Cộng hòa Thom Tillis - đồng chủ tịch Nhóm giám sát NATO - cũng ra tuyên bố chung kêu gọi Hungary thay đổi định hướng.
"Việc Hungary không hành động có nguy cơ gây tổn hại không thể cứu vãn đến quan hệ giữa nước này với Mỹ và NATO" - Hai nghị sĩ nhấn mạnh.
Phát biểu sau khi phiên họp ngày 5/2 bị hủy bỏ, Đại sứ Mỹ Pressman cho biết: "Việc gia nhập NATO của Thụy Điển là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia Mỹ và ảnh hưởng tới an ninh của liên minh chúng ta nói chung.
Thủ tướng Hungary đã cam kết sẽ triệu tập quốc hội và kêu gọi quốc hội hành động sớm nhất có thể. Hôm nay lẽ ra là cơ hội để làm điều đó. Chúng tôi mong muốn Hungary hành động nhanh chóng".
Trước đó, khi trả lời tờ Guardian hồi tháng 1, ông Pressman cho biết Mỹ "rất thất vọng" trước việc Budapest trì hoãn phê duyệt cho Thụy Điển vào NATO. Sự chậm trễ của Hungary đã khiến các quan chức phương Tây vô cùng giận dữ. Họ lo ngại về tiến trình kéo dài, cũng như sự thiếu minh bạch trong các lý do ẩn đằng sau động thái của Hungary.
Bà Agnes Vadai - nhà lập pháp thuộc đảng Liên minh Dân chủ tự do Hungary bình luận, hành vi của ông Orbán đã "đưa Hungary vào một tình thế rất bẽ mặt" bởi "không có lý do gì để chính phủ ông Orbán ngăn chặn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển".
Quốc hội Hungary dự kiến sẽ họp lại vào ngày 26/2 tới. Tuy nhiên, theo bà Vadai, không có gì đảm bảo rằng đảng của ông Orbán sẽ cam kết phê chuẩn nhanh chóng cho Thụy Điển vào NATO.